Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
2. Tào Chân gần đất xa trời, Tư Mã Ý lại ra trận
Đang lúc khẩn cấp trước mắt như vậy, tư lệnh tây chiến tuyến Tào Ngụy là Đại tư mã Tào Chân lại đang lúc bệnh tình nguy hiểm.
Năm trước, Tào Chân thực hiện hành động quân sự đánh Thục Hán, động dụng số binh lực lớn chưa từng thấy, đến như đội quân Tư Mã Ý đang ở đông chiến tuyến cũng bị điều động. Chẳng may gặp phải mưa lớn suốt hơn 30 ngày, vùng núi Tần Lĩnh suốt ngày mờ hơi nước, quân Tào Ngụy không thuộc địa hình ở đấy rơi vào mê lộ, gần một tháng tiến thoái lưỡng nan, Tào Chân lại nóng vội, tự mình đội mưa gió chỉ huy cầm quân, bởi thế mà bị phong hàn nghiêm trọng. Sau khi về Tràng An, tâm tình vẫn ấm ức không yên, bệnh tình lại càng xấu đi, cho đến mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 9, thì căn bệnh đã không thể khỏi.
Ngụy chủ Tào Tuấn đến tận Tràng An thăm hỏi, Tào Chân biết đã sắp chết bèn tiến cử Tư Mã Ý kế nhiệm.
Bởi Tư Mã Ý và Tào Chân vẫn bất hoà, Tào Chân phải tự tay viết một phong thư khẩn thiết cho người đưa thư đến Tư Mã Ý, trong thư nói: “Chẳng phải Trọng Đạt (tức Tư Mã Ý) chẳng thể cứu được quốc gia”. Yêu cầu Tư Mã Ý làm thay công việc mà mình chưa hoàn thành: Tiêu diệt Thục Hán và Đông Ngô, thống nhất Trung Quốc.
Tư Mã Ý tên chữ là Trọng Đạt, người Hà Nội, hơn Gia Cát Lượng 2 tuổi ở cách Lạc Dương về phía đông bắc 70 cây số.
Gia đình Tư Mã Ý là hào tộc trong vùng, tổ phụ từng làm Thái thú quận Hà Nội. Ở trong nhà thì Tư Mã Ý là thứ hai trong số 8 anh em trai, bởi 8 người con trai này đều có biểu hiện xuất sắc nên trong vùng vẫn gọi là Bát Đạt.
Anh em nhà Tư Mã được giáo dục hoàn thiện, học vấn uyên bác, hơn nữa cũng rất hiểu Phật học. Người anh cả Tư Mã Lãng đã nổi tiếng rất sớm, Đổng Trác năm xưa có ý trọng dụng ông ta. Song Tư Mã Lãng xem Đổng Trác là loạn thần, cự tuyệt yêu cầu, lại dời bỏ gia đình theo Tào Tháo phất cờ nghĩa chống Đổng Trác.
Tư Mã Lãng cá tính hiền lành, khoát đạt, tinh thông công việc, được Tào Tháo cho làm Huyện lệnh ở Thành Cao.
Trong công việc có ân huệ, không dùng roi vọt mà dân không sai phạm, được Tào Tháo rất cảm mến, cho rằng là năng thần trị thế thiên cổ khó thấy. Đáng tiếc khi ông ta theo quân nam chinh Đông Ngô mắc phải dịch bệnh, đang lúc 47 tuổi sung sức mà chết ở trong quân.
Tào Tháo thương tiếc Tư Mã Lãng, tài hoa mất sớm, bởi thế đặc biệt lấy người em là Tư Mã Ý 29 tuổi, cho làm tùy tùng riêng, lại cố ý đề bạt.
Tư Mã Ý thời trẻ với người anh cả rất không giống nhau, song anh em đều chân thành, các bạn hữu thường phê bình Tư Mã Ý khoan hoà với bên ngoài mà xung khắc với bên trong, lại rất quyền biến; cũng tức là nói, ông ta tuy nhiệt tình có khí chất lại cảnh giác hay thay đổi, cũng có một chút xảo trá, rất giống với Tào Tháo khi còn trẻ. Trước đại chiến Quan Độ, Tào Tháo cần nhiều nhân tài, Tư Mã Ý tự nhiên cũng thuộc số đó. Song Tư Mã Ý hoài nghi Tào Tháo chẳng có đủ lực lượng hơn Viên Thiệu, bởi thế không muốn ra làm quan bèn giả vờ mắc bệnh trúng phong không ra làm việc, ngay đến anh cả Tư Mã Lãng cũng cho rằng ông ta bị bệnh thật. Phụ tá nội chính hàng đầu của Tào Tháo là Thôi Đàm, từng nói với Tư Mã Lãng: “Người em thứ hai của ông, trí tuệ và can đảm còn hơn cả ông. Sau này nhất định là tướng tài không sai”.
