8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

10. HÃY LÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG QUYẾT ĐOÁN



Đàn ông vượt trội thường có tính cách quyết đoán, nhiều mưu lược, không bao giờ tỏ ra trù trừ chậm chạp, mọi trở lực đều phải nhường bước, không những họ giành được thành tựu mà cũng dễ dàng thu phục trái tim phụ nữ.

Quyết đoán được coi là một tố chất ưu việt trong nhân cách con người, có ảnh hưởng tới thành bại trên đường đời, những người thiếu tính cách quyết đoán, khi gặp phải chuyện quan trọng, thường hay tỏ ra chần chừ do dự, không đưa ra được quyết định dứt khoát, sau khi đưa ra quyết định, lại không chấp hành, không linh hoạt nắm bắt thời cơ, không biết ứng phó mau lẹ, để tuột mất cơ hội ra khỏi tầm tay.

Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng tính quyết đoán, liệt kê như sau:

(1) Kiến thức rộng rãi, kinh nghiệm phong phú

Kiến thức và mưu lược là hai phạm trù không thể tách rời nhau, những người học rộng biết nhiều thì mới có nhiều mưu kế, trong sách cổ gọi là túc trí đa mưu, những người hiểu biết, học vấn nông cạn, chỉ biết làm theo người khác, nếu may mắn vài lần thu được thành công, thì được ví như chuyện mèo mù vớ cá rán, chó ngáp phải ruồi. Trước khi ra khỏi túp lều tranh, Gia Cát Lượng đã học tập nghiên cứu suốt thời gian dài, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nắm vững thời cuộc như trong lòng bàn tay, đã bày mưu vạch kế, phía đông thì liên kết với Tôn Quyền nước Ngô, phía bắc thì tiêu diệt Tào Tháo nước Ngụy, chia thiên hạ thành thế chân vạc, Gia Cát Lượng dám quyết đoán vận dụng “kế bỏ ngõ thành” để đánh lừa con người tài hoa mưu trí như Tư Mã Ý, quả là rất thần tình.

(2) Quả đoán khác xa võ đoán

Quả đoán là đưa ra quyết định trên cơ sở phân tích, xem xét một cách khoa học, biện chứng một cách logic, xuất phát từ phán đoán từ tình hình thực tế, biết người biết ta. Tào Tháo thống lĩnh trăm vạn đại binh xâm phạm vùng đất Giang Tô thuộc cương vực nước Ngô của Tôn Quyền, trong triều chính nước

Ngô, phe chủ chiến và phe chủ hòa tranh luận với nhau chẳng ai chịu nhường ai, bản thân Tôn Quyền cũng không đưa ra được quyết định dứt khoát. Khi đó Gia Cát Lượng đang đi sứ ở nước Ngô, đã tiến hành phân tích cặn kẽ tình hình của Tào Tháo đưa đến kết luận, mặc dù Tào Tháo diễu võ dương uy, phô trương thanh thế, thực tế binh lực của Tào Tháo chỉ có bốn năm chục vạn, trong đó đa phần là hàng binh, tinh thần binh lính không ổn định, sức chiến đấu sút kém, quân đội của Tào Tháo đa phần là người miền Bắc, không hợp thổ ngơi khí hậu miền Nam, lại không thông thạo thủy chiến, nên khả năng giành thắng lợi rất nhỏ. Tôn Quyền rất tâm đắc thán phục sự đánh giá sắc sảo xác đáng của Gia Cát Lượng, chấp nhận mưu kế liên kết Ngô Thục để cùng nhau diệt Ngụy, ý kiến của Gia Cát Lượng đã giàn hòa được mâu thuẫn nội bộ giữa hai phe trong triều đình nước Ngô, mọi người nhất trí ủng hộ chủ trương đánh Tào Tháo.

Khi đưa ra quyết định vận dụng kế “Bỏ ngõ thành” Gia Cát Lượng đã hiểu rất rõ về con người Tư Mã Ý, sau này Gia Cát Lượng tâm sự rằng: “Tư Mã Ý luôn cho rằng tôi là con người thận trọng chu đáo, không hay mạo hiểm, nên khi tôi bỏ ngõ cổng thành, thế nào ông ta cũng nghĩ là tôi đã bố trí phục binh, nên ông ta mới cho lui quân. Tất nhiên, nếu không lâm vào tình thế vạn bất đắc dĩ, thì không nên dùng kế này”.

(3) Chuẩn bị thật chu đáo, căn cứ vào tình hình cụ thể, để đưa ra các phương án khác nhau nhằm đối phó với tình hình, muốn đưa ra phương án tối ưu thì phải phân tích thấu đáo, suy nghĩ chín chắn.

(4) Nắm bắt thời cơ, quyết định kịp thời đúng lúc.

Tục ngữ có câu: thời cơ không được để trôi qua, cơ hội chẳng bao giờ quay lại. Mọi mưu lược chỉ phát huy hiệu quả trong bối cảnh và thời gian cụ thể nào đó, mưu lược phải luôn luôn thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và thời gian.

Trong cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” có đoạn mô tả Paven Corsagin trên đường đi nhìn thấy người bạn chiến đấu của mình là Giukhrai bị một tên lính địch áp giải, trước tình thế đó, lúc đầu Paven có phần bối rối, tim đập loạn xạ, chợt nhớ ra trong túi mình có khẩu súng lục, quyết định đứng nấp bên đường, chờ khi tên lính áp giải Giukhrai đi qua thì sẽ bắn chết tên lính để giải thoát cho chiến hữu, nhưng lại tỏ ra chần chừ vì cho rằng: Nếu mình bắn trượt chẳng may trúng Giukhrai thì sao? Đang do dự thì tên lính địch đã áp giải Giukhrai đến ngay trước mắt, đó là giây phút quyết định, không còn kịp cân nhắc suy nghĩ, Paven xông ngay vào tên lính, giữ chặt lấy khẩu súng của hắn, ra sức ấn xuống phía dưới… cuối cùng đã giải cứu được Giukhrai.

Quyết định của Paven trong khoảnh khắc đó thật hợp lý và kịp thời.

Quyết đoán không có nghĩa là mạo hiểm, hoặc nông nổi, quyết đoán được đưa ra trên cơ sở phân tích tình hình và diễn biến cụ thể, thì mới có thể thu được hiệu quả.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Có dám quyết đoán hay không thường trở thành nhân tố quyết định thành bại trong hành động của con người. Bởi vậy đàn ông muốn thành công, thì phải tăng cường học tập rèn luyện để nâng cao năng lực quyết đoán, ứng biến trong mọi trường hợp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.