Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Đề bạt Ngụy Diên, trọng dụng Hoàng Trung



Chính quyền Thục Hán đã được thành lập!
Kẻ địch quan trọng vẫn ở phía bắc, bởi thế từ Thành Đô đến Bạch Thủy Quan, xây dựng quán xá lập ra Dịch Đình, gồm hơn 400 nơi khiến liên hệ giữa Hán Trung và Thành Đô được hoàn chỉnh.
Sau khi xưng vương ở Hán Trung, Lưu Bị đã dẫn văn vũ bá quan, trở về Thành Đô, bắt đầu việc điều hành đất nước. Song Hán Trung là đất chiến lược quan trọng, cần có một viên đại tướng trấn thủ ở đấy. Đa số quần thần đều cho rằng Lưu Bị sẽ phái Trương Phi đến đấy, Trương Phi cũng muốn như vậy, việc ấy như đã chắc chắn.
Song Lưu Bị sau khi bàn bạc kỹ lưỡng vói Pháp Chính và Gia Cát Lượng, lại lựa chọn nha môn tướng quân Ngụy Diên vốn không được mọi người nể trọng, đề bạt làm Trấn viễn tướng quân, ra làm Thái thú ở Hán Trung.

Sự việc ấy khiến mọi người rất kinh ngạc.
Nguỵ Diên khi đang ở Kinh Nam đã theo về với Kinh Châu, ông ta vẫn tín phục Lưu Bị, năm ấy đã thuyết phục lão tướng Hoàng Trưng vứt bỏ việc phòng ngừa Trường Sa, Ngụy Diên đã quay giáo binh biến giữa trận, bởi thế rất được Lưu Bị trọng dụng.
Ngụy Diên có cá tính mạnh mẽ, tích cực trong công việc, có mưu đồ lớn, bởi thế quan hệ với mọi người không tốt đẹp. Song ông ta gắn bó với sĩ tốt dưới quyền, đồng cam cộng khổ, rất được lòng quân, có sức chiến đấu mạnh mẽ. Trong chiến dịch Hán Trung, tuy phụ thuộc quân đoàn Hoàng Trung, song Ngụy Diên lập được nhiều công lao, khiến những người chung quanh dẫu có bất mãn cũng không thể không cảm phục.
Lưu Bị họp các quần thần, trịnh trọng tuyên bố lệnh điều động. Ông ta đứng trước các đại thần hỏi Ngụy Diên rằng: “Nay uỷ thác cho ngươi việc quan trọng này, ngươi dự định gánh vác nhiệm vụ như thế nào?”
Ngụy Diên rắn rỏi biểu thị: “Nếu Tào Công cử binh thiên hạ đến đó, thần sẽ vì đại vương mà kháng cự, nếu Tào Công phái một viên tướng dẫn 10 vạn quân đến đó, thần sẽ vì đại vương mà nuốt gọn”. Lưu Bị gật đầu tán thưởng, các đại thần thấy Ngụy Diên dám nói quả quyết như thế để biểu thị quyết tâm của mình, cũng cảm động không thôi.
Thực ra, Lưu Bị đối với việc lựa chọn này đã khá thận trọng. Sau khi Lỗ Túc mất, tình hình ỏ Kinh Châu rất căng thẳng, Ích Châu cũng mới bình định được không lâu, muốn ổn định các vùng ở đấy, phải có cố gắng lớn. Quân Trương Phi là chủ lực của Lưu Bị, chẳng thể thủ thế ở đấy. Mã Siêu có địa vị cao trong xã hội, nếu để ông ta nổi loạn thì rất không an toàn. Hoàng Trung tuy phong phú kinh nghiệm lại rất trung thành song tuổi đã cao, đối với việc điều hành ở lĩnh vực mới là không thích hợp. Chỉ có Triệu Vân là nhân tài thích hợp, song cũng giống như Trương Phi đều là hạt nhân nòng cốt lâu năm, bố trí ở Hán Trung cũng có chỗ đáng tiếc. Bởi thế đề bạt một người xem ra chưa có địa vị song lại rất trung thành, có năng lực đảm đương một vùng, thì Ngụy Diên sắp xếp ở đấy là hợp lý nhất.

Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, phong Hứa Tĩnh làm Thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, để quân sư tướng quân Gia Cát Lượng nắm giữ mọi việc quân quốc đại sự.
Lại cử ra Thống soái bốn đại quân đoàn mới, Quan Vũ làm Tiền tướng quân, có địa vị lớn trong quân, thứ đến Trương Phi làm Hữu tướng quân, Mã Siêu làm Tả tướng quân, Hoàng Trung làm Hậu tướng quân.
Gia Cát Lượng đối với việc bổ nhiệm làm, có một chút lo lắng, đã nói với Lưu Bị rằng: “Tướng quân Hoàng Trung là lão tướng nổi tiếng ở Kinh Châu, song không nổi tiếng với lân bang, chẳng thể bằng vai với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu. Nay Hoàng Trung ngồi cùng chiếu với họ, kể như Mã Siêu, Trương Phi ở gần, đều thấy rõ những biểu hiện của Hoàng Trung ở Ích Châu và chiến dịch Hán Trung, có thể so sánh mà chẳng có dị nghị, song Quan Vũ ở tận Kinh Châu, có thể rất không bằng lòng”.

