Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

1. Giáo huấn của lịch sử.



Vùng Di tộc tây nam còn gọi là vùng Nam Trung, thời Tam Quốc do Thục Hán cai quản. Các dân tộc thiểu số sống ở đây phần lớn gồm người Tẩu, Thanh Khương, Liêu, Bộc. Từ triều Hán đến giờ đã có bốn quận là Ích Châu, Vĩnh Xương, Tang Ca,Việt Huề. Đó là vùng Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam ngày nay, xưa kia gọi là đất Di Việt.

Thời Tần Thủy Hoàng từ Cức Đạo (nay là vùng Nghi Tân – Tứ Xuyên) đã mở rộng năm thước dẫn vào Nam Trung, để điều hành địa phương này, không lâu lại bố trí quan lại ở Nam Trung làm tượng trưng cho việc cai quản hành chính trực tiếp ở đấy. Song sau khi Vương triều Tần bị diệt vong, Nam Trung khôi phục độc lập, tạm thời cắt đứt liên hệ về kinh tế, văn hoá với Trung Nguyên.

Thời Hán Vũ đế uy quyền toả rộng, các hào tộc Nam Trung có ý thuận theo, Hán Vũ đế đặc biệt phái hai đại thần có tầm mắt quy hoạch lớn là nhà văn học Tư Mã Tương Như và nhà sử học Tư Mã Thiên đến đó xem xét.

Tư Mã Tương Như sau khi về triều, đề nghị Hán Vũ đế bố trí quận huyện ở đấy, để tăng cường điều hành ở Nam Trung. Tư Mã Thiên thì báo cáo cặn kẽ với Hán Vũ đế về sông núi sản vật và tập tục ở đấy, thiên “tây nam di truyện” viết trong “Sử ký” cho chúng ta khá nhiều hiểu biết về địa phương này. Hán Vũ đế đặt ra quận Tang Ca ở Quý Châu, quận Việt Huề ở Tứ Xuyên, quận Ích Châu ở Vân Nam, triển khai kế hoạch điều hành ở đấy. Hơn nữa lại di dân tới đó, sửa sang đường sá, mang kỹ thuật sản xuất và văn hoá của dân tộc Hán đến đó, khiến Nam Trung dần dần phồn vinh.

Sự hỗn loạn cuốiđời Tây Hán, khiến việc điều hành ở vùng này bị đứt đoạt. Đến đời Quang Vũ đế, Uy vũ tướng quan Lưu Thượng mấy lần thảo phạt Nam Trung mới sát nhập lại vào bản đồ nhà Hán. Hán Minh đế lại chú ý điều hành, các thủ lĩnh bộ lạc lại rối rít yêu cầu quy phục, mới đặt thêm quận Vĩnh Xương ở vùng Bảo Sơn ngày nay, hoàn thành việc quy hoạch hành chính 4 quận Nam Trung. Trước sự tranh giành quyền lợi của các ngoại thích, hoạn quan cuối đời Đông Hán, vùng Nam Trung trở thành miếng mồi của họ. Những kẻ quyền thế ấy thường phái công thần đến Nam Trung, ra sức vơ vét, cậy thế áp bức những dân tộc thiểu số ở đấy.
Sách “Hoa Dương quốc chí” có chép, quận Ích Châu vốn có “Cá, muối, ruộng đất, ao hồ giàu có, vàng bạc sản vật rất nhiều”, quận Vĩnh Xương cũng có mỏ vàng bạc. Bởi thế nếu có cơ hội làm quan ở đấy, không thể không giàu đến 10 đời. Họ còn thậm chí câu kết với kẻ quyền quý trong triều, dùng vàng bạc hối lộ, để có thể lâu dài tham ô và vơ vét của cải, ví như Thái thú Vĩnh Xương là Lưu Quân

