Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Lý Nghiêm khuyên phong cửu tích, Gia Cát Lượng vẫn khiêm nhường.



Người lôi kéo quan hệ giữa Mạnh Đạt và Gia Cát Lượng, chính là phụ tá đại thần, Tiền tướng quân Lý Nghiêm.

Lý Nghiêm tên chữ là Chính Phương, người Nam Dương, thời trẻ làm thư lại ở quận, có tài cán, rất được Lưu Biểu tín nhiệm. Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, Lý Nghiêm chạy về Thục Trung, theo về với Lưu Chương, Lưu Chương rất ưa thích ông ta, cho làm Thành Đô lệnh.
Khi Lưu Bị đánh chiếm Ích Châu, Lưu Chương cho Lý Nghiêm làm Hộ quân, ngăn chặn đội quân chủ lực của Lưu Bị ở Miên Trúc. Chẳng ngờ Lý Nghiêm cho rằng Lưu Chương đại thế đã mất, cuối cùng không đánh mà đem toàn quân theo về với Lưu Bị, khiến sự phòng thủ của Lưu Chương bị một đòn chí mạng, cuối cùng không thể không đầu hàng Lưu Bị. Từ đấy có thể thấy Lý Nghiêm tuy là người lão luyện, lại cũng là một phần tử đầu cơ tiêu biểu.
Nhưng Lưu Bị vẫn rất mến mộ tài cán của Lý Nghiêm, cho làm Tỳ tướng quân, không lâu lại bổ nhiệm làm Thái thú ở Kiện Vi, lại phong làm Hưng nghiệp tướng quân.
Lưu Bị trước lúc lâm chung, lại đặc biệt cử Lý Nghiêm làm thượng thư lệnh, cùng với Gia Cát Lượng phụ tá cho Hậu chủ, với chức Trung đô hộ, thống lĩnh việc quân sự trong ngoài. Gia Cát Lượng sau khi bình định Nam Trung, lại khẩn trương công việc bắc phạt, đề bạt Lý Nghiêm làm Tiền tướng quân, phụ trách phòng thủ phía đông. Bởi Lý Nghiêm khi làm quan ở Ích Châu, với Mạnh Đạt rất thân thiết, Gia Cát Lượng bèn phái ông ta tiếp xúc sơ bộ với Mạnh Đạt.
Do có công lôi kéo Mạnh Đạt, quan hệ giữa Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng càng thêm thân thiết. Trong thư gửi cho Mạnh Đạt, Gia Cát Lượng khen Lý Nghiêm: “Xử lý công việc tự nhiên mau chóng như nước chảy, công việc khó khăn như thế nào rơi vào tay ông ta cũng dứt khoát chẳng thể trì trệ”. Từ đấy dễ thấy, Lý Nghiêm đích xác là một quan chức tài giỏi. Ông viết một lá thư đề nghị lên Gia Cát Lượng, hy vọng Gia Cát Lượng có thể tự xưng vương và phong lễ cửu tích.
Thể chế từ Xuân Thu đến giờ khi các đại thần ngoài hoàng tộc được phong vương, có thể được hưởng phong lễ cửu tích; lễ cửu tích là phần thưởng gồm chín thứ đặc biệt, đại biểu cho chức phận, có thể cùng với hoàng đế hưởng phần quyền quý cao sang; đó là ngựa xe, áo quần, lễ nhạc, cửa son, được đứng ở gần bệ rồng, có quân hổ bôn, cung nỏ đặc biệt, búa tầm sét, hưởng rượu ngon.

Năm xưa Tào Tháo xưng vương nhận lễ cửu tích xác lập vị trí của mình ở Nghiệp Thành và Hứa Đô không thua kém Hán Hiến đế ở triều đình.
Có thể Lý Nghiêm cho rằng, Gia Cát Lượng sắp xếp đội quân bắc phạt rất lớn, thực ra để có ưu thế thống trị tuyệt đối, một lực lượng nào ở Thục Hán cũng không đủ mạnh như thế, bởi thế khiến ông ta ngay lập tức có được địa vị lớn, để ổn định được chính quyền Thục Hán.
Cũng có nhà sử học cho rằng, Lý Nghiêm trong chính quyền Thục Hán, có thực lực gần như Gia Cát Lượng, bởi vậy ông ta thấy thế lực của Gia Cát Lượng không ngừng bành trướng, rất lấy làm nghi ngại đã có ý thử xem thái độ của Gia Cát Lượng cũng không biết chừng.
Song Gia Cát Lượng cũng không vội vã chút nào, viết thư trả lời cho Lý Nghiêm với tinh thần nghiêm chỉnh, nguyên văn như sau:

“Tôi với túc hạ biết nhau đã lâu, khá là không có gì không hiểu thấu, túc hạ nói đến chấn hưng đất nước, nhắc nhở về đạo quyền biến, có chỗ còn chưa phải. Tôi vốn là kẻ sĩ hèn mọn ở phương đông, bởi Tiên đế lầm dùng đã được hưởng chức cao, được nhiều ân sủng. Việc thảo phạt chưa thành công, biết rằng chưa báo đáp được gì, thực chẳng dễ so với những hiền thần đời Tề, Tấn. Nếu như đã diệt được Tào Ngụy, phục hưng nhà Hán, được chư vị tiến cử thì “thập tích” cũng xin nhận huống chi là “cửu tích”.
Gia Cát Lượng trong thư thản nhiên bày tỏ, ông và Lý Nghiêm là bạn cũ quen biết lâu ngày. Chẳng nhẽ Lý Nghiêm thực còn chưa hiểu nhau ư? Ông tin rằng đề nghị của Lý Nghiêm là có thiện ý, phải nỗi bởi nhằm tăng cường uy thế của đạo quân bắc phạt, mà chưa phải lúc phân định chính phụ, cho nên mới bày tỏ như vậy để cùng thông cảm.
Cứ như sự bày tỏ khiêm nhường của Gia Cát Lượng, ông ta chỉ là một kẻ sĩ hèn mọn của phương đông (Gia Cát Lượng là người Sơn Đông), bởi được Lưu Bị đề bạt đặc cách, đã ở ngôi quan tước cao nhất (Thừa tướng), bổng lộc hàng vạn quan tiền, song trước mắt còn chưa thảo phạt được quốc tặc (chỉ Tào Ngụy) cũng chưa có thể báo đáp được ân huệ trọng dụng của Lưu Bị, lại tự lấy làm công lao sánh cùng Tề Hoàng Công và Tấn Văn Công, lại muốn được hưởng lộc cửu tích, cách làm như vậy là đánh giá mình quá cao, là rất không hợp với chính đạo, cho nên ông dứt khoát không thể tiếp thu.

Trừ khi cuộc bắc phạt đã thành công thuận lợi, diệt trừ được Tào Ngụy, khiến cho Hoàng Đế được trở về cố hương, được như vậy thì cùng với mọi người thăng quan mới là đúng. Đến khi đó chẳng phải nói là “cửu tích”, đến như “thập tích” (chỉ tước lộc cao hơn) ông ta cũng xin tiếp thu cả mà không từ chối nữa.
Qua lá thư này có thể thấy Gia Cát Lượng thực không vẽ vời, ông ta biểu thị rõ ràng, chẳng phải không đáng được hưởng cửu tích, mà là bởi chưa lập được công lớn, chưa hoàn thành được trách nhiệm cần có, thực tại chưa có tư cách để tiếp thu tước lộc ấy.
Gia Cát Lượng bề ngoài là người cẩn thận, thực ra trong lòng rất có khí chất vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.