Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Tấn công Lương Châu phía bắc, thu phục Khương Duy tài danh



Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 6, quân viễn chinh của Gia Cát Lượng đóng đồn ở Hán Trung được gần một năm. Sau khi sự kiện Mạnh Đạt thất bại, lập tức xuất phát từ Dương Bình Quan. Song đại quân Gia Cát Lượng không tiến lên phía bắc lại hành quân nhằm hướng tây, di vòng theo đường phía nam Kỳ Sơn. Như trên đã nêu, Gia Cát Lượng không đơn thuần cho rằng đường vòng có thể lừa được bộ tham mưu Tào Ngụy, nhằm hướng Kỳ Sơn phát động công kích mau chóng, đối với việc này ông đã chuẩn bị tương đối hoàn chỉnh.

Đầu tiên ông ta tạo ra nghi binh, để bộ tham mưu Tào Ngụy cho rằng đích xác Gia Cát Lượng sẽ từ Tần Lĩnh ra đánh Quan Trung chiếm lấy Tràng An. Phụ trách ở đấy, đảm đương nhiệm vụ này là lão tướng Trấn đông tướng quân Triệu Vân cẩn thận, chu đáo, lúc đó đã gần 70 tuỗi, đầu óc vẫn sáng suốt, bình tĩnh mà có nghị lực. Gia Cát Lượng lại phái Dương vũ tướng quân Đặng Chi túc trí đa mưu, khéo léo ứng biến trợ giúp Triệu Vân, để ứng phó với quân chủ lực Tào Ngụy có thể tiến đánh.

Để đạt được mục đích hấp dẫn chú ý của kẻ địch, Triệu Vân lại dám dùng sách lược đóng trại phân tán, đem hơn một vạn quân sắp xếp thành mấy trăm tiểu tổ có thể tác chiến độc lập, phân cho họ cắm thật nhiều cờ xí, bố trí suốt một dải Cơ Cốc theo thế trận con cá, nhìn như chủ lực của Gia Cát Lượng vẫn ở đấy, lại làm ra tình thế như đang chuẩn bị theo đường Tà Cốc đánh vào phía tây nam Quan Trung. Triệu Vân ngồi trong đại bản doanh ngụy trang như Gia Cát Lượng vẫn ở đấy, bình tĩnh chuẩn bị nghênh chiến với đại quân Tào Ngụy. Gia Cát Lượng thì tự mình dẫn hơn 4 vạn quân chủ lực ngầm mau chóng đến phía tây. Đội quân thứ nhất do Ngụy Diên đứng đầu, quân chủ lực của Gia Cát Lượng khẩn trương theo sau, quân Mã Trung đi chặn hậu. Mỗi đội quân lại phân thành tiểu tổ, cấp tốc hành quân trong đêm, cùng hẹn sẽ tập kết ở quận Vũ Đô phía nam Kỳ Sơn, chỉnh đốn lại ở đấy, rồi sẽ nhằm hướng Kỳ Sơn phát động công kích.
Gia Cát Lượng cũng bỏ thói quen ngồi xe mọi khi, đổi mặc áo giáp đồng, cưỡi ngựa đi theo hàng quân. Bề ngoài thấy đấy là một đội quân đặc nhiệm nhỏ, để có thể lừa dối được tình báo của Tào Ngụy.
Chiến thuật này quả nhiên thành công đặc biệt, bộ tham mưu tác chiến của Tào Tuấn hoàn toàn bị đánh lừa, phụ quốc đại thần của Tào Ngụy là đại tướng quân Tào Chân tự mình dẫn 10 vạn đại quân, bày binh bố trận ở Nghi huyện, chuẩn bị quyết một trận thư hùng với quân bắc phạt của Thục Hán. Hiển nhiên quân chủ lực của Tào Ngụy ở Quan Trung đã bị Triệu Vân lôi kéo theo ý mình ở chiến tuyến phía đông này.

Quân chủ lực của Gia Cát Lượng trong vòng không đến 10 ngày đã hoàn thành tập kết ở quận Vũ Đô, bố trí trận tuyến tấn công mà thần không biết quỷ không hay. Các quận huyện Tào Ngụy ở phía bắc Kỳ Sơn vẫn cho rằng đấy chỉ là quân lính tinh nhuệ, để phối hợp hành động với chiến tuyến phía đông mà thôi, bởi thế chưa tập kết đủ lực lượng phòng ngự.
Đội quân bắc phạt của Gia Cát Lượng từ Vũ Đô vượt qua Kỳ Sơn, tấn công như gió giật mưa giông vào Lương Châu mà Tào Ngụy cai quản, quân Ngụy Diên còn thâm nhập sâu vào vùng Lương Châu đến tận quận An Định giáp Quan Trung thuộc khu Tư Lệ, hai vị trí quân sự quan trọng Nam An, Thiên Thủy của Lũng Tây dưới sự tấn công chủ lực của Gia Cát Lượng, đã liên tiếp phản Tào theo về với quân Thục, điều này có liên quan với thời kỳ Lưu Bị đã không ngừng hiệu triệu chính trị ở Lương Châu. Không lâu, quận An Định thất thủ, việc đánh chiếm quận Lũng Tây xem ra có hơi chậm, chiến thuật đột kích của Gia Cát Lượng đã giành được thành công khá lớn.

