Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
3. Gia Cát Lượng và trách nhiệm trước cuộc chiến vừa qua.
Tam quốc diễn nghĩa có dẫn câu thơ của Đỗ Phủ cảm khái về Bát trận đồ của Gia Cát Lượng: “Công trùm cả ba nước, danh thơm Bát trận đồ, sông trôi đá chẳng chuyển, hận chẳng nuốt xong Ngô”. La Quán Trung đã miêu tả Lục Tốn đuổi đánh Lưu Bị đến Vu Huyện, lại bị Gia Cát Lượng mai phục sẵn, nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn cứu giúp mới có thể thoát được nguy hiểm. Hoàng Thừa Ngạn lại hình dung Bát trận đồ “Biến hoá vô cùng chẳng thể học được”, tô vẽ như chuyện thần tiên khiến người đời sau kinh ngạc không thôi.
Thực ra Bát trận đồ chỉ là sa bàn đóng quân mà Gia Cát Lượng bày ra mà thôi, chẳng phải đặc biệt thần bí, hồi sau xin bàn thêm.
Song thánh thơ Đỗ Phủ sinh ở đời Đường làm sao lại có câu thơ cảm thán như thế? Có thể ở đời Đường, dân gian đã có câu chuyện lưu truyền như thế. La Quán Trung sau này viết tiểu thuyết, cụng là căn cứ vào câu chuyện mà Đỗ Phủ đã kể mà thôi.
Song, Tô Đông Pha đời Tống, khi nói về bài thơ ấy, lại chỉ ra rằng, bài thơ ấy của Đỗ Phủ cảm thán Gia Cát Lượng chưa có thể ngăn cản cuộc chiến tranh của Lưu Bị muốn thôn tính nước Ngô, tạo thành sự đại bại sau này, để hận suốt đời (theo Đông Pha chí lâm). Tuy Đông Pha lấy quan điểm sử học để giải thích thơ Đỗ Phủ, song từ việc này có thể thấy, ở đời Đường đối với di tích Bát trận đồ đã có những truyền thuyết thần bí.
Thực ra Lục Tốn chưa từng đuổi đánh Lưu Bị đến Vu Huyện, càng không thể bị nguy khốn ở Bát trận đồ. Lục Tốn sau khi về nước, được phong làm Phụ quốc tướng quân, chức Kinh Châu mục, sau lại phong làm Giang Lăng hầu.
Cuốn “Thư trị thông giám” có chép việc tự kiểm điểm của Gia Cát Lượng với vấn đề này:
Đầu tiên, Gia Cát Lượng và Thượng thư Pháp Chính, ý kiến về chính trị thường có chỗ bất đồng, song kỳ mưu trí thuật của Pháp Chính, lại rất làm cho Gia Cát Lượng ngưỡng mộ. Pháp Chính mất vào năm thứ hai, Lưu Bị xưng là Hán Trung Vương, song sau khi tin Lưu Bị thua trận truyền về Thành Đô, Gia Cát Lượng vẫn than rằng: “Pháp Chính nếu còn, ắt có thể ngăn cản chúa thượng đông chinh, kể như chúa thượng vẫn kiên trì đông chinh, có ông ta giúp đỡ kế sách, cũng không thể dẫn đến thất bại hôm nay”.
Pháp Chính từng nêu kế sách đưa Lưu Bị vào Thục, tự mình làm nội ứng, Lưu Bị có được Tứ Xuyên, ông ta với Trương Tùng đã mất có công rất lớn. Sau này Pháp Chính làm Tổng tham mưu trưởng, giúp đỡ Lưu Bị lấy được Hán Trung, trong doanh trại của Lưu Bị, ông ta vẫn được gọi là chủ mưu, các kế hoạch kỳ lạ của ông, rất được Lưu Bị tín nhiệm. Bởi thế nếu như ông vẫn còn khoẻ, có thế nghĩ ra biện pháp tốt để ngăn cản Lưu Bị xuất binh.
Nói một cách nghiêm chỉnh về việc Lưu Bị đông chinh, Gia Cát Lượng đang làm thừa tướng, tuy không tán thành song chưa cực lực phản đối. Triệu Vân và Tần Mật đều đã phản đối mạnh mẽ, Gia Cát Lượng là người bầy tôi đứng đầu lại chưa từng có lời nào. Ngoại trừ việc ông ta rất hiểu rõ Lưu Bị, biết có khuyên nhủ cũng chẳng có tác dụng, từ lời cảm than với Pháp Chính thì thấy ở sự kiện này, cũng có sai lầm về phán đoán.
Trong Long Trung Sách, Gia Cát Lượng sớm đã xác định quốc sách cơ bản là “Liên Ngô kháng Tào”, song kế sách trọng yếu lại là nắm hai châu lớn Kinh, Ích, để làm cơ sở bắc phạt Trung Nguyên sau này.
Trận Xích Bích, Gia Cát Lượng lấy sách lược khôn khéo đoạt được ba quận Kinh Nam, lại lấy thủ đoạn ngoại giao kiệt xuất mượn được đại bộ phận Kinh Châu, để làm tiền vốn cho Lưu Bị tranh bá với thiên hạ.
