Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
2. Sửa đổi hiệp ước, ổn định phía đông.
Đối với sự phản loạn ở Nam Trung, dẫn theo nhiều vấn đề nội chính, chẳng phải chỉ dựa vào quân đội mà có thể giải quyết được. Huống chi Lưu Bị vừa thất bại trong cuộc đông chinh, tinh thần binh lính rệu rã cần một thời gian nghỉ ngơi chỉnh đốn lại, cho nên chưa tức thì thảo phạt được. Gia Cát Lượng hạ lệnh cho Lý Nghiêm thông qua các mối quan hệ vỗ về thủ lĩnh của dân tộc thiểu số ở đấy, lại cho quân đóng đồn ở nơi hiểm yếu, tăng cường phòng thủ, ngăn cản phản loạn lan ra Thục Trung đợi thời cơ thuận lợi sẽ giải quyết sau.
Công việc rất khẩn cấp lúc ấy vẫn là tình thế ba chân đỉnh, làm sao định vị được.
Với lập trường cơ bản mà nói, Tào Ngụy có thực lực rất lớn, chẳng thể hoà giải được, về lĩnh vực thống trị mà nói, Thục Hán tuy nhỏ, nếu nghĩ cứng rắn đối đầu với hai kẻ địch rất lớn, dứt khoát là sách lược mù quáng. Quốc sách cơ bản của Long Trung Sách là liên Ngô chế Tào, về khách quan là điều tất yếu. Bởi thế với tình hình trước mắt, mau chóng hoà giải giữa Ngô và Thục là nhiệm vụ rất khẩn trương.
Song sự việc không giản đơn, nói hoà giải là hoà giải ngay được, kể từ Quan Vũ để mất Kinh Châu, Lưu Bị đông chinh thất bại ở Hồ Đình đến nay, quan hệ rất căng thẳng giữa Ngô và Thục, nói hoà giải đâu có dễ.
Thực ra, sau khi Lưu Bị mất, mối lo lắng của Gia Cát Lượng là thái độ của Tôn Quyền. Khi Lưu Bị đóng quân ở thành Bạch Đế, Tôn Quyền từng phái sứ giả thăm hỏi, tìm kiếm hoà giải, song chủ yếu bởi áp lực của Tào Phi từ phương bắc xui khiến. Đến khi Đông Ngô giành được một chút thắng lợi, lại công khai biểu lộ phục tùng Tào Ngụy, biến số của thái độ Tôn Quyền rất lớn. Gia Cát Lượng để Lý Nghiêm ở Công An, chủ yếu phòng ngự Tôn Quyền. Bởi thế khi Lưu Thiện lên ngôi, Gia Cát Lượng đợi đến cuối năm, vào tháng 11, lấy Thượng thư Đặng Chi làm Trung lang tướng, tích cực chủ động triển khai nối lại công tác ngoại giao liên minh giữa Ngô và Thục.
Đặng Chi tên chữ là Bá Miêu, người Tân Dã, là hậu duệ của Đặng Vũ, một công thần đời Quang Vũ đế. Thòi Lưu Yên, Đặng Chi từ Kinh Châu vào Ích Châu tìm kiếm cơ hội, song chưa được trọng dụng, chỉ làm một chức quan nhỏ trông coi kho lương ở Bì Huyện.
Song Đặng Chi không nhụt chí, ông tự mình thiết kế biện pháp quản lý lương thực hợp lý, rất tiện lợi cho nhân dân, tuy không được cấp trên xem trọng, Đặng Chi vẫn vui vẻ thực hiện công việc.
Sau khi Lưu Bị đến Ích Châu đi tuần tra các quận huyện, có lần đến Bì Huyện, thấy cách quản lý của Đặng Chi khá kỳ lạ, cùng đàm đạo hồi lâu thấy là người có tài, bèn thăng cấp làm Huyện lệnh ở đấy, không lâu lại đề bạt làm Thái thú ở Quảng Hán, mỗi lần đến địa phương nào, Đặng Chi đều có phong cách đặc biệt, bởi thanh liêm mà đạt được kết quả. Bởi thế sau khi Lưu Bị xưng đế, Gia Cát Lượng lấy làm Thượng thư ở phủ Thừa tướng, đặc biệt với Đặng Chi là từ địa phương lên Trung ương được sắp xếp ngay làm Thượng thư.
Muốn thuyết phục được Tôn Quyền vốn cứng rắn, ắt phải dựa vào một sứ giả có hiểu biết và thông minh. Gia Cát Lượng đang tìm người thích hợp không khỏi tư lự, tạm thời vẫn chưa nghĩ ra được ai là hơn.