ở thời An đế đã đúc một con rắn bằng vàng hối lộ mà có được chức Hỗ bạt tướng quân, khiến triều đình cho rằng vùng Nam Trung là nơi sẵn báu vật, lại càng tăng cường vơ vét.
Năm Vĩnh An thứ 6, triều đình hạ chiếu chỉ đặt ra ở quận Việt Huề ba khu vườn nội uyển là Trường lợi, Cao vọng và Thủy xương, lại đặt ra ở quận Ích Châu vườn nội uyên “Vạn tuế”, làm khu vườn cấm để nhà vua nuôi các chim thú quý hiếm. Đến những người thống trị vào thời Đông Hán, đều muốn vơ vét bóc lột, trách chi các dân tộc thiểu số ở Nam Trung, đối với Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng, bắt đầu những hành động phản kháng liên tiếp.
Song những người thống trị Đông Hán theo “chủ nghĩa Trung Hoa lớn”, trước những hành động phản kháng đòi quyền sinh tồn của những dân tộc thiêu số ở đấy, lại xem là những hành động không thể tha thứ, bởi thế lại càng trấn áp tàn khốc, mang danh nghĩa quân đội thiên triều để bắt Man Di đầu hàng. Chẳng ngờ lại dẫn đến những hành động chống đối mạnh mẽ.
Năm An đế thứ 5, Phong Ly ở Việt Huề chính thức làm phản.
Năm thứ 2, Di tộc ở Vĩnh Xương, Ích Châu rối rít hưởng ứng, quân làm phản tập hợp được 10 vạn người.
Họ đánh các nhiệm sở hành chính của nhà Hán, những quan lại chỉ biết tham ô, khinh rẻ trăm họ, đối với sự nổi dậy ấy, lại chỉ biết bó tay, không ít quan lại bị giết, công sở bị phá hủy.
Trương Kiều là Thứ sử Ích Châu, phụng mệnh thảo phạt Nam Trung. Ông ta phái Dương Tủng vốn làm việc ở Ích Châu, có tài cán dẫn quân đến đó.
Đối mặt với quân phản loạn thiếu tổ chức, Dương Tủng cho tập kích mau chóng, quả nhiên chỉ một trận đánh tan đại bản doanh quân phản loạn, sử sách chép ông ta chém hơn 3 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 1.500 người, thu được nhiều của cải.
Để cổ vũ tinh thần binh lính, Dương Tung mang toàn bộ của cải thưởng cho binh sĩ, để tăng thêm sức tác chiến, triệt để bẻ gãy tàn dư của quân phản loạn. Dương Tùng tuy phát động cuộc trấn áp võ trang tàn khốc, song đến Nam Trung không lâu, ông ta phát hiện người dân phản loạn mới là người bị hại thực sự, bởi thế lập tức đổi dùng chính sách phủ dụ, lại ly gián quan hệ giữa các thủ lĩnh, khiến lực lượng của họ suy yếu đi, cứ thế thuyết phục dần dần, không lâu bức được Phong Ly phải đầu hàng. Cuộc biến loạn lớn đầu tiên ở Nam Trung, cuối cùng đã chấm dứt. Sau khi kết thúc hành động quân sự, Dương Tủng viết báo cáo lên triều đình kể tội 90 quan lại ở Nam Trung, lại cấp bổng lộc cho các quan lại nhỏ trung thành. Song những viên quan xấu vốn cấu kết mối lợi với các đại thần triều đình, thậm chí đến trụ cột triều đình và nhà vua cũng có phần. Bởi thế sớ kể tội của Dương Tủng về căn bản không tác dụng, những viên quan đáng tội chết đều được giảm tội. Trái lại, xét Dương Tủng giết người quá nhiều, quân đội của mình bị thương vong lớn, tuy có công cùng không ban thưởng gì cả. Sự thối nát của triều Hán đã đến bước không có cách gì chữa khỏi.

