Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
6. Hỗn loạn phải dùng đại hình, gạt lệ mà chém Mã Tắc.
Quả nhiên Gia Cát Lượng ở doanh trại Kỳ Sơn, được báo cáo Nhai Đình thất thủ, bởi lo lắng đến sự an toàn của toàn quân, lập tức hạ lệnh rút quân.
Ông ta sớm rút quân đến Tây Thành, bố trí lại phòng ngự, chuẩn bị tiếp ứng quân sĩ bắc chinh đang lục tục rút về. Mã Tắc cùng một số tàn quân đầu tiên, chạy về doanh trại, xin chịu tội trước Gia Cát Lượng, sau đó quân Vương Bình cũng an toàn rút về, song cũng tổn thất đến 2 phần 3. Tiền quân của Ngụy Diên trải qua muôn nghìn gian khổ gắng chạy về được cũng tan tác quá nửa. Gia Cát Lượng hạ lệnh cho đạo quân Mã Trung vẫn còn nguyên vẹn đi chặn hậu, bố trí phòng ngự ở Nam Kỳ Sơn để ngăn cản quân Tào Ngụy đuổi đánh. Để tránh tiết lộ tình hình quân lực Thục Hán, Gia Cát Lượng cưỡng chế hơn 1000 hộ dân ở Tây Thành dời đến Hán Trung, cuộc bắc chinh lần thứ nhất đến đây có thể nói là đã thất bại.
Tam quốc diễn nghĩa miêu tả khi Gia Cát Lượng rút về Tây Thành, do vội vã chuẩn bị không kịp, bị quân Tư Mã Ý đuổi đánh. Bất đắc dĩ Gia Cát Lượng đành mạo hiểm, lấy “không thành kế” (thành lũy rỗng) để lừa Tư Mã Ý nên giữ được tính mạng. Trong màn kịch nổi tiếng kể về chuyện này, nhà tiểu thuyết đã miêu tả những câu chuyện “Mất Nhai Đình”, “Không thành kế” và “Chém Mã Tắc”. Song theo ghi chép lịch sử, tình tiết không thành kế là hoàn toàn không thể phát sinh được.
Trước hết, Gia Cát Lượng có cẩn thận, chẳng thể với việc rút quân lại hoàn toàn không có chuẩn bị. Huống chi đại bản doanh của ông ta ỏ đông nam Kỳ Sơn, cách Nhai Đình có một đoạn đường, ví như Nhai Đình đột nhiên thất thủ, Gia Cát Lượng cũng chẳng thể thất thế đến như vậy. Lại nữa hành động bắc chinh lần này, từ đầu đến cuối Gia Cát Lượng chưa từng giao đấu trực tiếp với Tư Mã Ý. Từ sau khi thu lại Tân Thành chém được Mạnh Đạt, Tư Mã Ý vẫn phụ trách phòng thủ chiến tuyến phía đông, nói chung chưa từng đến chiến tuyến phía tây. Trấn thủ ở Tràng An là Ngụy Minh đế Tào Tuấn, chỉ huy chiến dịch Nhai Đình là Lão tướng Trương Cáp, thậm chí sau này thu phục được Lương Châu cũng là do Đại tư mã Tào Chân chỉ huy và Trương Cáp cùng Quách Hoài thực hiện; Tư Mã Ý làm sao lại xuất hiện như thế? Đây hiển nhiên là chuyện mà nhà tiểu thuyết tự mình nghĩ ra mà thôi.
Được biết quân chủ lực của Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn, Tào Chân đang phòng thủ ở Mi huyện đã lập tức phát động tấn công vào quân Triệu Vân ở Cơ Cốc, song do địa thế hiểm yếu của Cơ Cốc, Tào Chân có binh lực gấp mấy chục lần, trong một thời gian cũng không có cách gì bắt được Triệu Vân quy phục.
Tin thất bại Nhai Đình truyền đi, Triệu Vân phán đoán Gia Cát Lượng ắt sẽ rút quân, Tào Chân cũng ắt sẽ thừa thế phát động tấn công, bèn hạ lệnh trước hãy bố trí ở các nơi hiểm yếu hư trương thanh thế của quân Thục, lập tức mau chóng tập kết; lựa chọn mấy cửa khẩu quan trọng để phòng thủ Tào Chân sẽ đánh lớn. Quả nhiên không lâu quân Tào Chân đã phát động cuộc tấn công toàn diện như sấm sét, Triệu Vân dự liệu chẳng giữ được, bèn hạ lệnh cho Đặng Chi tập kết xe cộ và binh lính, theo trật tự mà sớm rút lui. Ông tự mình dẫn một số ít đội quân chủ lực chặn hậu, thiêu hủy đường sàn đạo, để quân Tào Chân chẳng thể vượt qua Cơ Cốc, nhằm bảo vệ sự an toàn của Bao Thành và Hán Trung. Trong việc rút lui của cuộc bắc chinh lần này chỉ có quân Triệu Vân rút lui an toàn, binh lính, trang bị và xe cộ tổn thất không đáng kể.
