Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

10. Giữ mình thanh liêm, cách tân chánh sự ở đất Thục



Giáo sư Lâm Điền, một chuyên gia Trung Quốc học của Nhật Bản trong cuốn “Một đời thăng hoa” đã có miêu tả về đời sống của Gia Cát Lượng, ví như đời sống một loài hoa là hoa anh đào, sự rực rỡ gắn với tàn tạ, bỗng khiến người đọc không khỏi xúc động. Ông chỉ ra rằng Gia Cát Lượng sinh phải thời loạn lạc, vất vả lam lũ, nếm trải nhiều cay đắng như mọi người bấy giờ chỉ bởi ôm ấp một hoài bão lớn, dấn thân vào con đường hành động, tạo dựng nên cái đẹp trong suốt. Có thể nói bởi một tấm lòng chân thành nhiệt tình như thế, ông đã trở thành một nhân vật chính trị thiên thu vạn đại vẫn khiến người ta hâm mộ và thương nhớ.

Trần Thọ cũng cho rằng Gia Cát Lượng có một đời cống hiến rất lớn, thể hiện ở cách tân phong khí chính trị. Ông vốn thanh liêm cao khiết lại nghiêm túc có tác dụng lãnh đạo to lớn. Xã hội nước Thục lúc bấy giờ nhiễu loạn trì trệ, cần những tác động mạnh của điều lệ pháp luật, có thể di phong dịch tục, ông đã phát huy được vai trò tể tướng điều hành.
Tầng lớp quan liêu thế gia ở Thành Đô lúc ấy, thích hưởng thụ lối sống kim tiền phù hoa, khiến xã hội băng hoại đến cực điểm – Gia Cát Lượng quyết tâm ngăn chặn, ông lấy mình làm gương, đặt ra điều luật để trói buộc. Trong “Giới tử thư”, quan niệm của ông rất rõ ràng khi nhắc nhở con cái trong nhà: “Ta làm theo đạo của kẻ quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm dưỡng đức, đạm bạc để nuôi chí, tĩnh lặng để nghĩ xa. Ta học lấy sự thanh tịnh, tài do học mà có, chẳng học chẳng rộng tài, chẳng có chí thì chẳng thành công, buông thả hại cho tinh thần, mạo hiểm khó thuần được tính”.

Trong “Giới ngoại sanh thư”, ông lại nói rõ trí ở nơi cao viễn dứt bỏ những dục vọng tầm thường, nhẫn nại khi co duỗi.
Trong tờ biểu gửi cho Lưu Thiện, Gia Cát Lượng công bố tài sản của mình:
“Thần sớm theo tiên đế, một đời chỉ biết theo quan gia, tuyệt không vun vén gì cho bản thân, nay ở Thành Đô bãi dâu có 800 gốc, ruộng bãi có năm mươi khoảnh, con cái quần áo cũng tạm đủ dùng, đời sống của thần thường ởngoài cõi xa ăn mặc hoàn toàn do quốc gia cung cấp; bởi vậy mà cũng chẳng có thu nhập riêng hoặc tích góp tài sản gì. Sở dĩ kiên trì như thế, chủ yếu là nghĩ đến ngày mà thần không còn nữa, không để trong nhà thì có lắm tiền, ngoài ấp có lắm trang trại, phụ lại sự trông gửi của bệ hạ”.
Sau ngày Gia Cát Lượng từ trần, Lưu Thiện cho người đến xem xét phủ thừa tướng, quả đúng như vậy.

Trong thư ông viết trả lời Lý Nghiêm:
“Nay tôi tài sản tư dinh chẳng có nhiều, vợ con còn chưa đủ áo mặc”.
Qua đó cho thấy gia cảnh thanh đạm của ông. Là một vị tể tướng chỉ dưới một người, trên cả vạn người, thanh liêm như thế trách chi chẳng để lại bao nhiêu hoài niệm.
Gia Cát Lượng một đời chí công vô tư vì nước, tuyệt không có một chút riêng tư, thực đã khiến không ít những đại thần nước Thục chịu ảnh hưởng. Ví như Tưởng Uyển với con cái cũng rất nghiêm: “Thường nhắc nhở trong nhà nên ăn chay, mặc áo vải thô, ra ngoài không dùng xe ngựa”. Ấy là chịu ảnh hưởng của phong cách Gia Cát Lượng. Khương Duy là tổng chỉ huy quân đội, là người ở ngôi cao thượng tướng, có vị trí đáng kể với các quần thần, nhà cửa cũng rất giản đơn, thậm chí có chỗ xiêu đổ, trong nhà không có thiếp hầu, sau sân chẳng hề nghe thấy tiếng đàn hát”. Còn Đặng Chi là nhà ngoại giao xuất sắc cũng chịu ảnh hưởng phong cách của Gia Cát Lượng, sử sách có ghi ông ấy làm quan hơn 20 năm thưởng phạt nghiêm minh, gần gũi chu cấp cho binh sĩ có khó khăn, sinh hoạt thường cần kiệm không lo riêng tư, đến cả vợ con cũng không thoát cơ hàn, khi ông ta mất gia cảnh quá đỗi thanh bần.

Qua đấy có thể thấy tấm gương thanh liêm của Gia Cát Lượng rất có ảnh hưởng đối với đương thời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.