Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Triệu Vân từ giã cõi đời, Gia Cát Lượng được phục chức.



Dựa vào sự thành công về chiến thuật này, Hậu chủ Lưu Thiện lập tức hạ chiếu, khôi phục chức Thừa tướng cho Gia Cát Lượng. Nội dung chiếu thư như sau:
“Chiến dịch Nhai Đình thất bại, thực ra lỗi ở Mã Tắc, tướng công lại tự nhận lỗi mà từ chức, tự xin giáng xuống làm Hữu tướng quân, bởi không muốn trái ý tướng công tự trách để biểu hiện rõ đại nghĩa của pháp luật, trẫm đã miễn cưỡng đồng ý.

Song năm trước, tướng công lại làm vinh dự quân Hán chúng ta, chém chết danh tướng nước Ngụy là Vương Song. Cuộc viễn chinh lần này, lại bức rút đại quân của Quách Hoài, hàng phục được các tộc Đê, Khương, thu phục hai quận Âm Bình, Vũ Đô, uy danh vang động, công trạng hiển hách; nay thiên hạ nhiễu nhương chưa định, kẻ tội lỗi đầu sỏ là Tào Ngụy còn chưa bị trừng trị, tướng công chịu trách nhiệm phục quốc, là cột trụ quan trọng nhất của triều đình ta, lại đã lâu ngày ở địa vị ủy khuất, thực tế chẳng phải là hiện tượng tốt biểu dương tinh thần quân ta trung thành yêu nước. Bởi thế hiện tại phải khôi phục chức Thừa tướng cho tướng công, xin chớ chối từ”.

Chiếu thư này việc tự nhiên đầu tiên là đã trưng cầu sự đồng ý của Gia Cát Lượng, bởi thế tiếp được chiếu thư không lâu, cũng là vào tháng 2 cùng năm, Gia Cát Lượng xây dựng phủ Thừa tướng ở Nam Sơn (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), cùng xây dựng doanh trại thành lũy ở Hán Thành và Lạc Thành (đều ở tỉnh Thiểm Tây), hoàn toàn làm xong sự chuẩn bị tác chiến lâu dài.
Không may cùng lúc ấy, lão tướng Triệu Vân đứng hàng đầu của Thục Hán, người bạn lâu dài dựng sự nghiệp cùng Gia Cát Lượng ngã bệnh từ trần. Đối với Gia Cát Lượng và Hậu chủ Lưu Thiện mà nói, đấy là tin xấu lớn khiến người người rất đau xót. Triệu Vân ở chiến trường vẫn dũng mãnh, có thể hưởng thọ đến 72 tuổi, cũng xem là quý hiếm.
Song trong số các đại thần nguyên lão của Lưu Bị, Triệu Vân rất ủng hộ Gia Cát Lượng, hơn nữa ông ta còn lo cho toàn đại cục, yêu mến thuộc hạ, chiêu cố nhân dân, sinh hoạt cần kiệm, lại không để lãng phí quân trang, là tấm gương cho các lão tướng.
Người bạn già cùng là đồng sự 23 năm với nhau, lại có khí chất cao quý đã từ trần, tự nhiên khiến Gia Cát Lượng rất lấy làm thương cảm.
Đối với Hậu chủ Lưu Thiện mà nói, Triệu Vân càng là đại ân nhân, trước sau hai lần một mình cứu chúa, lòng trung thành khiến người ta mãi tưởng nhớ. Ba mươi hai năm sau, Lưu Thiện khi truy tôn cho các tướng lĩnh nguyên lão thời đại Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Bàng Thống, Hoàng Trung, cũng đặc biệt truy tôn cho Triệu Vân.
Theo đề nghị của Khương Duy, đánh giá sự nghiệp Triệu Vân như sau:
“Tướng quân xưa kia từ đầu đã theo Tiên đế, trải nhiều nhọc nhằn, sửa sang thiên hạ, tuân thủ phép tắc, công tích đáng ghi vào sách vở. Trận Đương Dương, nghĩa như vàng đá, tận trung với chúa, vua nhớ ban thưởng; chữ lễ đầy đặn, làm kẻ bầy tôi quên mình; dẫu biết phải chết, cũng không từ nan làm việc ra ơn, chẳng nghĩ đến mình. Nay đặt tên Thụy, ân huệ ấy rằng Thuận, làm việc thuận ngôi thứ ấy rằng Bình, trị loạn lạc ấy rằng bình, nên đặt tên Thụy là Thuận – Bình – hầu”.

Sắc phong Thụy nhấn mạnh Triệu Vân là người hiền tài vỗ về dân tình yêu mến trăm họ. Hiện nay trong đền thờ Vũ Hầu ở Thành Đô, đặc biệt thấy Triệu Vân được tạc tượng như một văn thần đầu tóc bạc trắng hiền từ, chất phác, nghĩ rằng đấy là biểu hiện cụ thể phong thái nho tướng mà ông ta vẫn có.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.