Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Phí Vỹ, Trần Chấn làm sứ thần, chẳng bị sỉ nhục đến sứ mệnh



Ngoài Đặng Chi, về quan hệ qua lại giữa Thục với Ngô, còn có Phí Vỹ người Giang Hạ, Trần Chấn người Nam Dương cũng có những biểu hiện nổi trội. Phí Vỹ tên chữ là Văn Vỹ, trong Tam quốc chí có chép: Gia Cát Lượng lấy Phí Vỹ làm Chiêu tín hiệu uý đi sứ Đông Ngô, Tôn Quyền thấy Phí Vỹ còn trẻ thường vẫn trêu đùa lại còn trào phúng Thục Hán, lại thêm những đại thần như Gia Cát Khác (con trai Gia Cát Cẩn), Dương Cù có học vấn rộng thường vẫn bày trò làm khó Phí Vỹ.

Chẳng ngờ Phí Vỹ trẻ tuổi lại giỏi văn chương, đối đáp đâu đấy chẳng dễ khuất phục. Có một lần Tôn Quyền có ý dùng rượu hảo hạng, làm cho Phí Vỹ say rượu, lại chất vấn việc đại sự quốc tế, mỗi vấn đề đều khá phức tạp. Phí Vỹ mượn cớ say từ chối, hẹn hôm sau trả lời, chẳng ngờ sáng hôm sau ông ta đã trả lời từng vấn đề rõ ràng đâu đấy, không sai lạc một chút gì.
Tôn Quyền rất xem trọng ông ta, có khen ngay trước mặt rằng: “Tiên sinh là người hiền đức trong thiên hạ, sau này ắt sẽ là đại thần trụ cột của Thục Hán, sợ sau này lại không thường đến thăm Đông Ngô của ta nữa”.
Ông là sứ thần chủ yếu liên hệ với Đông Ngô, trong thời kỳ bắc chinh Trung Nguyên, Phí Vỹ làm tham quân vẫn thường phụng chỉ đi sứ, qua lại giữa Thục và Ngô.
Tôn Quyền rất thích Phí Vỹ, lại đặc biệt cầm cây bảo đao vẫn mang bên mình, muốn tặng cho Phí Vỹ. Phí Vỹ cảm tạ mà rằng: “Thần nay bất tài sao có thể nhận sự ban thưởng này? Bảo đao vốn để thảo phạt kẻ làm phản, ngăn cấm nghịch tặc, thần vẫn muốn đại vương nỗ lực tạo dựng sự nghiệp, và chúng ta nhất định phục hưng được nhà Hán. Thần tuy ngu muội song không thể đáp ứng được ý muốn của đại vương”.
Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí có chép: Có lần Phí Vỹ đi sứ Đông Ngô,trong tiệc tiễn biệt, Tôn Quyền uống đã say, giữa tiệc có nói với Phí Vỹ về Ngụy Diên và Dương Nghi.
Ngụy Diên là mãnh tướng hàng đầu của nước Thục, Dương Nghi là Phó tướng của Gia Cát Lượng, ở đấy không nói về năng lực của hai người này, bởi họ hay tự phụ, quan hệ với mọi người không tốt, hai người lại bất đồng như nước với lửa chẳng thể hợp tác với nhau.
Tôn Quyền cho rằng hai người đều là hạng tiểu nhân tầm thường: “Nếu như triều đình không có Gia Cát Lượng ắt họ sẽ gây ra tai họa!”. Khá thấy Tôn Quyền đối với nhân vật và tình thế nước Thục vẫn rất quan tâm. Đúng như Tam quốc chí có chép: “Gia Cát Lượng rất mến tài cán của Dương Nghi và sự kiêu dũng của Ngụy Diên, thường ân hận hai người bất bình với nhau, song cũng không nỡ phế bỏ người nào”, bởi thế Phí Vỹ rất hiểu nỗi khổ tâm của Gia Cát Lượng, cũng rất hiểu rõ mối bất hoà giữa Ngụy Diên và Dương Nghi sẽ tạo thành tổn hại cho quốc gia, vẫn thường đóng vai trò ở giữa điều hoà Ngụy Diên và Dương Nghi. “Phí Vĩ truyện” có chép: “Gia Cát Lượng lúc đang còn sống, rất nỗ lực hoà giải sự tranh chấp giữa Dương Nghi với Ngụy Diên; để họ phát huy được sức chiến đấu phải kể đến công lao của Phí Vỹ”.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Phí Vỹ với Tưởng Uyển đồng lòng phụ chính, về sau lại kế tục Tưởng Uyển nắm giữ quyền bính, trở thành đại thần trụ cột của Thục Hán.
