Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Lỗ Túc cho mượn Giang Lăng, Tôn – Lưu trở lại liên hợp.



Sự ra đi của Chu Du đối với Lưu Bị và Gia Cát Lượng mà nói, lại đem đến một sự thoải mái. Chẳng những áp lực của Giang Lăng ít đi, mà Tôn Quyền cũng không nhắc nhở đến chuyện Ích Châu nữa. Lỗ Túc lên kế nhiệm, nhờ được Chu Du tiến cử, ông ta kiên trì nguyên tắc liên hợp Tôn – Lưu để chống Tào Tháo, càng tích cực theo đuổi chủ trương cho Lưu Bị mượn Giang Lăng, để Lưu Bị phụ trách nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến phía tây.

Đã dùng người phải tin ở người, Tôn Quyền cũng mau chóng phê chuẩn đề nghị ấy, Lỗ Túc bèn đưa quân đoàn Giang Lăng mà Chu Du thống lĩnh dời về phía đông đóng ở Lục Khẩu, Lưu Bị thì dời trụ sở từ Công An về Giang Lăng. Lại bổ nhiệm Quan Vũ làm Đãng khấu tướng quân, Thái thú Tương Dương đóng đồn ở Giang Bắc, Trương Phi thì làm Chinh lỗ tướng quân, kiêm thức Thái thú Nam quận. Nhiệm vụ của giai đoạn một trong Long Trung Sách, có được Kinh Châu, đến nay đã hoàn toàn đoạt được.

Kinh Châu vào cuối đời Đông Hán gồm có bảy quận: Nam Dương, Nam Quận, Giang Hạ, Võ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng. Tào Tháo khi triệt thoái ở Kinh Châu, thực ra vẫn còn dinh sở ở Tương Dương thành, đấy là một vị trí rất quan trọng ở phía bắc Kinh Châu, thuộc quận Nam Dương.

Tôn Quyền thì chiếm được quận Giang Hạ và phía đông Nam Quận. Ngoài ra Lưu Bị sớm đã nhân khi rối loạn bởi trận đánh Xích Bích, tranh thủ thời cơ chiếm được bôn quận kia và một phần Nam Quận. Bởi thế việc “mượn Kinh Châu” mà Lỗ Túc đưa ra, kỳ thực chỉ là việc đem Giang Lăng một vị trí quan trọng về quân sự nằm giữa Nam Quận, chuyển giao cho Lưu Bị trấn thủ mà thôi.
Trình Phổ nguyên là Thái thú Nam Quận của Đông Ngô được điều động về làm Thái thú Giang Hạ; Lỗ Túc thì đảm đương Đô đốc phòng vệ tuyến phía tây, phụ trách chỉ huy ở Lục Khẩu.
Giao Giang Lăng cho Lưu Bị cai quản, thực ra là “dưỡng hổ chi họa”, song đứng trước sự uy hiếp lớn của Tào Tháo; phòng tuyến Hợp Phì ở phía đông vẫn thường bị đe dọa; nếu Giang Lăng vẫn để Đông Ngô phòng thủ, áp lực thực tế rất to lớn. Huống chi quân Tào Nhân, Tào Hồng đang ở Tương Dương vẫn có ý nhòm ngó. Chẳng bằng để Lưu Bị trực tiếp đối đầu với quân Tào, Đông Ngô sẽ được yên tâm hơn.
Lịch sử ghi chép rằng, chuyện mượn Kinh Châu khi truyền đến phương bắc, Tào Tháo đang ngồi viết chữ, cây bút trong tay tuột rơi xuống đất. Sự liên hợp lại của Tôn – Lưu, đã khiến cho Tào Tháo không thế không thấy rằng, hùng tâm thông nhất Trung quốc năm nào của mình thực ra đã chết rồi. Với nhãn quan toàn cục mà nói đích xác rằng, Lỗ Túc có tài trí hơn Chu Du. Về phương diện trận mạc của Lưu Bị, sự khổ tâm xếp đặt tình hình của Lỗ Túc, người hiểu rõ nhất và cùng đồng cảm nhất chính là quân sư Gia Cát Lượng trẻ tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.