Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Vạn sự có đủ, chỉ thiếu gió Đông.



Đối diện với khí thế của quân Tào đang thừa thắng xốc tới, có ưu thế tuyệt đối về binh lực và chiến thuyền, con chủ bài quyết thắng dấu kín trong bụng Chu Du chính là hoả công.

Song vấn đề trọng yếu của hoả công chính là thiên thời, đặc biệt là hướng gió và sức gió. Trên mặt nước Trường Giang thường thấy gió thổi mây bay, sức gió cũng không có vấn đề. Song đêm hôm trước trận đánh Xích Bích, đã tiếp cận thượng tuần tháng 11, địa khu Hoa Trung sớm vào mùa đông, khí lạnh tràn xuống theo hướng tây bắc, cho nên chỉ có gió tây bắc thổi mạnh, đội thuyền rất lớn của Tào Tháo từ đầu nguồn Trường Giang mà xuôi giòng, chiếm thế thượng phong, mà đội thuyền của Đông Ngô lại ở cuối gió nếu như vận dụng hoả công, Chu Du chẳng phải thiêu hủy quân lính của mình ư? Đây cũng là câu chuyện “vạn sự đủ cả chỉ thiếu gió đông” nổi tiếng trong dã sử.
“Tam quổc diễn nghĩa” đã miêu tả Gia Cát Lượng lấy pháp thuật “kỳ môn độn giáp”, mượn gió đông như một chuyện thần thoại, xem như trận hoả công này hoàn toàn là công lao siêu năng lực của ông ta; xét theo quan điểm thực tiễn đấy là chuyện không có cơ sở. Song có không ít sử gia cho rằng, bởi Gia Cát Lượng thấu hiểu thiên văn học và khí tượng học, cho nên có thể dự đoán được sẽ có gió đông nam, đã ghi công đầu cho ông ta, thực ra khả năng này rất ít. Những nhân vật tham mưu cổ xưa, không ít người hiểu được thiên văn và khí tượng học, trong đội quân viễn chinh của Tào Tháo, tất nhiên cũng có chuyên gia về mặt này. Bằng vào những yếu tố thông thường về khí tượng học, muốn lừa được một thiên tài quân sự như Tào Tháo, dứt khoát là chẳng thể được.
Huống chi theo ghi chép của sử liệu, Gia Cát Lượng sinh ở Lang Nha quận (tỉnh Sơn Đông), lớn lên ở Nam Dương (tỉnh Hà Nam), cách Trường Giang mấy nghìn dặm, vào thời ấy giao thông và tin tức còn chưa thuận lợi, Gia Cát Lượng chẳng thể có khả năng thấu hiểu địa hình và tư liệu khí tượng của lưu vực Trường Giang.
Trong cuốn sử Tam quốc chí, phần nói về Chu Du và Hoàng Cái đều có nhắc đến tình tiết gió đông này. Sách Tư trị thông giám cũng ghi rõ rằng: “Lúc ấy gió đông nam thổi mạnh, Hoàng Cái lấy 10 chiếc thuyền nhằm thẳng về phía trước…”
Đối với sự xuất hiện gió đông nam, đều chưa phân tích hoặc giải thích rõ nguyên nhân, xem như chỉ là một biến cố đột xuất mà thôi. Song nếu như đó chỉ là một nhân tố ngẫu nhiên, Chu Du làm sao dám vận dụng chiến thuật hoả công, hơn nữa lại điều động quân mã tự tin như thế, lựa chọn thời gian và không gian định sẵn như thế, với đội quân to lớn của Tào Tháo quyết, đấu một trận sinh tử, trong đó ắt phải có cơ sở.
Đại chiến Xích Bích xảy ra vào năm Kiến An thứ 13, âm lịch là khoảng thời gian từ đêm 22 tháng 11 đên sáng ngày 23. Trong khoảng vài chục ngày trước đó, sử liệu đã ghi về đêm có sương mù ở vùng đó. Tào Tháo bởi không quen thủy chiến, lại phòng bị cẩn thận, đấy là nguyên nhân chủ yếu khiến Tào Tháo hạ lệnh dùng xích sắt tạo thành đoàn thuyền liên hoàn.
Vào lúc sáng sớm mấy hôm đó vùng Xích Bích có sương mù dày đặc trên mặt sông. Sương mù vào lúc sớm như thế, thường báo hiệu một ngày rất nắng. Đêm hôm trước đại chiến Xích Bích (có thể là ngày rằm), Tào Tháo mở yến tiệc trên thuyền để khích lệ tướng sĩ, trong tiệc rượu Tào Tháo cao hứng sáng tác bài “Đoản ca hành”, trong đó có câu thơ “trăng sáng sao thưa, quạ bay về nam”, cho thấy trời quang đãng không một đám mây.
Qua đoạn miêu tả thiên nhiên này, chúng ta có thể phán đoán vào mấy hôm trước đại chiến Xích Bích có thể, trời nắng nóng liên tục, ôn khí bốc lên cao không ít. Lại thêm sông Trường Giang uốn cong ở đấy, gần với vùng hồ lợi Đạm Thủy, kết hợp những nhân tố này dễ phát sinh gió địa hình tạm thời. Lúc này gió mùa tây bắc thổi qua đại lục bởi thế khí ấm nóng bốc lên khiến cho ôn độ ở vùng hồ Đạm Thủy phía đông nam Xích Bích cũng tăng lên không ít. Vùng hồ này khá rộng lớn mặt nước có công năng điều hoà cho nên ôn khí trên mặt hồ thấp hơn với lục địa tây bắc. Theo nguyên lý khí tượng học, khi độ nóng khác biệt, không khí lạnh từ mặt hồ sẽ tràn vào lục địa, đây có thể là nguyên nhân thực sự hình thành nên gió đông nam lúc ấy.

Sau cuộc chiến Xích Bích, bờ bắc Trường Giang bắt đầu có mưa rào, nghĩ rằng đấy là không khí ẩm của vùng hồ khi gặp rừng rậm Ô Lâm, đã hình thành mưa địa hình.
Chu Du vẫn được gọi là “Chu Lang nghển cổ”, trực giác của ông ta rất tốt, khả năng quan sát sắc bén, liên tưởng cũng phong phú đặc biệt. Lại thêm vốn có thói quen sưu tầm tình báo, có thể tin là ông ta sớm đã biết rõ vùng sông Xích Bích vào trung tuần tháng 11, mỗi năm đều có một số ngày trời rất nắng nóng, có ôn độ cao, như thế ắt sẽ sản sinh gió đông nam tạm thời. Hẳn là trên sông Trường Giang cơ hội phát sinh rất lớn mà sức gió cũng rất mạnh. Sách lược mà Chu Du bày ra, tựa hồ được xây dựng dựa theo những điều kiện ấy. Gió địa hình tạm thời này, mỗi lần xuất hiện có thể chỉ thấy ở một hai ngày ngắn ngủi, thậm chí chỉ vài giờ mà thôi, cho nên có một số người không chú ý, mà tư liệu khí tượng cũng không ghi chép, nghĩ rằng lừa dối được một thiên tài quân sự như Tào Tháo bí thuật duy nhất có thể là ở đây.
Sau này khi Hoàng Cái đưa thư trá hàng đến Tào Tháo cũng không chỉ định rõ ngày giờ quay giáo khởi nghĩa. Mà đội quân của Chu Du, khi Tào Tháo bố trí tu bổ đoàn thuyền liên hoàn ở Xích Bích, lại kiên trì chiến thuật phòng thủ, không có hành động tác chiến tích cực, tựa hồ như còn đợi sự xuất hiện của gió đông nam.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.