Song Tư Mã Ý không lâu vẫn là một viên quan về văn học, giúp Tào Phi nghiên cứu học vấn, hai người có quan hệ khá thân thiết, bởi Tào Phi kém Tư Mã Ý 8 tuổi nên đối đãi với ông ta như em đối với anh cả.
Trước đại chiến Hán Trung, Tư Mã Ý từ tuỳ tùng được thăng làm tham mưu quân sự, trong 12 năm ở gần Tào Tháo những năm cuối đời, học được không ít ở Tào Tháo về suy nghĩ ứng biến và đối nhân xử thế.
Trong cuốn Biên niên sử “Tư trị thông giám” Tư Mã Ý đã ra chiến trận với cương vị tham mưu quân sự, khi Tào Tháo chinh phạt đạo quân đạo giáo Hán Trung mà lãnh tụ là Trương Lỗ, sau khi chinh phục được Hán Trung, ông ta lại đề nghị Tào Tháo thừa thắng tấn công Ích Châu, Tào Tháo lại cưòi mà nói với ông ta: “Dục vọng của ngươi thực là vô cùng, sao đã được đất Lũng mà còn muốn cả đất Thục nữa!”.
Năm Kiến An thứ 24, Quan Vũ dùng thủy công đánh bại đại quân Vu Cấm, uy danh vang động Hoa Hạ, Tào Tháo có ý dời Hứa Đô để né tránh, Tư Mã Ý dốc toàn lực khuyên ngăn, lại đề nghị liên hợp với Đông Ngô tập kích phía sau Quan Vũ, chỉ một việc mà giải quyết được áp lực ở Tương Phàn.
Tào Phi lên ngôi hoàng đế, Tư Mã Ý lập tức trở thành nhân vật quan trọng của chính quyền Tào Ngụy, rất được Tào Phi tín nhiệm, khi Tào Phi bệnh tình nghiêm trọng đã lấy Tư Mã Ý cùng với Tào Chân, Tào Hưu và Trần Quần làm đại thần phụ tá để gửi con, còn đặc biệt căn dặn Tào Tuấn, có việc gì đều phải thương lượng với Tư Mã Ý.
Không lâu, Tôn Quyền không ngừng tăng cường quân lực ở Giang Lăng, khiến Phàn Thành và Tương Dương bị áp lực rất lớn. Tào Tuấn bổ nhiệm Tư Mã Ý làm Kiêu kỵ đại tướng quân, kiêm đốc quân hai châu Kinh, Dự, đến đóng quân ở Uyển Thành, để ngăn cản Đông Ngô khuyếch trương thế lực. Chính ở vào giai đoạn này, Mạnh Đạt dự tính khởi nghĩa ở Tân Thành, hưởng ứng cuộc bắc phạt của Gia Cát Lượng, bị hành động hoả tốc của Tư Mã Ý dẹp yên.
Năm Kiến Hưng thứ 8, Tào Chân phát động hành động quân sự thảo phạt Thục Hán, từng giao ước với Tư Mã Ý từ Hán Thủy ngược lên, từ Tây Thành tiến đánh phía đông bồn địa Hán Trung, đấy cũng là lần thứ nhất, Tư Mã Ý giao chiến với Thục Hán. Lại bởi mưa to liên tục hơn một tháng, nước sông Hán Thủy cuộn chảy dữ dội, đội thuyền của Tư Mã Ý vẫn chẳng có đường lên, Tào Tuấn đã phải hạ lệnh rút quân.
Giữa Tào Chân và Tư Mã Ý, tuy ngấm ngầm tranh đấu, thường có xung đột nảy sinh, song hai bên vẫn khá tôn trọng đối phương. Bởi vậy Tào Chân trước lúc lâm chung, đã vì việc công tiến cử Tư Mã Ý thay mình đối đầu với Gia Cát Lượng. Lý do của ông ta là Tôn Quyền lực lượng tuy lớn, song trong điểm việc tự lập làm hoàng đế, về nguyên tắc là tự bảo tồn; Thục Hán tự nhận là người kế thừa chính công của vương triều Thục Hán, bởi thế mưu toan bắc phạt của Gia Cát Lượng rất lớn, không thể không đề phòng cẩn thận. Có thể Tào Chân sớm đã nhìn thấy, bởi thế hệ thứ 2 của họ Tào đến sớm tàn lụi, Tào Tuấn cố nhiên là người hiền tài, song tuổi còn trẻ, thực lực chính quyền họ Tào đã suy yếu, ắt nên dựa vào danh tiếng nhà Tư Mã là thế gia vọng tộc ở vùng Lạc Dương để duy trì sức nắm giữ của chính quyền họ Tào, nên đã hy vọng Tư Mã Ý phối hợp mật thiết với Tào Tuấn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.