Tiếp đó ông ta với cương vị tổng quản lý kế hoạch trong trướng Lưu Bị, ở vị trí phó thổng soái phụ trách công tác điều hành dưới trướng của Lưu Bị.
Như trên đã nói, trong việc thúc đẩy “nghiệp vụ” Gia Cát Lượng lại không làm vai diễn chính, mà để Bàng Thống và Pháp Chính nắm công tác vạch kế hoạch. Ít thể hiện trên sàn diễn, song trên thực tế nhiệm vụ của Gia Cát Lượng rất trọng yếu. Đã thành lệ, Lưu Bị thường bị kiêm nhiệm việc lập kế hoạch khi xuất trận, bởi thế Gia Cát Lượng cũng thường ở bên ông, để thúc đẩy việc ổn định và chi viện đại bản doanh, rất cần có một người tin cậy được tín nhiệm hoàn toàn, hơn nữa có thể một mình đảm đương đại cục. Gia Cát Lượng sau khi điều hành ở Kinh Châu, lại điều hành ỏ Ích Châu, trách nhiệm của ông ta so với quân sư trận mạc thì quan trọng hơn nhiều, cũng thấy rõ Lưu Bị đã tín nhiệm và trọng dụng ông ta vượt cả Bàng Thống và Pháp Chính.
Đương nhiên biểu hiện của Bàng Thống và Pháp Chính cũng khá kiệt xuất, Ích Châu và Hán Trung nhờ sự hoạch định của họ, đã hoàn toàn giành được thuận lợi. Đáng tiếc hai người không được thọ, trong thời khắc rất trọng yếu đều theo nhau từ trần, điều này đối với sự phát triển nghiệp của Lưu Bị là một đòn đánh rất lớn.
Nhiệm vụ quản lý của Gia Cát Lượng rất trọng yếu, bởi thế chẳng thể kiêm nhiệm lập kế hoạch cụ thể, mà Lưu Bị vẫn thiếu bộ phận này. Hoàng Quyền, Mã Lương kế tục tuy đều là những nhân tài, song so với Bàng Thống, Pháp Chính và Gia Cát Lượng đều thấp hẳn một đầu. Thiếu mất người lập kế hoạch ưu tú, Lưu Bị cuối cùng trong chiến dịch đông chinh quan trọng, gặp phải thất bại nặng nề.
Gia Cát Lượng đối với nhược điểm của Lưu Bị, đã khá hiểu rõ, song ông ta vì sao chưa tận lực ngăn cản Lưu Bị phát động cuộc chiến tranh mù quáng này? Từ việc làm của ông ta sau này thì thấy, chẳng phải như ông ta than thở thiếu Pháp Chính ở bên hoặc Lưu Bị chưa hẳn đã tín nhiệm ông, mà chính là ông ta rất bận rộn. Sau khi chiếm được Ích Châu và Quan Trung, nhất định có không ít vấn đề nội chính, kinh tế và tài chính, cần được lập tức xử lý, quy hoạch, và thúc đẩy. Sau khi mất Kinh Châu, tình hình chung nhiều biến động, càng tăng thêm không ít khó khăn về ngoại giao và quốc phòng. Lưu Bị sau khi Quan Vũ và Trương Phi nối nhau từ trần, rối loạn đầu óc, gánh nặng quốc gia đè lên vai Gia Cát Lượng, có thể tin rằng ông ta đã bận đến mức chẳng có thời gian để hỏi han việc Lưu Bị đông chinh. Bởi thế ở giai đoạn này, ông ta thực tế không đưa ra được ý kiến hoàn chỉnh hoặc có tính xây dựng, lòng luôn vội vàng, đến một chút biện pháp cũng chẳng có, đối với Gia Cát Lượng mà nói, đó là nỗi khổ tâm không nén nổi. Song, Gia Cát Lượng chẳng có sự ngăn cản lớn với cuộc đông chinh của Lưu Bị, tin rằng ông ta cũng khá tin tưởng. Ông ta cho rằng nước Thục lực lượng đã thành, Lưu Bị có kinh nghiệm mấy lần đại thắng, hơn nữa với Tào Tháo giao chiến ở Hán Trung, lại bức Tào Tháo phải rút chạy, thấy rõ ông ta trong việc chỉ huy trận đánh lớn đã hoàn toàn thành thục. Lại thêm phía Đông Ngô các đại tướng tài giỏi như Chu Du, Lỗ Túc, Trình Phổ, Lã Mông đều nối nhau từ trần, đối với Lưu Bị mà nói, là không có nguy cơ lớn. Chẳng ngờ Đông Ngô lại xuất hiện Lục Tốn có thiên tài quân sự, là người mà lúc đầu Gia Cát Lượng chưa dự liệu đến.
Bộ Tổng tham mưu đông chinh lần này, cơ hồ đều bị xoá sổ, lão thần Mã Lương chủ nhiệm ban tham mưu bị chết ở trận Ngũ Khê. Trình Kỳ ở bên sông cũng tự sát mà chết, đến như Hoàng Quyền vẫn được Gia Cát Lượng xem trọng, bởi bất đồng với Lưu Bị mà được điều làm Giang Bắc đốc quân, sau chiến bại, mất đường về bất đắc dĩ cũng phải đầu hàng quân Tào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.