Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Bồi dưỡng sức dân đủ mọi bề: Thủy lợi, dệt gấm và khai mỏ.



Ở bình nguyên Thành Đô xưa kia, được Lý Bằng cố gắng sửa sang đã hoàn thành công trình lớn nổi tiếng nghìn năm, đó là kênh Đô Giang. Chẳng những là màng lưới thủy lợi tưới tiêu rất lớn lúc đó, cũng là mạch máu sinh hoạt của nông dân Ích Châu. Gia Cát Lượng đối với kênh Đô Giang rất xem trọng, ông đặt ra quan chủ quản phụ trách bảo quản, tu bổ và quản lý, có 1800 tráng đinh làm ở vùng kênh, để vĩnh viễn giữ kênh Đô Giang ở trạng thái tốt nhất, nâng cao được sức tưới nước giúp cho sản xuất nông nghiệp ở Thục Trung được rất nhiều. Đương nhiên thủy lợi mới xây dựng cũng không ít. Hiện nay ở Bá Hà phía tây bắc Thành Đô, có một con đê dài hơn 9 dặm, gọi là đê “Gia Cát”, truyền thuyết nói là Gia Cát Lượng để ngăn chặn hồng thủy tràn vào vùng đất nông nghiệp thấp, đã đặc biệt sắp xếp nhân dân xây dựng nên. Hiện nay ở Thành Đô vẫn lưu truyền câu chuyện Gia Cát Lượng dẫn đầu các tráng đinh đắp đê.

Muối và sắt vẫn là những đặc sản của Ích Châu, cũng là nguồn của cải chủ yếu phát triển kinh tế dân sinh. Thời Đông Hán từng phế bỏ lệnh cấm kinh doanh muối sắt, giao cho dân được kinh doanh, kết quả là quan lại địa phương câu kết với cường hào nắm đặc quyền kinh doanh muối sắt, đặt ra giá cả, chẳng những tạo thành khốn khó cho dân sinh, cũng giảm thu nhập của quốc gia không ít. Lưu Bị sau khi bình định Ích Châu, theo đề nghị của Gia Cát Lượng thiết lập lại cơ cấu quốc doanh về muối sắt, quan Tỳ diêm hiệu ứng (đầu tiên là Vương Liên) và Ty kim trung lang tướng (đầu tiên là Trương Duệ) phụ trách quản lý sản xuất muối sắt, và chế tạo nông cụ, binh khí, không để cường hào và quan lại câu kết chiếm làm của riêng nguồn lợi quốc gia.
Nghề nấu muối của Thục Trung từ đời Hán đã rất phát đạt, muối được lấy từ các giếng muối, ở Lâm Cung, Quảng Đô, Thập Phương đều có giếng muối, dân Thục giỏi kỹ thuật nấu muối có nơi còn dùng khí thiên nhiên để nấu muối.
Cuốn “Bác vật chí” của Trương Hoa có chép, “Lâm Cung còn có giếng khí thiên nhiên, rộng năm thước, sâu khoảng ba trượng. Gia Cát Thừa tướng từng đến tận nơi xem xét hơi nóng của trong thiên nhiên được lấy lên từ những cái giếng đế đun muối mỏ thành muối ăn”.
“Gia Cát Lượng cố sự” cũng có chép, nước Thục có 14 giếng muối. Ở đấy chép theo truyền thuyết không thực phù hợp với lịch sử, song có thể thấy Gia Cát Lượng đối với khí thiên nhiên khá xem trọng và quan tâm, cố gắng ứng dụng rộng rãi.