Quan hệ hữu hảo giữa Thục Hán và Đông Ngô duy trì đến năm Kiến Hưng thứ 7 lại xuất hiện nguy cơ mới. Năm đó Tôn Quyền xưng đế ở Vũ Xương, bởi triều đình Thục Hán tự coi là nhà Hán chính thống, nội bộ lập tức nẩy sinh tranh cãi kịch liệt. Có người cho rằng Tôn Quyền tiếm quyền xưng đế, là sự khiêu khích với Thục Hán, chủ trương không quan hệ, cắt đứt liên minh.
Song phe thực tiễn lại chủ trương lấy lợi ích quốc gia làm trọng, nếu đánh mất quan hệ hữu nghị với Đông Ngô, rất có thể bị Tào Ngụy lợi dụng, đến chỗ hai bên cùng bị thương tổn nặng. Lúc ấy đang là lúc Gia Cát Lượng bắc phạt lần thứ ba, đã chiếm được Vũ Đô, Âm Bình là những vị trí quan trọng. Bởi phải tu bổ lương thực đầy đủ, trừ đạo quân tiên phong ra quân chủ lực của Gia Cát Lượng rút về Hán Trung tạm thời chấn chỉnh lại đội ngũ chờ đợi sẽ xuất binh.
Từ Thục Trung có công văn khẩn cấp gửi đến, hậu chủ Lưu Thiện đặc biệt cần người trực tiếp đến Đông Ngô, bởi triều đình có hai phái tranh luận, mời Gia Cát Lượng quyết đoán. Gia Cát Lượng tuy nhận thức rõ lập trường cùng Thục Hán kế thừa đại nghiệp, song ông ta cũng rất biết tình hình thực tiễn về chính trị bên ngoài, nếu làm tăng thêm thực lực thì hơn là khẩu hiệu suông, cho nên Gia Cát Lượng viết một bức thư phân tích đại cục, báo cáo với hậu chủ Lưu Thiện, cần khéo léo duy trì quan hệ với Đông Ngô, lại không trái với lập trường cơ bản quốc gia, lá thư viết:
“Tôn Quyền có ý phản nghịch đã lâu, song nước ta vẫn không truy cứu về tâm lý phản nghịch ấy, mà quan trọng nhất là cần ông ta đứng làm thế ỷ giốc. Nay nếu công nhiên tuyệt giao với họ, ắt sẽ tạo thành thù hận, như thế chúng ta chẳng thể không mang quân giao tranh với họ, thôn tính đất đai của họ, rồi mới có thể tiếp tục bắc phạt Trung Nguyên được.
Rõ ràng là Đông Ngô hiền tài rất nhiều, văn võ bá quan đều một lòng vì nước, chẳng thể dễ dàng đánh bại được.Trường kỳ giao tranh, ắt tướng mỏi binh mệt, trái lại để Tào Ngụy lợi dụng cơ hội, với chúng ta là có hại chứ không có lợi.
Ngày xưa Hiến Văn Hoàng đế, lấy khiêm tốn im lặng mà giữ gìn hoà bình với Hung Nô, tiên đế khi còn sống cũng hết sức giữ gìn liên minh với Đông Ngô, đấy là một chính sách quyền biến vậy. Cần phải suy nghĩ chu đáo, có tầm nhìn xa, tuyệt đối chẳng thể lạm phát bực tức với những lời gay gắt, điều này cần nhớ kỹ.
Có không ít thuộc hạ cho rằng Tôn Quyền có lợi với thế ba chân đỉnh, thực ra lực không đủ, chẳng có dã tâm gì, không cần phải luận bàn thị phi như thế.
Tôn Quyền đầu óc rất sáng suốt, ông ta sở dĩ tự hạn chế ở vùng đất Giang Đông, chỉ cầu tự bảo toàn, là có nguyên nhân của nó. Tôn Quyền không thể vượt quá Trường Giang, cũng như Tào Ngụy không thể vượt quá Hán Thủy, đấy là bởi họ không có sức, chẳng phải không muốn làm vậy!

