Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Đời loạn trọng khoan dung, trễ nải cần pháp luật.



Tuy danh nghĩa vẫn là Quân sư tướng quân, sau khi Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương, Gia Cát Lượng trên thực tế đã đảm nhiệm vai trò của tể tướng.

Gia Cát Lượng vừa mềm vừa cứng, đối với Ích Châu lâu nay vẫn buông lỏng pháp lệnh, đặc quyền hoành hành, ởcương vị mới của mình, đã lấy pháp trị mà chẩn đốn mọi mặt.
Ông ta đặc biệt nhấn mạnh trị thực không trị hư, để ứng phó với thực tế phát sinh, tìm kiếm hiệu quả thiết thực.

Vấn đề nghiêm trọng nhất ở Ích Châu là quan lại câu kết với cường hào địa phương, bóc lột trăm họ, nông dân ngày càng mâu thuẫn ác liệt với quan phủ, tuy gọi đấy là xứ sở thần tiên, thực ra của cải giàu có sáng tạo ra đều bị quan lại và cường hào bóc lột, đòi sống nông dân rất khó khăn.

Lưu Yên sở dĩ bổ nhiệm làm Ích Châu mục, là do Thứ sử Khước Kiện trước đó hoành hành tư lợi ở Ích Châu, tạo thành cuộc khởi nghĩa nông dân của Mã Tương và Triệu Chi, tự xưng là hậu duệ của Hoàng Cân. Từng công phá Lạc Huyện, giết Huyện lệnh Lý Thăng và Thứ sử Khước Kiện, chiếm được Thục quận và quận Kiện Vi.
Lưu Yên dựa vào quân bên ngoài và lực lượng cường hào địa phương, dẹp yên được cuộc phản loạn ấy, song vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết, trái lại bởi được cường hào tiếp tay, hiện tượng bóc lột biến tướng càng tăng thêm. Tam quốc chí đã phê bình việc cai trị của cha con Lưu Yên. Lưu Chương là đức chính không nêu, uy hình chẳng đủ. “Pháp Chính truyện” cũng chỉ rõ, Lưu Chương cai trị ở đất Thục, nhiều sĩ đại phu cậy có tiền của, khinh rẻ dân thường, khiến lòng dân rối loạn, kể đến 8 phần 10.
Để triệt để cải tiến tình hình ấy, Gia Cát lượng thi hành sách lược pháp lý cứng rắn, có kết hợp với luật lệ khoan hoà. Đấy là thi hành pháp trị, hạn chế và đả kích quan lại và cường hào chuyên quyền tư lợi, điều lệ khoan hoà để nỗ lực giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất.
Bởi Gia Cát Lượng đả kích đặc quyền không kể mặt, khiến quan lại Ích Châu không cảm thấy dễ chịu, họ bắt đầu chỉ trích Gia Cát Lượng dùng hình pháp nghiêm khắc mà không mở mang ân đức, rối rít yêu cầu ông ta nới lỏng hình luật. Được phái làm đại biểu trao đổi với Gia Cát Lượng lại là lão thần Pháp Chính rất được Lưu Bị kính trọng.
Pháp Chính đương thời đã là Thái thú Thục quận, cũng là người đứng đầu giới cường hào ở Thành Đô, ông ta nói với Gia Cát Lượng rằng: “Khi xưa Hán Cao tổ vào Quan Trung, xoá bỏ pháp lệnh hà khắc của nước Tần, rút gọn luật pháp còn ba chương, giảm nhẹ hình luật. Trăm họ ở Quan Trung, không thể không cảm tạ ân đức của ông ấy. Nay chúng ta mới dùng võ lực chiếm được Ích Châu, còn chưa rủ ân đức với địa phương, đã sớm lạm dụng uy quyền tăng thêm áp chế, phải chăng như thế là xứng đáng? Hy vọng việc thi hành chính sách sau này, sẽ giảm nhẹ hình luật để tranh thủ sự giúp đỡ và niềm tin của các nhân sĩ địa phương với chúng ta”.
Gia Cát Lượng lại cười mà đáp rằng: “Tiên sinh chỉ biết một mà không biết hai, nước Tần lấy chính sách bạo ngược mà bức hiếp dân lành khiến mọi người không thể không tạo phản, Hán Cao tổ muốn giải chứng bệnh ấy, lấy chính sách giảm nhẹ hình phạt, như vậy là đúng.
Nhưng tình hình Ích Châu thì khác hẳn, Lưu Chương nhu nhược, chẳng có năng lực khống chế quan lại và cường hào, kể từ Lưu Yên đến nay, đức chính không nêu, uy hình không đủ, từ cường hào địa phương đến quan lại triều đình, thảy đều lộng hành, ham muốn, đạo quân thần dần dần bị phá hoại. Đối với giới đặc quyền hung hãn ấy, Lưu Chương trong quá khứ vẫn sủng ái họ, lại cho họ những chức tước cao, quan chức đã cao họ lại không biết là đáng quý mà thuận với mọi người, mở mang ân huệ; khi giầu sang đến tột đỉnh, họ lại khinh mạn vô lễ, đấy mới là chứng bệnh tệ hại trước mắt của Ích Châu.
Hiện nay chúng ta lập uy ở pháp luật, để sau khi pháp luật thi hành, mọi người mới biết thế nào là ân đức; hạn chế tước vị, để sau khi có thêm tước vị, mọi người mới cảm thấy sự tôn vinh của tước vị; hình pháp và ân huệ dựa lẫn nhau, có trật tự trên dưới, thì chính trị mới được trong sáng”.
Nước Tần lấy chủ nghĩa khủng bố quân sự để hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ, lại cũng sản sinh không ít thù hận với chư hầu, bởi áp chế sự phản kháng, nên phải lấy hình pháp nghiêm ngặt mà khống chế. Gia Cát Lượng cho rằng, nước Tần lúc bấy giờ quyền lực không được tôn trọng, lại tăng cường áp chế, bởi thế dẫn đến đại bại. Điều hành một quốc gia như vậy, điều quan trọng nhất là tranh thủ hoà hợp, để quyền lực được thừa nhận thêm nhiều, cho nên Hán Cao tổ đã lấy thái độ khoan hoà để bao dung được càng nhiều.

Song tình hình Ích Châu không giống như thế, chính quyền Lưu Chương sao nhãng chính sự, nước Thục pháp lệnh không rõ ràng, bởi thế mà quyền lực không được tôn trọng, quan lại chấp hành thì quen lười biếng, thành ra đặc quyền hoành hành, quyền lực không tỏ rõ, trăm họ lại càng bị bóc lột, bởi thế ắt phải dùng hình luật nghiêm ngặt để chỉnh đốn hành vi của quan lại, để khiến tập uy tín của quyền lực. Nghiêm chỉnh mà nói, tình thế thiên hạ khi Hán Cao tổ vào Quan Trung là đời loạn, thời thế Ích Châu khi Gia Cát Lượng vào Thục là trễ nải chính sự. Mà đã trễ nải thì quyền lực không được tôn trọng, quan lại lười biếng, dân chúng xem thường pháp luật nên phải lấy điều luật để chỉnh đốn. Đời loạn thì quyền lực không được mọi người thừa nhận, đây đó lập trường khác nhau tranh giành không thôi, điều quan trọng nhất lúc ấy là sách lược khoan dung để tranh thủ hoà hợp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.