Sau khi trở về Hán Trung, kiểm thảo trách nhiệm vể sự chiến bại, tổng chỉ huy Gia Cát Lượng không thể không có lỗi, ông ta dâng lên hậu chủ nói rõ:
“Bởi hạ thần tài năng yếu kém, lại trộm ở vị trí cao trong quân chính, nay tự mình dẫn ba quân bắc phạt, chẳng thể nêu rõ phép tắc sáng suốt, gặp phải nguy nan lại phán đoán sai lầm, dẫn đến trận đánh ở Nhai Đình, Mã Tắc làm trái quân lệnh dẫn đến tổn thất thê thảm, ở phía Cơ Cốc cũng chẳng thể phòng thủ hữu hiệu, như thế đều là lỗi lầm của hạ thần, dùng người không đến nơi đến chốn. Hạ thần có tội không hiểu biết người, lại rõ ràng không có năng lực lãnh đạo. Đại nghĩa xưng bá đồ vương, lầm lỗi thất bại trách nhiệm đều ở thống soái, bởi hạ thần gánh vác lỗi lầm như thế, xin được tự nhận giảm quan chức ba bậc để xử phạt trách nhiệm cầm quân thất bại vừa rồi”.
Hậu chủ Lưu Thiện chiểu theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, giảm chức của Gia Cát Lượng xuống làm Hữu tướng quân, song vẫn làm việc ở phủ Thừa tướng, vẫn nắm đại quyền quân chính. Triệu Vân tuy là quân dự bị, lại là chủ soái một vùng, tự nhiên cũng phải gánh phần trách nhiệm chiến bại, bởi thế từ Trấn đông tướng quân giáng xuống làm Trấn quân tướng quân, Nguỵ Diên bản thân là người bị hại, theo lẽ tự nhiên không chịu trách nhiệm. Mã Trung phụ trách chặn hậu, cho nên bởi không có lỗi lầm mà không bị xử phạt.
Thực ra, trong việc rút quân làm này, biểu hiện phải kể tốt nhất là Triệu Vân, đối diện với quân lính chủ lực của Tào Chân, lão tướng quân tự mình đi chặn hậu, khiến tổn thất trong quân chỉ ở mức rất ít, thực tại là hành vi không có lỗi. Gia Cát Lượng nghe Đặng Chi nói, hiểu rõ hành động chỉ huy rút quân của Triệu Vân thực là trí tuệ, trách nhiệm và dũng khí, cho nên rất lấy làm cảm động. Ông ta mang những thứ quyên góp được mà Triệu Vân mang về thưởng cho các tướng sĩ, song lại bị Triệu Vân trịnh trọng cự tuyệt, ông ta nói: “Việc quân đã bất lợi, sao có thể tiếp thu phần thưởng được?”. Ông ta xin đưa số phần thưởng này nhập toàn bộ vào kho của bản doanh, để làm phần thưởng vào đầu mùa đông giá rét.
Kể từ khi còn tuổi trẻ, Triệu Vân vẫn là một tướng lĩnh dũng cảm, trách nhiệm, và lo lắng đến đại cục toàn thể, cũng luôn nghĩ đến quốc gia, nhân dân và thuộc hạ, phẩm cách cao thượng của ông, sự tận trung với chức vụ, vẫn được Gia Cát Lượng luôn quí trọng.
Trách nhiệm rất nặng nề tự nhiên là Mã Tắc, Lý Thịnh, Hoàng Tập với Vương Bình. Song Vương Bình đã từng khuyên can Mã Tắc, hơn nữa trong việc rút quân sau cùng đã chủ động lấy một số ít quân lực để yểm hộ cho đạo quân chính đang chiến bại, công lớn hơn tội. Chẳng những không bị xử phạt, mà còn được phong làm Tham quan, thống lĩnh năm đội, kiêm Chưởng quản, lại đề bạt làm Thảo khấu tướng quân, Phong Đình Hầu, là viên tướng duy nhất được trọng thưởng trong chiến dịch này.
Vương Bình là viên tướng nổi danh thời kỳ cuối Thục Hán, chính là từ trong thất bại lớn lần này, lấy biểu hiện khác thường mà nổi trội lên vậy.
Vương Bình tên chữ là Tử Quân, người Ba Tây, ông ta trước theo quân Tào ở Lạc Dương, do tình hình biến đổi, sau theo về với Lưu Bị ở Hán Trung, được phong làm Nha môn tướng và Tỳ tướng quân. Ông ta xuất thân từ quân ngũ, không biết đến sách vở, lại không biết quá mười chữ, song đầu óc sáng suốt, có năng lực tổ chức, kế hoạch tác chiến chỉ nói mồm mà thành nhưng rất rõ ràng. So với Mã Tắc hay nói quá sự thực, thích bàn luận mưu kế, chính là sự đối chọi sinh động.
