Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Gia Cát Lượng yết kiến Tôn Quyền.



Sau sự kiện này không lâu, Tôn Quyền nhận được tin mật báo, từ thành Tương Dương rằng Lưu Biểu đã ngã bệnh từ trần, lập tức phái Lỗ Túc đến Tương Dương viếng tang, cũng là quan sát khả năng diễn biến thời cuộc ở Kinh Châu.

Lỗ Túc mới đến Nam quận, đại quân nam chinh của Tàn Tháo đã đánh chiếm Phàn Thành, Lưu Tông ở thành Tương Dương vừa mới được cử làm Kinh Châu mục đã vội dâng thành đầu hàng, quân Lưu Bị bị bức rút vê Giang Lăng ở phương nam, lại rẽ ngang hợp quân với Lưu Kỳ ở Hạ Khẩu, tăng cường củng cố phòng tuyến. Lỗ Túc lập tức ngược lên phía bắc, gặp quân Lưu Bị ở Tương Dương vừa mới bị quân Tào đánh cho đại bại, Lỗ Túc bèn khuyên Lưu Bị chuyển hướng đông nam, liên hợp với Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống lại Tào Tháo. Lưu Bị sau khi trao đổi vói Gia Cát Lượng cũng quyết định dứt khoát, phái Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc đến Sài Tang yết kiến Tôn Quyên, tìm kiếm khả năng hợp tác đôi bên.
Lúc ấy Tôn Quyền mới chưa đầy 27 tuổi, nắm quyền bính chưa được 5 năm. Tuy còn ít tuổi, chưa từng trải sâu sắc, song lại là hậu duệ của những thần tượng quân sự, lại điểm tĩnh mà có chủ kiến.
Sau chiến dịch Tương Dương, Tào Tháo từng đưa thư chiêu hàng với giọng dọa nạt đến Tôn Quyền. Lập tức Tôn Quyền triệu tập hội nghị khẩn cấp, nói rõ tất cả với các quan văn võ Giang Đông về tin tức xấu này. Trong lúc số đông có vẻ hoảng loạn, người chủ trẻ tuổi này vẫn có sự tự tin đến mức bàng quan lãnh đạm.
Không lâu, Lỗ Túc trở về Sài Tang cùng với Gia Cát Lượng, với sự chân thành, đơn độc lần đầu yết kiến Tôn Quyền.
Ở doanh trại giản đơn mới dựng tạm, Tôn Quyền mặc áo vải thô tiếp kiến Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng vẫn giỏi xét người, mới đến cửa đã thấy được cá tính của Tôn Quyền. Nếu cử chỉ đơn phương bày tỏ lập trường của mình sẽ không lay chuyển được ông chủ trẻ tuổi này, bởi thế Gia Cát Lượng quyết định nhường Tôn Quyền nói trước về suy nghĩ, lựa chọn và qui hoạch của mình. Ông ta tin rằng chỉ cần sơ bộ định ra quyết sách, loại người như Tôn Quyền nhất định sẽ khắc phục mọi khó khăn kiên trì lập trường cuối cùng.
Sau hồi hàn huyên ban đầu, Gia Cát Lượng rất thản nhiên và khách quan phân tích thực lực và sách lược của Tào Tháo: “Từ khi đại loạn đến giờ, tướng quân khởi binh chiếm cứ Giang Đông, Lưu Huyền Đức tụ tập ở Hán Nam, cùng tranh thiên hạ với Tào Tháo. Nay Tào Tháo đã dẹp xong kẻ địch ở phía bắc, bởi thế thừa thắng nam chinh, chiếm được Kinh Châu, quyền uy lan khắp thiên hạ, khiến anh hùng không có đất dụng võ, Lưu Huyền Đức bị bức phải chạy đến mức đó, tình hình thực lực nguy cấp lắm vậy”. Tôn Quyền ngồi lặng nghiêng tai lắng nghe.

