Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

7. Bàng Thống lập kế hoạch, Hoàng Trung dẫn quân đi.



Để biểu thị sự vô tâm chẳng ở mãi Ích Châu, và cũng để tránh sự nghi ngờ và phòng bị của Lưu Chương, Gia Cát Lượng đề nghị với Lưu Bị, đại quân vào Thục lần này sẽ hoàn toàn dựa vào các tướng lĩnh mới gia nhập làm nòng cốt. Các lão tướng đều ở lại, một mặt để đề phòng cẩn thận sự tập kích của Đông Ngô và Tào Tháo, một mặt cũng để Lưu Chương thấy hành động quân sự này chỉ có mục đích giới hạn.

Đại quân vào Thục được sắp xếp như sau:
Chủ soái: Lưu Bị
Tổng Tham mưu trưởng: Bàng Thống
Tiền quân: Đại quân Hoàng Trung
Trung quân: Lưu Bị tự mình chỉ huy, có thêm Lưu Phong, Quan Bình làm lãnh đội.
Hậu quân: Đại quân Ngụy Diên
Trận tuyến phòng bị ở Kinh Châu được sắp xếp như sau:
Tổng chỉ huy ở Giang Lăng: Gia Cát Lượng
Quân tiền tiêu phía bắc: Do Quan Vũ bố trí ở cửa ải Thanh Nê, đề phòng bị quân Tào Nhân ỏ Tương Dương tấn công.
Trấn thủ Trường Giang: Đại quân Trương Phi.
Chỉ huy ở Công An: Đại quân Triệu Vân, hiệp trợ với Gia Cát Lượng cai quản Kinh Châu và ba quận Kinh Nam được an toàn.
Từ đó có thể thấy hành động quân sự của Lưu Bị lần này khá nguy hiểm, bởi không để Lưu Chương nghi ngờ, đạo quân vào Thục có số lượng rất ít, nếu như Lưu Chương phản bội, sự an toàn của Lưu Bị có thể nói là trứng để đầu đẳng vậy.
Bàng Thống bạo gan mà bụng thì chín chắn, giầu sức tưởng tượng, trong hành động lần này lại thích hợp nếu so với Gia Cát Lượng. Lại nữa việc trấn thủ Giang Lăng là nhiệm vụ sống còn, chẳng thể tìm được một người thứ hai như Gia Cát Lượng, đã cẩn thận lại nhiều mưu kế.
Sắp xếp đạo quân vào Thục, hiển nhiên cho thấy Lưu Bị táo bạo hơn người, Hoàng Trung, Nguỵ Diên đều là các tướng cũ của Kinh Châu, vốn được Lưu Bị hoàn toàn tín nhiệm, thậm chí mang cả sinh mệnh ủy thác ở trong tay họ. Trong cuộc chiến tranh ở Thục, hai người này cơ hồ đã mang toàn lực để giành lấy thành công; Lưu Bị đối đãi với họ rất tốt, đó là nguyên nhân chủ yếu khích lệ họ.

Lại nói vê nội bộ Ích Châu trước việc Lưu Bị dẫn quân vào Thục lần này cũng có lắm suy nghĩ nghi ngờ.
Hoàng Quyền thì kịch liệt phản đối, ông ta nói với Lưu Chương rằng: “Lưu Bị nổi tiếng vũ dũng, sao có thể lâu dài làm một kẻ khách mời bên cạnh tướng quân. Nếu như lấy lễ trọng mà tiếp đãi, lại là việc một nước chẳng có hai chúa. Nếu chúa công nghe lời thần thì nước Thục có núi Thái Sơn bền vững, nếu không nghe lời thần, chúa công ắt gặp phải nguy hiểm khôn lường”.
Trướng tiền tòng sự Vương Lũy, lại tự mình treo ngược ở trước cửa thành, hết sức can gián Lưu Chương: “Trương Lỗ phạm vào bờ cõi chỉ như ghẻ lở mà thôi, tuy có làm phiền song không nguy hiểm. Lưu Bị vào Thục, ấy là hoạ lớn gần kề, sợ Ích Châu sẽ không còn nữa!”.
Song Lưu Chương vốn là người không có chủ kiến, đã phái sứ giả mời Lưu Bị, tự nhiên chẳng thể hối lại, huống chi ông ta cũng nghĩ không ra một phương pháp gì để rút lại lời nói của mình trước đây. Theo tin thám thính trước đó, có thể thấy đại quân vào Thục của Lưu Bị không nhiều, ông ta dứt khoát cự tuyệt lời đề nghị của Hoàng Quyền, lại còn hết sức cung phụng Lưu Bị, mời ông ta đến nơi ở sang trọng như tạo cảm giác đang ở nhà vậy.

Khi đạo quân của Lưu Bị đến ba quận, Thái thú ở đấy là Nghiêm Nhan là kẻ cầm đầu già dặn ở Ích Châu; ông ta có mưu lược, trọng nghĩa khí, đối với việc Lưu Chương mời Lưu Bị vào Thục lần này chẳng hiểu như thế nào, đã nói với các tướng lĩnh thuộc hạ rằng: “Chiến lược này có vẻ giống như ngồi ở nơi rừng sâu, lại thả hổ để bảo vệ mình”.
Các tướng lĩnh và trọng thần ở Ích Châu cũng bàn luận sôi nổi về việc này, khiến Trương Tùng và Pháp Chính phải chịu một áp lực lớn, may mà Mạnh Đạt giải thích giúp; thuyết phục được không ít người và dần dần ủng hộ lập trường của Trương Tùng và Pháp Chính.
Để tránh những điều bất ngờ, trung quân của Lưu Bị đóng ở Điếm Giang, Mạnh Đạt tự mình đến Phù Thành đón tiếp. Thay mặt Lưu Chương hoan nghênh Lưu Bị, Mạnh Đạt mời Lưu Bị hãy tạm ở Phù Thành, đợi Lưu Chương đến ra mắt. Không lâu Lưu Chương dẫn đạo quân hỗn hợp bộ kỵ binh hơn 3 vạn người rầm rộ đến nghênh tiếp Lưu Bị. Phù Thành cách Thành Đô 360 dặm, qua đấy cũng thấy được thành ý của Lưu Chương như thế nào. Hai người gặp nhau rất đỗi vui mừng, và tình cảm rất thắm thiết. Song Mạnh Đạt phụ trách việc tiếp đãi, lại gặp riêng Bàng Thống truyền đạt ý của Trương Tùng, hy vọng Lưu Bị nhân cơ hội đó mà giết Lưu Chương, tránh khỏi phiền nhiễu về sau. Bàng Thống ngầm báo cáo việc ấy với Lưu Bị, song Lưu Bị cho rằng “Việc đại sự như thế chẳng thể vội vàng” đã cự tuyệt.
Bàng Thống lại hiến một kế khác với Lưu Bị, nhân cơ hội này mà bắt giữ Lưu Chương; tuy là việc bất chính song tránh được một cuộc chiến tranh mà khuất phục được người ta, chẳng phải là việc đáng làm ư?
Lưu Bị nghiêm sắc mặt bảo: “Chúng ta mới vào đất Thục, chưa có ân đức với trăm họ lại vội vàng làm việc thất đức như thế, ắt sẽ không được ủng hộ, đó không phải là kế lâu dài”.
Thực ra với một số ít binh mã trong tay Lưu Bị, mà 3 vạn quân của Lưu Chương tiến đánh, tuy có Mạnh Đạt làm nội ứng song có bắn được hươu còn chưa biết về tay ai, điều ấy thực chưa biết rõ! Bởi thế Bàng Thống không dám nói lại nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.