Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

7. Liên quân Tôn – Lưu, trận tuyến bầy sẵn.



Tôn Quyền nghe vậy rất đỗi vui mừng, lập tức lớn tiếng tuyên bố rằng, lão tặc sớm đã dự tính cướp ngôi hoàng đế, chỉ sọViên Thiệu, Viên Thuật, Lã Bố, Lưu Biểu và ta phản đối, nay mấy vị anh hùng kia đều chết cả, chỉ còn lại mình ta, ta thề không chung trời với lão tặc.

Nói rồi bèn tuốt kiếm ra, chém mặt bàn thành hai nửa nghiêm mặt nói rằng: “Ai còn nói đến đầu hàng Tào Tháo, sẽ như cái bàn này!”
Sau quyết định dứt khoát của Tôn Quyển, các quan viên và tướng lĩnh cùng thề tuân theo quyết sách của chủ tướng, trên dưới đồng lòng tích cực chuẩn bị việc chiến sự chống lại Tào Tháo.
Tiếp đó Tôn Quyền chỉ thị cho Trương Chiêu, Lỗ Túc, Chu Du cùng họp bàn với Gia Cát Lượng về việc hợp tác hai họ Tôn – Lưu.
Sau cuộc họp, Tôn Quyền cho gọi một mình Chu Du đến, nói rõ phải lập tức điều quân chủ lực của Chu Du về, tăng thêm nhân mã ở Sài Tang, ước có hơn 3 vạn người, chiến thuyền, binh khí, lương thực cũng đã chuẩn bị đủ, có thể lập tức xuất phát. Nếu nhân mã chưa đủ số, sẽ sắp xếp hoàn thành trong thời gian ngắn nhất; mọi việc đều do Tôn Quyền tự mình điều khiển, tiếp ứng thẳng thắn cho tiền tuyến. Trước lúc chia tay Tôn Quyền phấn khởi vỗ vai Chu Du, nói rằng: “Đô đốc có thể làm được đến đâu, xin tận lực làm ngay cho! Nếu có gì không thuận lợi còn có ta đây. Ta dứt khoát chẳng hối hận, nhất định ta sẽ quyết một trận sống mái với Tào Tháo”.
Sáng hôm sau, Tôn Quyền công bố việc sắp xếp tổ chức tác chiến chống Tào lần này, danh sách như sau:
Tổng chỉ huy: Hữu đô đốc Chu Du.
Phó tổng chỉ huy: Tả đô đốc Trình Phổ.
Đội tiên phong thủy quân: Vũ phong hiệu uý Hoàng Cái, Trung Lang tướng Hàn Đương.
Đội chủ lực thủy quân: Hiệu uý Cam Ninh, hiệu uý Chu Thái, Trung Lang tướng Lã Phạm, Trung Lang tướng Đổng Tập.
Đội chủ lực lục quân: Trung Lang tướng Thái Sử Từ, Trung Lang tướng Lã Mông, Trung Lang tướng Lăng Thống.
Hậu cần chi viện: Tán quân hiệu uý Lỗ Túc kiêm phụ trách liên hệ việc quân với Lưu Bị và Lưu Kỳ. Quân Đông Ngô có hơn 3 vạn người lại thêm hơn hai vạn binh mã của Lưu Bị và Lưu Kỳ, binh lực động viên được đại khái chỉ bằng 1 phần 4 quân nam chinh và Kinh Châu mới bổ sung của Tào Tháo mà thôi.
Kế hoạch của Trương Chiêu tuy không được chấp nhận song ông ta thấy Gia Cát Lượng trẻ tuổi mà biết xem trọng bậc lão thần, nói năng giỏi giang, có ý muốn lôi kéo nhân tài cho quốc gia, bèn đề nghị Tôn Quyền lệnh cho Gia Cát Cẩn sớm đến thuyết phục Gia Cát Lượng. Tôn Quyền hỏi ý kiến Chu Du song Chu Du cười mà không đáp. Tôn Quyền bèn cho gọi Gia Cát Cẩn bảo rằng: “Gia Cát Khổng Minh là em của tiên sinh, là người có tài, em nghe theo anh là lẽ đương nhiên nếu ông ta muốn ở lại cùng lo đại sự, ta sẽ tự tay viết thư nói rõ vói Lưu Dự Châu”. Gia Cát Cẩn vội đến gặp Gia Cát Lượng, không ngờ Gia Cát Lượng lại nói trước, khuyên Gia Cát Cẩn theo về với Lưu Bị sẽ càng phát huy được khả năng.
Gia Cát Cẩn không nài ép được, đành trở về báo cáo với Tôn Quyền: “Em tôi phụ tá Lưu Dự Châu, vì nghĩa chẳng thể hai lòng, Lượng không chịu ở Đông Ngô, cũng như Cẩn không thể rời Giang Đông vậy”. Chu Du cũng khuyên Tôn Quyền chẳng cần nghĩ ngợi nhiều nên thành tâm thản nhiên, để cùng với Lưu Bị và Gia Cát Lượng bàn chi tiết về sự hợp tác.

Theo “Tam quốc diễn nghĩa” tô vẽ, Chu Du lòng dạ nhỏ nhen luôn nghĩ hãm hại Gia Cát Lượng. Thực ra Chu Du trong lịch sử chẳng những là người bao dung, lại còn khiêm tốn nữa, lại rất chiếu cố với Gia Cát Lượng. Đặc biệt là Lỗ Túc trong tiểu thuyết thì luôn luôn bị lừa phỉnh; song thực ra ông ta chẳng những là nhà chiến lược của Đông Ngô, lại có tầm nhìn lớn, ý chí rắn rỏi, ông ta cùng với Chu Du, Gia Cát Lượng đồng tâm hợp lực, cố gắng không mệt mỏi, trong chiến dịch liên quân Tôn – Lưu chống Tào Tháo lần này, đã thể hiện vai trò rất quan trọng.
Năm đó Chu Du 34 tuổi, Lỗ Túc 37 tuổi, về kinh nghiệm trên võ đài quốc tế và thực tế chiến trường, đều hơn hẳn Gia Cát Lượng mới 28 tuổi. Có thể tin rằng trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng đã học tập được ở hai vị tiền bối ưu tú khá nhiều điều bố ích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.