Song việc xử trí và kể tội của Dương Tủng, đã phát huy được tác dụng cảnh báo, những hành vi bóc lột dân thiểu số phải tạm thời lắng xuống. Lại kể đến thời Hoàn đế và Linh đế, tình hình triều chính ngày mỗi xấu đi, những hành vi chiếm đoạt trắng trợn xảy ra không cùng. Quả nhiên năm Hy Bình thứ 2 đời Linh đế, Di tộc ở Nam Trung lại làm phản, mau chóng đánh chiếm quận Ích Châu, đến cả Thái thú Ích Châu Ung Trắc cũng thua trận mà bị bắt.
Do thanh thế của quân làm phản rất lớn, triều đình phái Ngự sử trung thừa Chu Qui dẫn quân thảo phạt. Quân làm phản lần này ghi nhớ kinh nghiệm bị Dương Tủng tập kích, chú ý tổ chức tốt hơn, lại chủ động triển khai nghênh chiến. Quân triều đình của Chu Qui, địa hình không thuộc, mấy lần bị mai phục, cuối cùng dẫn đến toàn quân bị tiêu diệt.
Các văn vũ bá quan của Linh đế tất thảy đều lo sợ, có người đã nêu chủ trương “Các quận huyện Nam Trung,ở rất xa xôi, người Man Di phản loạn bất thường, quân viễn chinh vất vả dẫu được không bằng mất, chẳng bằng quên đi”.
Chỉ có Thái úy Lý Ngung xuất thân ở Ba Quận là có ý dùng binh, lại đưa ra sách lược trấn áp và phủ dụ Nam Trung. Hán Linh đế bèn phong Lý Ngung làm Thái thúquận Ích Châu, lại hạ lệnh cho Thứ sử Ích Châu là Bàng Đình phụ giúp, do binh lực không đủ, Bàng Đình bàn với Lý Ngung, tổ chức huấn luyện những người thiểu số trung thành ở Ba Quận thành một đội quân theo Lý Ngung xuống phía nam. Lý Ngung vận dụng sách lượcvừa ân vừa uy, bỏ ra không ít sức lực, mới vỗ về được quân phản loạn, cứu được Ung Trắc. Song hai bên chỉ có thể xem là thủ hoà với nhau. Nam Trung nghiễm nhiên trở thành trạng thái nửa độc lập. Không lâu nổ ra khởi nghĩa Hoàng Cân, triều đình bị tiêu hao không ít lực lượng ở Nam Trung.
Năm Trung Bình thứ 5, Mã Tương và Triệu Chi người Ích Châu khởi nghĩa ở Miên Trúc, cũng tự xưng là quân Hoàng Cân. Họ chiêu tập Di tộc bị người Hán khinh rẻ, trong vòng một hai ngày đã có mấy nghìn người hưởng ứng, thanh thế rất lớn, không lâu Lý Thăng là Huyện lệnh Miên Trúc bị chết tại trận, quân phản loạn đánh phá khắp các huyện, đến như Thứ sử Ích Châu là Khước Kiệm cũng bị đánh bại, Khước Kiệm bởi thế mà bị chết tại trận. Tiếp đến Thục Quận, Kiện Vi cũng rơi vào chiến loạn, không đến 10 ngày, Ích Châu nói chung đã hình thành trạng thái độc lập, Mã Tương tự xưng là Thiên tứ có số quân phát triển đến mấy vạn người. Bởi thế triều đình mới phái Lưu Yên làm Ích Châu mục, giao cho quyền hành quân sự rất lớn, để chỉnh đốn Ích Châu. Đến khi cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân ở Ích Châu đã bình phục, vùng Nam Trung tựa hồ không chịu sự cai quản của Ích Châu. Trong thời kỳ Lưu Chương cai trị, đặc biệt phái Đổng Hoà là một viên quan thanh liêm, ra làm Thái thú quận Ích Châu, chủ động tiến hành việc chiêu phủ dân thiểu số ở Nam Trung. Sử sách có chép thành tích của ông được người Nam yêu mà tin, song thực ra chỉ là tạm thời, ảnh hưởng của Đổng Hoà vẫn rất hạn hẹp. Thủ lĩnh của người thiểu số sắp xếp lực lượng mạnh hơn, họ đối với quan lại nhà Hán và những cường hào bóc lột ở đấy, xung đột ngày mỗi lớn, có một số vùng nghiễm nhiên đã là trạng thái cát cứ độc lập.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.