Song đối với Gia Cát Lượng mà nói, phấn khởi nhất lại không là chiến quả huy hoàng, mà là giành được một tướng tài ưu tú chưa từng thấy, đó là Khương Duy. Người ấy sau này trỏ thành viên tướng trẻ tuổi kế thừa việc quân của Gia Cát Lượng, việc gặp gỡ với Gia Cát Lượng lại là khá ngẫu nhiên, trong Tam quốc diễn nghĩa miêu tả Gia Cát Lượng vận dụng mưu kế kỳ lạ sao để khiến ông ta phải tâm phục khẩu phục, thực ra không có trong lịch sử. Chỉ là sự tô vẽ của nhà viết tiểu thuyết này.

Khương Duy tên chữ là Bá Ước, người Thiên Thủy nay là Cam Túc, lúc nhỏ bố đã mất, phải sống với người mẹ goá. Song Khương Duy chẳng hề thoái chí, ông ta nỗ lực nghiên cứu học thuật của Trịnh Huyền hy vọng sẽ may mắn ra làm quan. Bởi phụ thân Khương Duật, trước đây là quan chức của quận Thiên Thủy, đang khi người Khương và người Nhung đứng lên làm phản, Khương Duật tự dẫn quân đến chinh phạt, thua trận mà bị giết. Bởi thế Khương Duy trưởng thành, Thái thú ở đấy đặc biệt xin triều đình cho Khương Duy làm quan Trung lang, được tham dự việc quân ở Thiên Thủy không lâu lại được thăng quan ở quận, rồi lại được Thứ sử Lương Châu bổ nhiệm làm Tòng sự.

Đại quân Gia Cát Lượng từ Kỳ Sơn đánh vào quận Thiên Thủy, Thái thú Mã Tuân cho rằng quân Thục tập kết ở Kỳ Sơn, chỉ là đội dặc nhiệm mà thôi, về căn bản chưa có chuẩn bị thực sự, xem thường kẻ địch, chỉ dẫn Khương Duy cùng với Quận công Tào Lương Tự, Chủ bạ Ký Lương Kiều đến các huyện trong quận xem xét. Đến khi biết đích xác Gia Cát Lượng ở trong quân, mà đội quân đánh đến lại là quân lính chủ lực của Thục Hán thì Mã Tuân không khỏi kinh hãi biến sắc. Lại thêm các huyện phía nam vẫn hưởng ứng quân Thục, Mã Tuân cũng nghi ngại Khương Duy sẽ làm phản, và nhân đêm tối mà trốn khỏi đội ngũ, bèn dẫn quân vê Thượng Nhai (nay thuộc Cam Túc) lại hạ lệnh đóng chặt cửa thành, quân gì cũng không cho vào nữa.
Khương Duy chẳng chịu yên như thế, đành bỏ đội ngũ, một mình trở về quê cũ ở Ký huyện, song Ký huyện đã bị quân Thục đánh chiếm. Cứ theo cuốn “Ngụy lược” ghi chép, Khương Duy sau khi trở về Ký huyện, các phụ lão ở đấy rất mừng rỡ, cùng thôi thúc ông ta tiến hành đàm phán với Gia Cát Lượng. Khương Duy như chuột chạy cùng sào, đành thay mặt các phụ lão ở cố hương đến đầu hàng Gia Cát Lượng.
Xem ra với sự đầu hàng của Khương Duy chẳng phải Gia Cát Lượng có kế sách gì khiến ông ta phải tâm phục khẩu phục. Nguyên nhân chủ yếu nhất là bị Mã Tuân không tín nhiệm, bức bách đến nỗi không thể không như thế.
Song, đúng như Ngụy lược ghi chép, Gia Cát Lượng khi gặp Khương Duy nói chung là rất vui mừng. Khương Duy năm ấy 27 tuổi, cùng tuổi nếu so với thời Gia Cát Lượng ở Long Trung, về cá tính có nhiều chỗ tương tự. Ham học không biết mệt, thông hiểu binh pháp, chí khí rất lớn, đầu óc sáng suốt, sở trường nghị luận, lại có can đảm, có thế nói là người gánh vác được việc nặng lúc lâm nguy. Tất cả những điều ấy đều rất giống bản thân Gia Cát Lượng, trách chi người sau thường xem Khương Duy là người kế thừa Gia Cát Lượng.

Trong thư Gia Cát Lượng gửi cho Trưởng sử Trương Duệ và Tham quân Tưởng Uyển có nói: “Khương Bá Ước trung cần với công việc tư lự tinh tế… người ấy đáng gọi là kẻ sĩ tài danh của đất Lương Châu”. Ông lại cũng khẳng định: “Bá Ước mẫn cảm về quân sự, lại có can đảm, hiểu rõ binh pháp, người ấy gửi tâm nguyện vào nhà Hán, có tài hơn người…”. Gia Cát Lượng chưa lập tức trọng dụng Khương Duy, ngoài cá tính và thái độ ham học hỏi, Khương Duy mới 27 tuổi suy nghĩ còn chưa chín, chưa đủ kinh nghiệm, chỉ có thể xem là khối đá ngọc còn chưa mài dũa, vẫn cần được Gia Cát Lượng có kế hoạch bảo ban và huấn luyện thêm, mới có thể phát huy tài năng được.

Không vội đưa Khương Duy ra võ đài chính là Gia Cát Lượng đã có lòng yêu mến tài năng rất mực, song đồng thời, Gia Cát Lượng cũng đã dùng nhầm một người tài một cách nghiêm trọng, chẳng những để đối phương gây thành bi kịch vận mệnh, hơn nữa lại khiến cho kế hoạch bắc phạt lần thứ nhất gặp phải một đòn chí mạng bất ngờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.