Đang lúc ấy, Đặng Chi chủ động đến gặp Gia Cát Lượng, nói rằng: “Nay chúa thượng còn ít tuổi, mới lên ngôi, nên lập tức phái sứ giả đến Đông Ngô giao hảo”.
Gia Cát Lượng nghe rồi, gật đầu cười mà rằng: “Ta đã ngẫm nghĩ rất lâu rồi, mà vẫn chưa chọn được người thích hợp, nay bỗng nhiên lại tìm được rồi”. Đặng Chi hỏi thế nào là người thích hợp?
Gia Cát Lượng nói: “Chính là Sứ quân vậy”. (Đặng Chi là Thái thú nên gọi là Sứ quân).
Đúng như Gia Cát Lượng đã thấy, Đặng Chi với việc nối lại quan hệ Ngô – Thục đã sớm có suy nghĩ sâu xa, dùng ông ta vào việc đàm phán ngoại giao phức tạp cần phải tùy cơ ứng biến này, là thích hợp hơn cả.
Sau khi Đặng Chi đến Đông Ngô, Tôn Quyền quả nhiên trong lòng đang hồ nghi, chưa tiếp kiến ông ta ngay được. Đặng Chi đợi đã mấy ngày, chẳng có kết quả bèn chủ động dâng thư lên Tôn Quyền: “Thần nay đến Đông Ngô, cũng là bởi Đông Ngô mà đến, chẳng phải chỉ bởi nước Thục mà đến!”.
Tôn Quyền vốn làm việc khẩn trương, sau khi gặp Đặng Chi, bèn lập tức biểu lộ cách nghĩ của ông ta về vấn đề này.
Tôn Quyền nói: “Tôi rất muốn nối lại quan hệ cũ với nước Thục, chỉ lo lắng vua nước Thục còn nhỏ, nước bé thế yếu, sợ sớm tối bị Tào Nguỵ thôn tính, đến lúc ấy ta cũng khó giữ mình, cho nên kế sách lớn liên minh với Thục hay Ngụy vẫn còn chưa quyết”.
Đăng Chi nghe rồi, bởi đã có dự liệu nên đáp rằng: “Ngô Thục có đất bốn châu (Kinh, Dương, Lương, Ích), đại vương là anh hùng của đời này mà Gia Cát Lượng cũng là người tuấn kiệt. Nước Thục có địa hình hiểm trở dễ giữ mà khó đánh vào. Nước Ngô cũng có Tam Giang (Ngô Tùng, Tiền Đường, Trường Giang), là bức bình phong thiên nhiên, muốn tấn công đâu có dễ. Nếu như cộng những điều kiện hai bên, môi hở răng lạnh, tiến thì có thể nuốt được thiên hạ, thoái thì cũng giữ được thế ba chân đỉnh, đấy chẳng là lẽ rất tự nhiên ư? Đại vương nếu nghĩ quy phục Tào Ngụy, Tào Phi sớm muộn sẽ cưỡng bức ngài đến Lạc Dương, đến lúc ấy ắt thành mối lo. Ví như đại vương kiên trì không đi, Tào Phi sẽ yêu cầu đại vương đưa Thái tử làm con tin, nếu không nghe theo Tào Phi sẽ lập tức lấy lý do thảo phạt phản nghịch mà dẫn quân đánh Đông Ngô. Lúc đó nếu như nước Thục cũng nhân cơ hội thuận dòng mà xuống, thì đất Giang Nam không thuộc đại vương nữa”. Tôn Quyền ngồi nghe im lặng không nói.
Đích xác Tào Phi yêu cầu Thái tử Tôn Đăng đến Lạc Dương làm con tin, đã không chỉ một lần. Điều kiện này chẳng những Tôn Quyền không thể đáp ứng hơn nữa quần thần Đông Ngô cũng cho rằng đấy là điều đại sỉ nhục, dẫu phải liều mạng cũng chẳng thế nghe theo. Nghĩ đến đó, Tôn Quyền không khỏi than rằng: “Ông nói rất phải!”
Thế rồi lập tức hạ lệnh cắt đứt quan hệ với Tào Ngụy, nối lại hoà hiếu với Thục Hán, Đặng Chi cũng lập tức dâng lên 200 ngựa tốt, 1000 thếp gấm, cùng không ít đặc sản nước Thục, nói chung đã hoàn thành được sứ mệnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.