Gia Cát Lượng lại cường điệu uy lực hành quân chớp nhoáng của Tào Tháo, đến nay thế lực rất dữ dội, thời gian lại gấp gáp nên lập trường của Giang Đông là hoà hay là chiến nên lập tức quyết định ngay, để tránh dẫn đến những sai lầm về quân cơ.
“Tướng quân không lượng sức mà làm, nếu cho rằng lấy lực lượng Giang Đông, có thể đổi kháng với Trung Nguyên, không gì bằng sớm đoạn tuyệt quan hệ với họ, để hạ quyết tâm của mình, tập trung đủ lực lượng. Nếu thấy không đủ sức chống chọi, hãy lập tức mau chóng cởi giáp triệt binh, thần phục Trung Nguyên. Nếu tướng quân ngoài mặt giữ quan hệ hữu hảo với Tào Tháo, thực tế lại là chiến hoà do dự không quyết bên nào, rất có thể dẫn đến đại nạn cho quốc gia!”
Tôn Quyền nghe rồi, vẫn bình tĩnh hỏi lại rằng: “Tào quân có thực lực kinh người như thế, sao Lưu Huyền Đức không đầu hàng ở Kinh Châu lại vẫn không tự lượng sức chống chọi đến cùng như thế?”. Gia Cát Lượng vội than rằng: “Năm xưa Điền Hoành chẳng qua là tráng sĩ nước Tề mà thôi, lại có thể kiên trì giữ nghĩa không chịu nhục, phản kháng đến cùng. Huống chi Lưu Huyền Đức đường đường là dòng dõi nhà Hán, danh tiếng lớn lao, sớm đã là lãnh tụ tinh thần của các lực lượng phản Tào khắp nước, về nghĩa lý dứt khoát chẳng thể tùy tiện để người ta sai khiến, nay dẫu có thất bại, cũng chỉ là mệnh trời mà thôi!”
Tôn Quyền hai mắt nhìn chằm chằm Gia Cát Lượng với giọng trầm trầm nói rằng, Tào Tháo bức thiên tử mà sai khiến chư hầu, kẻ dám đối chọi lại, duy chỉ có Lưu Biểu, Lưu Bị và Tôn Quyền này mà thôi, hiện nay Lưu Biểu đã tạ thế, Lưu Bị lại đang thất bại, chỉ còn lại một mình Đông Ngô. Bởi thế ông ta cũng dứt khoát không thể để mấy chục vạn quân dân Đông Ngô mặc kệ để người ta khinh nhờn; ông ta hy vọng Gia Cát Lượng có thể đưa ra sách lược Tôn – Lưu liên hợp để chống lại đại quân Tào Tháo. Gia Cát Lượng thấy Tôn Quyền đã động tâm, bèn đưa ra phân tích thêm một bước; ông ta nói rõ rằng, ông đã sưu tầm được những tin tình báo thực tế ở trận chiến Kinh Châu, đại quân của Tào Tháo tuy nhiều, lại có 4 nhược điểm lớn:
Thứ nhất, quân Tào nói phao rằng có 100 vạn người, thực ra quân nam chinh chỉ có chừng 20 vạn người, mà đại bộ phận chẳng phải quân trực thuộc, đó là quân họ Viên và Kinh Châu biên chế thêm. Quân sĩ pha tạp này không tập trung vào mũi nhọn, trước mắt phải bố trí trên một vừng mới chiếm rộng lớn từ Tương Dương đến Giang Lăng, thực ra số quân có thể tập kết ở chiến trường chính rất có hạn. Bởi thế, chiến thuật tốt nhất là để phía Tôn – Lưu chủ động lựa chọn phương án, sẽ tranh giành lấy thắng lợi trọng điểm, hư trương thanh thế rằng quân Tào rất hùng mạnh ắt sẽ không đánh mà tan.

Thứ hai, Tào Tháo đã truy kích Lưu Bị, một ngày đêm khẩn cấp hành quân được hơn 300 dặm, khiến quân sĩ rất mỏi mệt, đúng như câu nói: “Cánh cung yếu, không bắn thủng lụa mỏng” sĩ khí và lực chiến đấu của quân Tào không còn mạnh được như trước.
Thứ ba, quân phương bắc đặc biệt là quân trực thuộc và quân họ Viên, sống ở vùng Trường Giang hiện nay, sẽ phát sinh hiện tượng không hợp thủy thổ.
Thứ tư, quân phương bắc không giỏi thủy chiến, đánh nhau ở Giang Đông ắt phải lấy thủy chiến làm chính, mà quân Tào ỷ vào thủy quân Kinh Châu làm chủ lực thủy chiến, căn bản là không thể được. Trái lại xem ra quân chủ lực của Lưu Bị tuy bị đánh tan, song Quan Vũ với hơn một vạn thủy quân và nhiều chiến thuyền vẫn chưa hề tổn thất, Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có mấy vạn quân Kinh Châu tinh nhuệ, nếu như lại có thêm mấy vạn quân Đông Ngô dũng mãnh, hiệp lực tác chiến, nhất định có thể đánh tan đội quân pha tạp của Tào Tháo tuy lớn mà không đáng ngại. Tôn Quyền sau khi nghe phân tích kỹ, mạnh mẽ gật đầu, hạ quyết tâm sáng sớm ngày mai, sẽ lập tức triệu tập hội nghị quân sự để ra quyết định cuối cùng. Lúc này Gia Cát Lượng đã nhìn thấy từ nơi sâu thẳm trong tim của Tôn Quyền trẻ tuổi, sớm đã trỗi dậy một ý chí mãnh liệt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.