Nếu tạm thời để họ duy trì sự bất đồng, đối với chúng ta mới là có lợi. Như vậy, khi chúng ta bắc phạt, sẽ chẳng phải lo phía sau, cũng có thể lôi kéo được đại quân Tào Ngụy, giảm nhẹ áp lực với chúng ta. Bởi thế tội tiếm quyền của Tôn Quyền, tạm thời chẳng nên truy cứu. Chính sách hiện thực chẳng thể hô khẩu hiệu suông, cũng chẳng thể mặc ý một mình tùy tiện làm việc. Sách lược gì đều có lợi hại, bởi thế nguyên tắc quyết sách là có lợi nhất cho tương lai, hại ít nhất cho hiện tại.

Chỉ cần vấp phải vướng mắc, lập tức phản ứng, một mực chỉ muôn đánh bại đối phương, một nhà chính trị như thế chẳng phải là tài giỏi. Nhà chính trị ắt phải hiểu được duy trì thế quân bình, để phát triển được mọi mặt, khi thời cơ chưa đến nhất định phải nhẫn nại. Bởi thế dẫu rằng Tôn Quyền có xưng đế hay không, chỉ cần Tào Ngụy chưa diệt được, thì chính sách liên Ngô chế Tào tuyệt đối phải xem là tất yếu”.
Đúng như Gia Cát Lượng đã nói, nếu Tôn Quyền đứng yên bất động thì có thể lôi kéo một nửa quân Tào Ngụy, đối với cuộc bắc phạt của Thục Hán là một giúp đỡ rất lớn. Trong thời gian hai bên liên minh, Tôn Quyền cũng không dám dễ dàng xuất binh tấn công vào biên giới nước Thục, có thể giảm được mối lo phía sau, đối với sự phát triển lâu dài của Thục Hán là một sự giúp đỡ rất lớn.

Cho nên Gia Cát Lượng đã nói rõ ràng với các đại thần Thục Hán, chính sách liên minh với Đông Ngô là một thủ đoạn cho quốc gia, bản thân nó chẳng phải là mục đích. Tôn Quyền nói liên minh, nhưng tuyệt đối không ngộ nhận được là Tôn Quyền đã hoàn toàn có thiện ý, như vậy sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy. Cho nên tội tiếm quyền của Tôn Quyền, không thể không trừng phạt, mà là thòi cơ chưa đến không nên công khai lộ ra.
Chính sách được quyết định rồi, song nói chung cần có người phụ trách thúc đẩy, đấy là nhiệm vụ của sứ thần, chẳng thể kém hơn Đặng Chi và Phí Vỹ. Gia Cát Lượng lựa chọn Vệ uý Trần Chấn, đến chúc mừng Tôn Quyền xưng đế. Trần Chấn tên chữ là Hiếu Khởi, người Nam Dương, khi Lưu Bị làm Kinh Châu mục thấy Trần Chấn là người chân thành, tâm lực với công việc mà mình hiểu rõ, đã bổ nhiệm làm tòng sự, đốc thúc công tác ở các quận. Lưu Bị vào Thục, Trần Chấn được bổ nhiệm làm tham mưu, điều hành các quận huyện về hành chính đều do ông phụ trách qui hoạch. Bởi có năng lực độc lập làm việc, đã giảm bớt phiền não cho Lưu Bị không ít. Thục Trung đã ổn định, lại thấy Trần Chân làm Đô uý ở Thục quận, rồi làm Thái thú Vấn Sơn, sau chuyến đến Kiện Vy. Năm kiến Hưng thứ ba được phong làm Thượng thư, không lâu lại thăng Thượng thư lệnh, từng được đi sứ Ngô mấy lần, bởi thế với Tôn Quyền cùng quần thần Đông Ngô vẫn có quan hệ tốt.