Lý Thịnh là tham quân chủ yếu ở chiến dịch Nhai Đình, bị xử tội tử hình, Hoàng Tập bị phế bỏ làm dân thường. Trách nhiệm đáng phạt tội nhất chính là Mã Tắc, chỉ huy chiến trường.
Tam quốc chí có chép: “phải xử tội chết để tạ lỗi cùng mọi người”. Quân sĩ bị tổn thất nghiêm trọng. Mã Tắc tự nhiên là không giết không được. Song “Mã Lương truyện” có chép: “Gia Cát Lượng phán xử Mã Tắc bị hạ ngục cầm cố, không lâu chết ở trong ngục, Gia Cát Lượng thấy thế cũng cảm thương rơi lệ”. Ở đây không nói rõ Mã Tắc bị chém chết, song hạ ngục không lâu mà chết, có thể là có thực, hơn nữa Gia Cát Lượng lại còn thương xót.
“Tư trị thông giám” căn cứ vào những cách nói trên, lại thêm “Tương Dương ký” có nói Mã Tắc sau khi chết thì Gia Cát Lượng có đến viếng, cho nên đã viết rằng: “Gia Cát Lượng đem Mã Tắc tống ngục rồi sau giết đi tự mình đến viếng, lại còn than khóc, hơn nữa lại còn vỗ về nuôi dưỡng con côi của Mã Tắc, cho hưởng ân huệ như khi Mã Tắc còn sống”.
Cứ theo sử liệu mà xét, Mã Tắc đã bị chém chết, bởi thế Tham quân Tưởng Uyển đứng hàng đầu phủ Tể tướng từng xin cho Mã Tắc rằng: “Thời xưa, sở Thành Vương bởi trách cứ sự chiến bại, đã giết cả đại tướng của mình, kẻ địch của nước Sở là Tấn Văn Công nghe tin, rất đỗi cao hứng, xem ra tâm lý của Tấn Văn Công như vậy là có thể hiểu được, khi thiên hạ chưa ổn định, sát hại một viên tướng có trí tuệ và mưu lược, há chẳng phải là điều rất đáng tiếc ư?”.
Gia Cát Lượng đáp rằng: “Tôn Vũ có thể chế định được thiên hạ là do biết dùng pháp luật nghiêm minh vậy, nay bốn biển chia lìa chính là lúc, dựa vào chiến tranh để giải quyết vấn đề, nếu pháp luật trong quân không được thi hành, thì làm sao thảo phạt giặc dã hữu hiệu?”. Từ đấy có thể thấy Mã Tắc bị xử phạt để làm nghiêm quân pháp.
Mã Tắc ở trong ngục, từng dâng thư lên Gia Cát Lượng bầy tỏ: “Minh Công xem Mã Tắc tôi như con, Mã Tắc cũng xem Minh Công như cha, hy vọng Minh Công phát huy tinh thần vua Thuấn giết Cổn mà đề bạt Đại Vũ, để quan hệ bình sinh giữa chúng ta, chẳng phải vì việc này mà đứt đoạn, tôi tuy có chết xuống hoàng tuyền cũng không oán hận vậy”.
Mã Tắc biết tội mình rất nặng, chẳng thể thoát chết chỉ hy vọng Gia Cát Lượng chẳng nên giận đến cả gia tộc, mà vẫn có thể trọng dụng người nhà họ Mã.
Bùi Tùng Chi khí chú giải Tam quốc chí có dẫn ghi chép trong “Tương Dương ký”. Mã Tắc bị giết, quân dân Thục Hán cảm thương cho một tài hoa, không thể không bi thương rơi lệ. Đối với việc này không thể không dùng đại hình, tin rằng Gia Cát Lượng đã rất đỗi thương tâm vậy.
Đúng như La Quán Trung tác giả cuốn Tam quốc diễn nghĩa đã miêu tả, Gia Cát Lượng thương khóc Mã Tắc, một mặt cố nhiên là nhớ đến tài hoa của Mã Tắc và quan hệ tình cảm giữa hai người, song một mặt cũng là hành vi tự trách nghiêm khắc. Lưu Bị trước lúc lâm chung, còn đặc biệt căn dặn, Mã Tắc nói quá sự thực chẳng thể ủy thác cho việc lớn, Gia Cát Lượng lại đặc biệt đề bạt Mã Tắc, một lúc thiếu suy nghĩ sâu xa mà dẫn đến gây nhầm lẫn lớn, đích xác làm thương tổn mong mỏi của Tiên đế, bởi thế mà hối hận không thôi.
