Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

1. Thời đại truyền thuyết thần thoại của đất Thục



Ích Châu còn gọi là đất Thục, là tỉnh Tứ Xuyên hiện nay.

Theo văn tự giáp cốt ghi chép từ thời vương triều Ân Thương, đã nói đến đất Thục. Cứ theo lịch sử mà nói, vào lúc ấy đã có trên 3000 năm phát triển.
Theo “Ngũ đế bản ký” trong cuốn “Sử ký”, con cả của Hoàng đế là Xương Ý, từng đến nước Thục, lấy một người con gái nước Thục là Sơn Xương Phó làm vợ, sinh được một người con, gọi là Chuyên Húc.
Khi Chu Vũ Vương thảo phạt vua Trụ, trong “Mục Thệ Thiên” có chép, tám trăm người cùng họp nhau ăn thề; trong đó có bộ lạc Thục của Man quốc cũng tham gia. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Thục chính thức bước lên võ đài của Trung Quốc, hơn nữa còn có một sự kiện quan trọng là cuộc viễn chinh vào nước Thục của danh tướng nước Tần là Tư Mã Thố.
Tuy từng xuất hiện trong lịch sử Trung Nguyên, song đất Thục và Trung Nguyên khá cách trở, vẫn có hình thái độc lập tương đối; nguyên nhân chủ yếu bởi đường giao thông từ Trung Nguyên vào đất Thục rất khó khăn, dễ phòng thủ mà khó tấn công, ảnh hưởng của Trung Nguyên cũng không dễ xâm nhập. Thánh thơ Lý Bạch đời Đường (năm 701 đến năm 162 sau Công Nguyên) có viết bài thơ “Thục đạo nan”, miêu tả rất sinh động địa hình ở đây:

Gớm sao
núi Thục cao vời
Đường treo vách dựng
lên trời khó ghê!
Nghìn năm
dấu cũ còn chi
Ải tần ngọn khói bay đi ngả nào?
Đường vào đất Thục khó như lên trời xanh, bởi thế từ xưa đến giờ vẫn là vùng đất riêng, ít có quan hệ văn hoá với Trung Nguyên. Thời Tần Huệ Vương, Tư Mã Thố dẫn đại quân xâm nhập, đất Thục mới sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.
Theo “Thục vương bản kí” của nhà văn Dương Hùng đời Hán, truyền thuyết thần thoại về tổ tiên của ngươi Thục còn sớm hơn cả văn hoá Trung Nguyên; họ sớm đã biết nuôi tằm, khơi ngòi, tưới nước, đánh cá, đắp đầm hồ và thắp lửa, nghe đâu có lịch sử bắt đầu từ 34 nghìn năm trước, có lễ nghi, văn tự, âm nhạc riêng của mình.
Ở thượng du Mân Giang gần Thành Đô, có dấu vết đời sống của người Đê và ngươi Khương, và cả người Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Theo “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận đời hậu Hán, những tộc người này rất giỏi trồng dâu nuôi tằm, dệt vải lụa, nên được gọi là người “Tâm Tùng”.
Lại theo “Hoa dương quốc chí” của Thường Cừ đời Tấn, truyền thuyết về đất Thục đời cổ đại, từng bị nạn Hồng Thủy, nên người ở đấy đã sớm khơi ngòi, bắt cá, đắp hồ. Ông vua cuối vương triều Bồ Trạch là Vọng đế, sau thất bại về trị thủy, trao ngôi kế vị cho tể tướng Khai Minh. Khai Minh thờ thần Rùa, tương truyền là một nhà thủy lợi cuối đời Hạ, được ủy thác việc trị Hồng Thủy, sau này được giao quyền bính, trở thành người thống trị đất Thục. Câu chuyện này có chỗ na ná với chuyện thần thoại về vua Nghiêu, vua Thuấn và Đại Vũ, có thể là một phiên bản cũng nên; nhìn chung đấy là một vùng đất biệt lập có nhiều biến động lịch sử.
Trong thời kỳ Khai Minh làm vua đất Thục, từng lệnh cho năm lực sĩ trong họ, lấy những khối đá lớn trong núi làm bia mộ của nhà vua; những khối đá lớn ấy dài ba trượng, nặng mấy vạn cân, người sau gọi là măng đá.
Có người cho rằng hai cây trụ đá ở ngoài cửa tây Thành Đô là những măng đá ấy, cây phía bắc cao một trượng sáu thước, chu vi chín thước rưỡi, cây phía nam cao một trượng ba thước, chu vi một trượng hai thước. Nghe nói những măng đá ấy vào đời Hán đã bị sứt mẻ nên không cao như trước nữa. Đỗ Phủ là thánh thơ đời Đường có viết bài thơ “Thạch duẩn hành”, ngợi ca về khối đá ấy:
Anh có hay chăng ngoài Ích Châu Có cây cột đá đã bao lâu
Phải chăng khanh tướng thời xưa đó Mượn đá đề danh vạn kiếp sau.
Lại có một truyền thuyết khác không giống như Đỗ Phủ đã viết. Tương truyền rằng những khối đá lớn mà năm lực sĩ vận chuyển không phải là măng đá ở Thành Đô, mà là đá gương ở Vũ Đảm Sơn, phía tây bắc Thành Đô. Đá gương ở đấy, có đường kính một trượng, cao năm thước nhưng hiện giờ không còn dấu tích. Chỉ còn lưu lại trong câu chuyện truyền miệng của dân quanh vùng về một thôn nhỏ ở gần đá gương. Lục Du là một nhà thơ đời Tống trong bài “Xuân tàn thiên” ở “Kiếm Nam Thi Cảo” có viết:
Đá gương lấp lánh ánh trời

Nghìn xuân chuyện cũ miệng người truyền lưu.

Nói chung, văn hoá đất Thục phát triển từ rất sớm, có sắc thái riêng, không giống với văn hoá Trung Nguyên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.