Nhưng nhiệm vụ lần này rất quan trọng, bởi vậv khi Trần Chấn lên đường, Gia Cát Lượng còn đặc biệt viết thư cho anh trai ông ta là Gia Cát Cẩn đứng đầu giới nguyên lão Đông Ngô. Trong thư viết: “Trần Hiếu Khởi cá tính trung trực, thực thà mà năng nổ, nay cử ông ta lo việc hoà hiếu hai nước, tin rằng với sự chân thành của ông ta có thể khiến hai nước được vui vẻ hoà hợp, cùng tôn trọng lẫn nhau”. Trần Chấn vừa vào nước Ngô, đã công khai bày tỏ lập trường rõ ràng của mình, giải trừ nghi ngờ của đối phương, ông ta nói với quan chức của Đông Ngô ra tiếp đón, mục đích của chuyến đi này là củng cố hữu hảo, hy vọng xây dựng được quan hệ liên minh hai bên một cách cụ thể.

Ông cố ý kéo dài ngày ra mắt Tôn Quyên, mục đích để Tôn Quyền thảo luận trước hiệp định thật kỹ càng, chỉ một lần nói chuyện là xong, tránh được mối nghi ngờ mang sẵn trong lòng ảnh hưởng đến việc phát triển quan hệ giữa hai bên.
Quả nhiên đến Vũ Xương, Tôn Quyền được báo cáo nhiều lần của Gia Cát Cẩn và các quan viên tiếp đãi, đã rõ được ý định lần này của Trần Chấn, bởi thế đã mấy lần họp hội nghị nội bộ, quyết định kế sách ứng đối chung. Trần Chấn khi đến Vũ Xương lập tức dâng lên Tôn Quyền thư chúc mừng và lễ vật, hai bên đăng đàn tuyên thệ, ước định sau khi diệt trừ được Tào Ngụy, sẽ cùng chia thiên hạ. Các châu phía đông nam như Từ, Dự, U, Thanh, thuộc về Tôn Quyền, các châu tây bắc như Tinh, Lương, Kí, Cổn thuộc về Thục Hán. Còn khu Tư lệ thì lấy cửa Hàm Cốc làm ranh giới phân thành hai phần đông tây.
Bởi công việc trước đã có chuẩn bị, cho nên chẳng có tranh chấp gì, hiệp ước mau chóng được thông qua. Tuy quy định này chỉ là một bản văn không đâu, không có ý nghĩa thực chất, song về tâm lý lại có tác dụng ổn định tức thì quan hệ Ngô – Thục, khiến cho sự phát triển vốn có mau chóng đi vào quỹ đạo.
Quả nhiên, tháng 9 năm ấy, Tôn Quyền triệt để giải trừ được nỗi lo ở phía tây, yên tâm dời đô đến Kiến Nghiệp, chỉ lưu lại đại tướng quân Lục Tốn, phụ tá Thái tử Tôn Đăng giữ Vũ Xương. Trần Chấn sau khi về nước, được phong làm Dương đỉnh hầu, từ đấy Gia Cát Lượng đã giải toả được ở chiến tuyến phía đông, có thể yên tâm với việc bắc phạt Trung Nguyên, phục hưng nhà Hán. Gia Cát Lượng với nước cờ này cùng với nỗ lực khác, dẫn đến tình hình suốt về sau này quan hệ Ngô – Thục về cơ bản vẫn bình an vô sự, chưa xuất hiện vấn đề gì phức tạp.

Lời bình của Trần Văn

“Binh pháp Tôn Tử” tuy được công nhận là cuốn sách kinh điển về chiến tranh nổi tiếng từ xưa đến nay, song tinh thần chủ yếu là ngược lại với đầu tư chiến tranh, tiến đến chỗ tìm kiếm nguyên tắc né tránh chiến tranh.

