Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Chiến lược “mượn Kinh Châu” của Lỗ Túc.



Đối với việc Lưu Bị bỏ sức rất ít lại giành được rất nhiều, tâm trạng của Tôn Quyền và Chu Du chất đầy những ghen ghét và bất mãn, song vận may của Lưu Bị lại không dừng ở đấy.

Hai năm sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo vẫn không ngừng lấn xuống phía nam gây sức ép quân sự, chiến tuyến Hợp Phì phía đông và Giang Lăng phía tây cùng lúc rất căng thẳng, hơn nữa ở phía tây sau khi đại đô đốc Chu Du qua đời, Tôn Quyền lại càng đau đầu lo lắng việc phòng thủ Giang Lăng.

Chu Du trước lúc lâm chung, tiến cử Lỗ Túc, một người rất thân với mình, song lại có nhiều ý kiến tương phản làm người kế nhiệm. Lỗ Túc là một nhà quân sự, ngoại giao có tư tưởng chiến lược hoàn chỉnh hàng đầu đời Hán Mạt. Ông ta đề nghị với Tôn Quyền mau chóng mang Nam Quận trong đó có Giang Lăng cho Lưu Bị mượn, để Lưu Bị phụ trách nhiệm vụ chủ yếu phòng ngự phía tây, quan hệ hữu hảo Tôn – Lưu cũng đạt được đỉnh cao nhất.
Tôn Quyền lấy Trình Phổ làm Thái thú Giang Hạ, Lỗ Túc Thái thú Hán Xương, đóng quân ỏ Lục Khẩu, là phòng tuyến thứ hai, tùy thời chi viện và giám sát việc làm của Lưu Bị.
Tuy “Tam quốc diễn nghĩa” thường miêu tả Lỗ Túc là người thực thà luôn bị người ta khinh nhờn, thực ra Lỗ Túc tinh tế mà quả cảm, ông ta có hoài bão lớn, tầm nhìn xa, lại thấu thị với diễn biến tình hình.

Chiến lược mượn Kinh Châu kể cũng khá cao tay, chẳng những ổn định cơ sở liên minh Tôn – Lưu, cũng khiến Tào Tháo phải tuyệt vọng với ý đồ thống nhất, nếu hai bên thực sự duy trì lâu dài quan hệ hợp tác như thế, sau này vận mệnh của Đông Ngô và Thục Hán sẽ được lâu dài.

Đáng tiếc tầm nhìn chiến lược của Tôn Quyền và Lưu Bị đều chẳng bằng Lỗ Túc, Gia Cát Lượng lúc đó ảnh hưởng cũng có hạn chế. Quan Vũ, Lã Mông, tuy là những nhà quân sự thiên tài song đều đứng ngoài ngoại giao, hoặc quá hăng hái tham muốn lập công, khiến quan hệ Tôn – Lưu rất căng thẳng, thậm chí còn gây ra bi kịch làm dao động cả hai nước.
Trước đây Gia Cát Lượng quản lý Kinh Châu, đã cùng Trương Phi và Triệu Vân dẫn quân vào Thục, bởi muốn đối phó hữu hiệu với danh tướng Tào Nhân ở Tương Dương, Gia Cát Lượng đã đặc biệt đế lại Quan Vũ, một tướng lĩnh nổi tiếng dũng mãnh danh vọng rất cao trấn giữ Giang Lăng, để duy trì an toàn cho đại bản doanh.
Quan Vũ là người tín ngưỡng, trong những tướng lĩnh nổi tiếng thời Tam Quốc, nổi tiếng bậc nhất, vẫn là cánh tay quan trọng của Lưu Bị. Ông có sức hút rất lớn, được mọi người xung quanh sùng bái, bởi thế có thể lãnh đạo rất tốt. Chỉ phải nỗi ông ta cậy tài ngạo mạn, một mình một đường, khiến các tướng lĩnh trong quân đối với ông thì sợ hãi hơn là tôn kính – lấy một tướng lĩnh như vậy để phụ trách nhiệm vụ quân sự đơn thuần, tự nhiên là có thừa rộng rãi, song để phụ trách phòng thủ Kinh Châu vốn nóng bỏng về chính trị, thực ra chẳng phải là thích hợp.
Vậy sao Lưu Bị và Gia Cát Lượng vẫn lựa chọn Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu nhỉ? Nguyên nhân chủ yếu nhất là trong tập đoàn Lưu Bị nhân tài thiếu ở mức nghiêm trọng, thực khó kiếm được một viên tướng có khả năng độc lập.
Trương Phi cá tính nóng nẩy, giỏi tấn công mà không giỏi phòng thủ. Triệu Vân là một tướng tài thích hợp, song ông ta đang hợp tác tốt với Gia Cát Lượng, rất ăn ý, Gia Cát Lượng vào Thục chẳng thể thiếu ông ta, bởi thế chẳng thể để lại giữ Kinh Châu.
Quan Vũ dũng mãnh mà rắn rỏi, rất có danh tiếng trước thiên hạ, dùng ông ta để đối phó Tào Nhân, có khí thế hơn cả Trương Phi, Triệu Vân.
Lịch sử có ghi chép Quan Vũ bị nhọt tên, ở cánh tay trái, sau này tuy lành, song mỗi khi trở trời mưa gió, vẫn nhức nhối trong cánh tay, ảnh hưởng đến thao tác võ nghệ, thầy thuốc chẩn đoán rằng: “Mũi tên có độc, độc ngấm vào xương cốt chỉ có khoét chỗ thịt ở cánh tay đến tận xương, dùng dao nạo chất độc bám vào xương cốt mới có thể điều trị triệt để chứng nhức xương”.
Quan Vũ nghe rồi lập tức duỗi cánh tay, để Hoa Đà làm trị liệu, lúc ấy Quan Vũ đang cùng chư tướng uống rượu, ông ta cũng không hạ lệnh dừng lại, một mặt vẫn yến tiệc như cũ, làm phẫu thuật ở cánh tay máu chảy như rót, cơ hồ đầy cả chậu, song Quan Vũ vừa ăn, uống vừa cười nói như không, mặt không đổi sắc, thực là người dũng cảm chịu đau hơn người, khiến các tướng lĩnh ở đấy khâm phục không thôi.
Chu Du đã gọi Quan Vũ là viên tướng hổ báo, Lục Tốn cũng phải tán tụng là hùng kiệt ở đời, đến như tham mưu của Tào Tháo là Trình Dục cũng khen Quan Vũ là “vạn người khó địch nổi”. Khá thấy Quan Vũ bấy giờ rất được nể trọng.
Lại nữa, Quan Vũ với Lưu Bị một lòng trung thành sáng láng, cổ kim khó thấy. Trong lúc hoàn ảnh rất khó khăn, ông vào sinh ra tử, chẳng hề oán thán. Năm xưa Tào Tháo đưa ra những điều kiện rất tốt đẹp, muốn giữ Quan Vũ cũng chẳng thể được. Quan Vũ đã rõ ràng là một người trung thành với lập trường chính trị, lại cũng là một viên đại tướng ngoan cố và cũng đáng kính.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.