Từ những bức vẽ giếng muối trên gạch tìm thấy ở ngôi mộ cổ đời Hán ở Thành Đô, có thể thấy tình hình sản xuất muối mỏ lúc đó. Giếng muối nói chung đều ở trong núi, trên giếng có đặt giá gỗ khá cao, trên giá có con lăn. Người làm đứng ở bên giá, lợi dụng con lăn để kéo những thùng nước giếng lên, sau đó, dùng ống máng để dẫn nước vào nồi để đun, hết phần nước thì phần còn lại là muối. Thục Trung có vùng núi Nhan Thọ chứa nhiều quặng sắt, gọi là núi sắt. Gia Cát Lượng đã lợi dụng nó để đúc binh khí và nông cụ, lịch sử có chép câu chuyện lấy sắt ở Kim Ngưu Sơn đúc kiếm, Gia Cát Lượng xem trọng cải tiến kỹ thuật, Phổ Nguyên người Ích Châu là một tay luyện thép cao thủ, nổi tiếng về nấu kim loại đặc biệt, Gia Cát Lượng đề bạt ông ta làm quan ở Thục Hán, để nâng cao chất lượng binh khí của Thục Hán. Bởi chiến tranh là nhu cầu lúc ấy, nên kỹ thuật đúc sắt rất mau chóng tiến bộ. Đến thời Tấn Hán người ta đã nắm được phương pháp nhiệt luyện để xử lý nhiệt chế ra kiếm sắc, binh khí có độ bền chắc cao. Thời Hán Vũ đế, dựa vào những binh khí này, khiến sức tác chiến của quân đội nhà Hán tăng rất nhiều. Phổ Nguyên khi chế tạo binh khí cho Gia Cát Lượng ở Tà Cốc, phát hiện chất nước không hợp với yêu cầu tôi sắt, phải cho người về Thành Đô lấy nước đến. Ông ta luyện ra 3000 cây đao cứng, để thử độ sắc, dùng ống trúc bọc lấy thanh sắt tròn, rồi dùng đao chém ngọt ngang đoạn trúc, mọi người xung quanh đều kinh ngạc, gọi đó là thần đao.

Đương nhiên, một công năng rất lớn khác của đúc sắt là cải tiến nông cụ, khiến đất đai được mở rộng rất nhiều, là sự giúp đỡ lớn cho sản xuất.
Tam quốc chí có chép: “Ty diêm hiệu uý của Thục Hán đem lại mối lợi rất lớn về muối, giúp ích nhiều cho quốc gia”.
Gấm Thục cũng là đặc sản của Thục Trung, hoa văn rõ nét, sáng bóng, rất tươi đẹp. Từ bức vẽ vườn dân ở ngôi mộ cổ thuộc Tứ Xuyên và bức vẽ khung dệt ở Thành Đô, có thể thấy ở thời Đông Hán, vùng Tứ Xuyên sớm đã phát triển mạnh nghề trồng dâu dệt vải.
Lưu Bị sau khi bình định Ích Châu, đã ban thưởng cho Gia Cát Lượng, Pháp Chính, có dùng rất nhiều gấm Thục. Gia Cát Lượng sau này trong tấu biểu dâng lên Lưu Thiện cũng nói: “Nay dân nghèo, nước rỗng, của cải đáng kể chỉ còn có gấm vậy”. Khá thấy gấm Thục có vị trí quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế của nước Thục.
Gia Cát Lượng bởi thế đặt ra chức cẩm quan, để quản lý chuyên môn, Thành Đô cũng bởi thế cũng được gọi là Cẩm quan thành.
Gia đình Gia Cát Lượng ở huyện Song Lưu gần Thành Đô cũng có 800 gốc dâu, khá thấy ông ta xem trọng nghề dâu tằm, bắt gia nhân cũng tham gia vào công việc ấy. Do sự nỗ lực của ông ta, sản lượng gấm Thục tăng thêm chưa từng thấy, theo ghi chép lịch sử, khi nhà Thục Hán mất, số gấm Thục và lụa bóng trong kho có 20 vạn thếp.
Cuốn “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp có chép, Tào Tháo từng phái người đến đất Thục mua gấm. Bùi Tùng Chi trong khi chú giải Tam quốc chí có chép, gấm Thục được dùng làm lễ vật quốc gia đem tặng cho Tôn Quyền. Khá thấy gấm Thục đã rất nổi tiếng với lân bang lúc đó. Có được đặc sản này, sự phát triển của nước Thục đã được sự giúp đỡ rất lớn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.