Tiểu thuyết và sân khấu sau này đưa tình tiết gạt lệ chém Mã Tắc, đã miêu tả Gia Cát Lượng ở đây với quá trình vật lộn tâm lý tự trách mình.
Lời bình của Trần Văn
Binh pháp Tôn Tử trong thiên “Quân bình” giải thích rõ “trước thì không thể thắng, bởi đợi địch mà có thể thắng” lấy đó làm phép tắc cơ bản tác chiến.
Phàm là tướng lĩnh giỏi tác chiến, trước nên cần an toàn, làm tốt việc chuẩn bị mọi mặt, khiến kẻ địch chẳng thể lợi dụng được khe hở.
Về cơ hội thắng lợi khá nên xem xét kỹ mà không thể khiên cưỡng cần thắng. Khi hai quân đối đầu, thắng lợi thường chẳng phải tự mình cầu được, mà là phải chờ đợi, khi kẻ địch vừa phát sinh sai lầm thì phải nắm ngay lấy mới chế định được cơ hội tốt nhất.
Trong hành động bắc phạt lần thứ nhất, kế hoạch của Gia Cát Lượng, đích xác là khá cẩn thận mà chu đáo. Bầy trận ở Dương Bình Quan, đồng thời lại lo kế hoạch ở chiến tuyến phía tây, đã làm được rất khéo léo, nếu như thuận lợi đoạt được cả Tân Thành hoặc như chỉ mong cầu lần này chiếm được Lương Châu, tiền đồ của quân Thục Hán ắt sẽ sáng hơn.
Đáng tiếc ở cửa ải quan trọng lại phạm một sai lầm, tuy chẳng phải nói là trách nhiệm của Gia Cát Lượng, song nắm không đủ thực lực và chưa gặp thời vận là nguyên nhân chủ yếu. Nhân vật Mạnh Đạt và Mã Tắc đều có nhiều dị nghị, cũng là nói tính ổn định của họ rõ ràng không đủ. Gia Cát Lượnglại chọn họ là nhân vật chính, tự nhiên sẽ gặp phải phiền phức lớn.
Thời Minh Trị Thiên Hoàng lựa chọn viên Tư lệnh giỏi nhất cho đội thuyền liên hợp của Nhật Bản, không chọn Nãi Mộc Hy Điểm đang nổi tiếng lúc đó mà lại chọn Đông Hương An Đại Lang thiếu kinh nghiêm tác chiến, chủ yếu bởi thời vận của Đông Hương rất tốt, con đường công danh đang thuận chiều mà vận mệnh của Nãi Mộc nhiều ngang trái, thường rơi vào khổ chiến, về thực tế không nên ủy thác việc quan trọng.
Quả nhiên trong chiến tranh Nga – Nhật khi đại chiến trên biển có tính quyết định, thực tế thời vận của Đông Hương rất tốt. Trước tình hình cơ hồ là đáy biển mò kim, ông ta lại thuận lợi tìm ra được đội thuyền viễn chinh của nước Nga, lại còn phát động đột kích thành công, lấy đông người mà khiến cho đội thuyền của người Nqa bị hoàn toàn tan rã, quyết định then chốt sự thắng bại của chiến tranh Nhật – Nga.
“Thiên Quân hình” cũng nói rõ “sự hiểu biết để đoạt thắng lợi không vượt được số đông, thực chẳng phải khéo vậy”. Tức là nói nếu chỉ có thể lấy phương thức người khác đều nghĩ được để đoạt được thắng lợi, dứt khoát chẳng phải là phương thức tác chiến sáng suốt. Phương pháp quá giản đơn, nếu mình nghĩ được, kẻ địch đương nhiên cũng nghĩ được, tướng lĩnh thiết kế kế hoạch như vậy, tuyệt đối chẳng có thể được gọi là tướng tài.
Không ít nhà sử học, thường cho rằng Ngụy Diên từ đường Tý Ngọ mà đánh thẳng đến Trường An là chiến thuật tích cực, dũng mãnh hơn, mà phê bình Gia Cát Lượng quá cẩn thận dẫn đến chỗ không hiểu được lẽ ứng biến ở chiến trường, thực ra như vậy là rất không công bằng. Trận tuyến Tào Ngụy dứt khoát chẳng phải là yếu kém, những quan chỉ huy như Tào Chân, Tư Mã Ý, Trương Cáp, Quách Hoài đều rất đỗi ưu tú, nếu Ngụy Diên thực sự phát động chiến thuật đó, cơ hội giành được thắng lợi là rất ít, sách lược như vậy về căn bản không được gọi là sáng suốt.
Trái lại, Gia Cát Lượng giương đông kích tây, lấy Lương Châu làm mục tiêu chiến thuật cuộc bắc phạt thứ nhất, là điều mà mọi người nói chung nghĩ không đến vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.