Lưu Bị cười mà rằng: “Việc này ta đã có biện pháp”, thế rồi Lưu Bị phái Tư mã Phí Thi đến Kinh Châu mang ấn tín Tiền tướng quân phong cho Quan Vũ, trước lúc lên đường còn đặc biệt dặn dò. Quả nhiên không ra ngoài dự liệu của Gia Cát Lượng, Phí Thi đến Kinh Châu, Quan Vũ vừa nghe nói Hoàng Trung làm Hậu tướng quân không thể không bực tức nói: “Đại trượng phu thề không bằng vai với tên lính già!”. Kiên quyết không nhận ấn tín.
Phí Thi cười mà rằng: “Từ xưa đến nay, người khai sáng vương nghiệp phải khéo sử dụng nhân tài mọi mặt. Năm xưa Tiêu Hà, Tào Tham đều là bạn thủa nhỏ với Hán Cao tổ, mà Hàn Tín, Trần Bình đều là người sau này mới đến. Song Hán Cao tổ sau khi xưng đế, phong tước vị thì Hàn Tín cao nhất, nhưng chưa hề nghe nói Tiêu Hà, Tào Tham có dị nghị gì. Nay Hán Trung Vương, xét theo chiến công, xếp Hoàng Trung bằng vai với tướng quân, mà trong thâm tâm của Hán Trung Vương, thực ra Hoàng Trung và Tướng quân đâu có cùng cân lạng? Hán Trung Vương với tướng quân như cùng cơ thể, đã cùng sinh tử, lại cùng vui lo có nhau. Cứ như ý tôi, tướng quân không nên kể đến quan chức cao thấp, tước lộc ít nhiều. Tôi chỉ là một viên sứ giả, phụng mệnh mà đến, tướng quân nếu không chịu nghe, tôi cũng đành phải trở về mà thôi song tôi lấy làm tiếc về hành vi của tướng quân, sợ tướng quân sẽ phải hối hận”.

Quan Vũ nghe rồi chợt tỉnh ngộ, lập tức lạy tạ nhận ấn tín.
Thực ra liên quan đến việc nhân sự này, có chỗ không công bằng nhất là Triệu Vân có công lao rất lớn trong chiến dịch Hán Trung. Triệu Vân có tính chính trực, cẩn thận cũng kể được là một người cộng sự sáng nghiệp của Lưu Bị từ đầu, hơn nữa đã hai lần cứu được A Đẩu, công lao rất lớn, tin rằng trong đáy lòng Lưu Bị, địa vị của Triệu Vân không thua kém Quan Vũ, Trương Phi. Đã rõ ràng Triệu Vân là người chính trực, hiểu rõ đại thể, nhân cách và khí chất rất được xem trọng, chỉ phải tính hay nói thẳng, can ngăn khiến xung quanh không được vừa lòng.
Song Triệu Vân ngoài những lời lẽ chính đáng lại lấy mình làm gương, rất có trách nhiệm, vốn không sợ bất kể nguy hiểm gì, bởi thế rất được mọi người tôn kính.
Bởi Gia Cát Lượng khi ấy còn trẻ tuổi, trong việc lập kế sách và chỉ huy các lão tướng già dặn, đích xác không dễ dàng, mà Triệu Vân phối hợp ăn ý với Gia Cát Lượng, đối với công tác ở ban tham mưu, cơ hồ nghiêm chỉnh chấp hành không so đo gì, có người thậm chí còn gọi ông là phái Gia Cát Lượng. Song Triệu Vân trong việc đề bạt này vẫn chỉ giữ chức Dực quân tướng quân, chẳng những thấp hơn Quan Vũ, Trương Phi, mà còn dưới cả Mã Siêu và Hoàng Trung.
Đây chủ yếu là vấn đề chiếu cố đến sự cân bằng lực lượng giữa cũ và mới. Những chiến hữu trước trận Xích Bích đều thuộc phái Lưu Bị. Những người mới đến sau chiến dịch Kinh Nam đặc biệt là những lão thần Ích Châu ắt nên trọng dụng; đấy là sự hy sinh cần thiết cho một nền tảng chính trị.

Giống như Gia Cát Lượng có vị trí hàng đầu dưới trướng, Hứa Tĩnh rất được Lưu Bị chú ý, tiếp đó phải kế đến Pháp Chính nữa.
Trong những trọng thần phái Ích Châu, Pháp Chính là người có công rất lớn, được Lưu Bị kính trọng. Khi Lưu Bị còn sống, đối với các văn võ lão thần tạ thế, kể cả Quan Vũ, Trương Phi, chỉ có Pháp Chính sau khi chết mới được đặt Thụy hiệu, ngoài ra đều do hậu chủ Lưu Thiện truy phong Thụy hiệu, qua đó có thể thấy đối với nhân sĩ Ích Châu, Lưu Bị đã lấy lễ nghi mà khoản đãi.
Triệu Vân vẫn có đầu óc chính trị, hơn nữa biết quên mình, đối với việc Lưu Bị phải khổ tâm cân bằng lực lượng chính trị, cũng dễ thông cảm cho nên trong việc sắp xếp nhân sự mới lần này, ông ta tuy chịu thiệt thòi rất lớn, lại chẳng hề oán trách, vẫn là một cây cột rất quan trọng trong chính quyền Lưu Bị.
Chức vụ của Gia Cát Lượng tuy chưa được tăng thêm, vẫn là Quân sư tướng quân, thực ra theo ghi chép sử liệu, ông vẫn là người lập kế hoạch và điều hành việc chính sự chủ yếu nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.