Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

1. Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương



Tháng 7 năm Kiến An thứ 24, 120 văn quan võ tướng của Lưu Bị cùng liên doanh, dâng biểu lên Hán hiến đế tôn Lưu Bị làm Hán Trung Vương.

Trước đó, năm Kiến An thứ 21, Tào Tháo đã tự phong làm Ngụy Vương, Hán Hiến đế tuy miễn cưỡng còn giữ được đế vị, thực ra chỉ là bù nhìn mà thôi.
Lưu Bị đã có hai Châu Kinh, Ích, để biểu lộ ý đồ mãnh liệt phục hưng nhà Hán, theo kế sách của Gia Cát Lượng cũng tự lập làm Hán Trung Vương kế thừa thể chế của Vương triều nhà Hán, để bằng vai với Tào Tháo song qua biểu văn ấy khá thấy rõ hình thái đầy đủ của chính quyền Lưu Bị.

Tờ tấu biểu này do một văn quan Ích Châu viết, ông ta tên gọi Lý Triêu người Quảng Hán, có biệt hiệu Lý Thị Tam Long, bởi là công văn chính thức, các chức quan ghi trong ấy đã thế hiện tôn ti trật tự đầy đủ. Những phần tử hạt nhân của chính quyền Lưu Bị tuy là những người chân chính song hiển nhiên là không hợp thời thức triều đình.
Biểu văn ấy ghi rõ: Bình tây tướng quân Mã Siêu, Trấn quân tướng quân Hứa Tĩnh, Doanh tư mã Bàng Hy, Trung lang tướng Tạ Viện (con rể Hoàng Phủ Tung), Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Đãng khấu tướng quân Quan Vũ, Chinh lỗ tướng quân Trương Phi, Chinh tây tướng quân Hoàng Trung, Trấn viễn tướng quân Lại Cung, Dương vũ tướng quân Pháp Chính, Hưng nghiệp tướng quân Lý Nghiêm, tất cả là 120 người.
Chỉ có Mã Siêu là lãnh tụ quân đoàn Quan Trung, kế tục tước vị của phụ thân là Mã Đằng, là có địa vị rõ ràng. Là phần tử hạt nhân trong tập đoàn Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã chính thức vượt cả Quan Vũ và Trương Phi trở thành một người lãnh đạo chân chính.
Biểu văn đề cập chuyện từ Đường Nghiêu đến Hán Chiêu đế, thiên hạ an nguy biến hoá, cũng nhấn mạnh bàn về việc Tào Tháo và Đổng Trác đã làm loạn cả thiên hạ, tàn hại sinh linh, sau lại thuật chuyện Lưu Bị với Đổng Thừa năm nào mưu giết Tào Tháo, tiếc rằng không thành công. Lại lo lắng bởi chuyện Diêm Nhạc giết hại Tần nhị thế Hồ Hợi, cùng là Vương Mãng phế bỏ Nhụ Tử Anh làm phát sinh cuộc chính biến Định An Công. Tiếp theo lại nói rõ việc Lưu Bị hết lòng tôn phò nhà Hán, tự mình đại phá Tào Tháo ở Hán Trung, nức tiếng anh hùng trong thiên hạ; nếu như tước hiệu không rõ, chưa được phong lễ cửu tích, không đủ để giữ yên xã tắc, chiếu sáng muôn đời. Tào Tháo ngoài thì thôn tín thiên hạ, trong lòng áp bức đại thần, khiến triều đình có nguy cơ nội bộ tan rã, lại chẳng có một lực lượng ràng buộc được thế lực Tào Tháo đang mở rộng thực là điều khiến người ta phải đau lòng.

Bởi thế không thể không liệt danh quần thần, theo như lệ cũ, phong Lưu Bị làm Hán Trung Vương, kiêm chức Đại tư mã để tập hợp đồng minh, quét sạch nghịch tặc Tào Tháo, hợp lại các vùng Hán Trung, Ba Thục, Kiện Vi, Quảng Hán thành một quốc gia, kế tục điển chương chế độ nhà Hán, xây dựng nền móng để phục hưng nhà Hán.
Đương nhiên đấy chỉ là văn chương cửa quan, về căn bản không cần Hán Hiến đế phê chuẩn. Cùng với việc dâng biểu văn, lại lập đàn tràng ở Miện Dương (tỉnh Thiểm Tây) trong vùng Hán Trung, các quan văn võ đều đến, cử hành nghi lễ trọng thể. Bởi thế sau khi đọc xong biểu văn, chấp lễ quan dâng vương miện, ngọc tỉ theo nghi lễ, Lưu Bị đã thành Hán Trung Vương.
Vì sao không cử hành nghi lễ ở Thành Đô mà phải đến tận Miện Dương ở gần tiền tuyến nhỉ? Có thể tin rằng như thế ít nhiều là để tượng trưng cho việc kế thừa hương hoả vương triều nhà Hán! Năm xưa cơ nghiệp của Hán Cao tổ Lưu Bang đã bắt đầu ở đấy, vì vậy với ý nghĩa chính trị đối kháng lại Tào Tháo, Hán Trung quan trọng hơn Thành Đô.
Đương nhiên Lưu Bị cũng tự mình viết một tờ tấu biểu lên Hán Hiến đế, bầy tỏ việc mình bị quần thần thôi thúc đành phải làm ra như thế. Ông ta cũng nhắc lại việc cùng với Đổng Thừa mưu giết Tào Tháo, đáng tiếc việc không thành, bởi thế nghĩ đến Hán tặc hùng bạo, quốc nạn chưa dứt, tôn miếu đổ nát, xã tắc lung lay, tự mình đành thuận theo quần thần, nhận lấy ấn tỉ để có quốc uy mà tôn phò thanh miếu, chẳng dám từ chối việc nhảy vào nước sôi, lửa bỏng. Lại nữa, muốn tận lực chân thành khích lệ quân thuận theo mệnh trời mà thảo phạt nghịch tặc, giữ yên xã tắc. Cũng tức là muốn chính thức bầy tỏ với Hán Hiến đế, sẽ đem hết sức lực để tìm mọi cách khôi phục nhà Hán.
Tuy trong doanh trại của Tào Tháo có không ít hậu duệ của phái Thanh Lưu, như Tuân Úc, Thôi Đàm, Mao Giới, Tuân Du, nhưng do cuộc đấu tranh chính trị giữa Tào Tháo và Hán Hiến đế ngày mỗi nghiêm trọng, lập trường của những người ấy rất nhùng nhằng, cuối cùng thậm chí cùng huyên náo với Tào Tháo. Lại nữa, không được như Lưu Bị, ở xa tận chân trời, có thể dốc lòng mà chẳng sợ gì trói buộc, bởi thế mà họ công khai giương lá cờ phục hưng nhà Hán, khiến trong trận tuyến của phái Thanh Lưu, dưới sự lãnh đạo của Hứa Tĩnh thuộc phái Nguyên Lão và Gia Cát Lượng thuộc phái Thiếu Tráng, đã xuất hiện ý thức chủ đạo của phái Thanh Lưu.
Sau khi làm Hán Trung Vương, Lưu Bị đã trả lại triều đình cũ chức Tả tướng quân, và ấn thụ kèm theo, lập A Đẩu (Lưu Thiện) làm Thái tử, trở về Ích Châu lấy Thành Đô làm bản doanh của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.