Trong “Mưu công thiên” có nói, tinh thần cơ bản của chiến tranh là“Phàm là phép dùng binh, bảo toàn quốc gia làm đầu, phá tán quốc gia xếp ở sau, bảo toàn quân lực làm đầu”. Khai chiến là sách lược bất đắc dĩ, cho nên “Bách chiến bách thắng, chẳng phải là điều hay nhất, không chiến tranh mà khuất phục được người ta mới là hay nhất vậy”.
Nhà binh pháp Nhật Bản nổi tiếng là Sơn Lộc Sách Hành, cho rằng, đấy là chỗ lớn nhất trong binh pháp Tôn Tử, là binh pháp vượt qua cả các binh pháp đông tây. Bởi thế trong cuốn “Tôn Tử ngạn nghĩa” có viết: “Ta có thể nêu chính đức, giương cờ nghĩa thuận với trời hợp với người, trên dưới một chí hướng, lấy đạo mà cảm người ta, khiến họ tự khuất phục. Khiến cho bậc quân vương suy nghĩ lại, những thần dân ắt sẽ quay ngọn giáo, nếu tạo ra đượctình thế ấy mới là hay nhất vậy”. Làm sao đạt đến chỗ ấy? Tôn Tử đã nói: “Phải nên xem là đầu việc phạt mưu, thế đến phạt giao, rồi mới đến phạt binh, cuối cùng mới nói đến việc đánh thành”.
Thế nào là phạt mưu, phạt giao, phạt binh, đánh binh? Phạt binh và đánh thành là động dụng vũ lực, là điều dễ hiểu vậy. Song phạt mưu, phạt giao là như thế nào, nó có quan hệ gì với nhau.
Tào Tháo khi chú giải binh pháp Tôn Tử, đã giải thích phạt mưu như sau: “Địch mới có mưu, phạt ấy dễ vậy”. Nói cách khác, phải hiểu kẻ địch đang nghĩ gì, để lựa chọn phương pháp, đề ra sách lược cụ thể mà giải quyết. Chẳng thể đợi đến khi sự việc đã khuếch đại đến mức không nắm được, chỉ biết đứng mà nhìn binh mã tràn qua. Cho nên phạt mưu là công phu suy nghĩ và chuẩn bị, song để thực hiện tốt thì phải phạt giao.
Đỗ Mục khi chú thích Binh pháp Tôn Tử đặc biệt đề cập đến dự liệu của An Tử, tránh được một cuộc giao chiến, để giải thích ý nghĩa của việc dùng binh thế nào là phạt mưu và phạt giao. Thời Xuân Thu, Tấn Bình Công muốn đánh nước Tề bèn phái sứ giả Phạm Chiêu sang nước Tề thám thính tình hình, Phạm Chiêu yết kiến Tề Cảnh Công, giả vờ say rượu muốn làm nhục Tề Cảnh Công, lại bị An Tử biết mà ngăn chặn, Phạm Chiêu sau khi về nước nói với Tấn Bình Công: “Nước Tề chưa thể đánh được, thần muốn làm nhục vua nước ấy mà An Tử đã biết rồi”.
Bởi An Tử giỏi công việc ngoại giao nên có thể ngăn cản dễ dàng âm mưu xảy ra chiến tranh lần ấy. Khổng Tử từng khen rằng, “không vượt quá một hội nghị quốc tế, mà bắt bẻ được việc ở nơi nghìn dặm. An Tử thực tài giỏi vậy”. Cũng tức là nói An Tử lấy kỹ xảo ngoại giao kiệt xuất, đã hoàn thành nhiệm vụ hàng đầu là phạt mưu.
Bởi đã phạt mưu và phạt giao thì không cần phải phạt binh và đánh thành. Bởi thế làm một nhà lãnh đạo chính trị, công tác rất quan trọng là duy trì hoà bình tất yếu. Gia Cát Lượng nỗ lực xây dựng liên minh Ngô – Thục có thể có không ít đại thần phái Diều Hâu, Thục Hán không hiểu cho ông ta, song lấy đại cục mà nói, để thúc đẩy chính quyền Thục Hán khôi phục lại nhà Hán vinh quang ngày xưa, nếu như muốn có lực lượng đầy đủ đối chọi được Tào Nguy cướp ngôi nhà Hán, kiên trì lập trường của mình, xây dựng sự ổn định chiến tuyến phía đông và trạng thái hoà bình, đích xác là điều tuyệt đối cần thiết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.