Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Hổ phụ lân nhi, sinh con phải như Tôn Trọng Mưu



Xuất phát bởi cơ sở mà cha anh để lại, tài năng chính trị của Tôn Quyền còn cao hơn tài năng quân sự của Tôn Kiên. Hậu duệ của hai thần tượng quân sự này ở chiến trường vẫn có phương bí truyền độc đáo của ông ta. Sau này, Tôn Quyền với Tào Tháo đối trận ở Hợp Phì, Tào Tháo sau khi xem xét kỹ bố cục bầy trận của Tôn Quyền, đã phải cảm khái mà than rằng: “Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu” (chỉ Tôn Quyền).

Giang Biểu truyện có chép: “Tôn Quyền lúc nhỏ, dáng cao, cằm vuông mồm rộng, mắt sáng giống Tôn Kiên, có quý tướng. Tôn Sách khi sáng nghiệp ở Giang Đông, Tôn Quyền mới 15 tuổi, đã có tiếng tăm ở huyện Dương Tiêm, trông coi việc hiếu liêm, tiến cử hiền tài, làm Phụng Nghi hiệu úy, vẫn thường ở bên Tôn Sách, Tôn Quyền cá tính khoan dung, sáng suốt và có nghị lực, người bấy giờ gọi là “nhân ái mà quyết đoán”, lại thêm khảng khải chẳng đếm xỉa tiền tài, biết chiêu hiền đãi sĩ, theo gót được cha anh. Tôn Sách mỗi lần có việc trao đổi, Tôn Quyền đều đối đáp lưu loát, đến cả Tôn Sách cũng cho là lạ, tự xem là không bằng”.
Tam quốc chí có chép: “Khi Tôn Sách dâng biểu trung thành lên triều đình, Hán Hiến đế có sai sứ giả Lưu Uyên đến phong chức quyền; Lưu Uyên là người giỏi xem tướng, khi nhìn thấy Tôn Quyền, bèn nói với người xung quanh rằng: “Ta thấy anh em họ Tôn đều có tài khác thường, song chỉ sợ không thọ được lâu, chỉ có Tôn Quyền, hình dáng khôi ngô, khí chất mạnh mẽ, có tướng đại quý, tuổi thọ lại rất cao, các người hãy nhớ lời ta nói ngày hôm nay mà ngẫm xem”.
Tôn Sách từ trần, Tôn Quyền mới 22 tuổi đã tiếp quản làm lãnh tụ đoàn quân Giang Đông; bởi anh ta chưa có kinh nghiệm tự mình lãnh đạo các thủ lĩnh quân đoàn Giang Đông đều có vẻ nghi ngờ, không an tâm.

Theo đề nghị của Trương Chiêu, Tôn Quyền tự mình phi ngựa tuần tra các quân đoàn, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, quả nhiên mau chóng bình ổn sự dao động trong các quân đoàn. Tào Tháo sau khi nghe tin Tôn Quyền đã kế vị Tôn Sách, qua tin tình báo biết được tài cán của Tôn Quyển, lập tức dâng biểu lên triều đình tiến cử Tôn Quyền làm Thảo lỗ tướng quân kiêm Thái thú Cối Kê, đóng đồn ở Ngô quận; Bởi được triều đình công khai bày tỏ sự giúp đỡ tích cực, tình thế chính trị ở Giang Đông chuyển nguy thành an.
Tôn Quyền sau khi nắm quyền, lấy lễ thầy trò đáp lại Trương Chiêu. Trương Chiêu cá tính rắn rỏi ưa nói thẳng, bác học quảng vấn rất có tài lại trung thành, là một cố vấn riêng rất giỏi, về quân sự, Tôn Quyền đưa Trình Phổ, Chu Du, Lã Phàm làm tướng lĩnh quân khu, đóng đồn ở các nơi hiểm yếu. Ông xuống lệnh tạm thời đình chỉ tất cả các hành động khuyếch trương lấy ổn định nội bộ làm chính, lại chiêu hiền đãi sĩ, coi Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn khách dưới trướng, thể hiện rõ tính tích cực sửa sang; về phát triển chính trị và kinh tế còn hơn Tôn Sách.
Lỗ Túc tên chữ là Tử Kính người Lâm Hoài, lớn lên đã mồ côi bố, ở với bà nội, trong nhà có rất nhiều tiền, song Lỗ Túc là người có chí lớn, không lo việc trong nhà, tính khảng khái thích ban ơn. Ông thấy thiên hạ sẽ loạn lạc bèn phân phát hầu hết tài sản trong nhà, mua lấy ruộng đất, giúp đỡ những thiếu niên bần hàn, cho cơm ăn áo mặc, lại thêm tổ chức họ lại giảng võ tập binh, nghiễm nhiên tổ chức ra một đội quân riêng. Chu Du lúc mới lớn lên thiếu thốn cả cái ăn, nhờ có người mách bảo tìm đên Lỗ Túc vay gạo; Lỗ Túc lúc ấy trong nhà có 2 kho gạo lớn, mỗi kho có 3 nghìn hộc gạo; Lỗ Túc chỉ vào một kho, bảo Chu Du mang đi mà dùng. Chu Du từ một kẻ nghèo hèn trở thành một kẻ phong lưu lỗi lạc đều bởi sự khảng khái ít thấy của ông ta. Tam quốc chí có viết: “Chu Du thấy việc kỳ lạ, liên kết thân với Lỗ Túc”. Không lâu, lại được Lỗ Túc tiến cử với Tôn Quyền.

Cũng giống như “Long Trung Sách” của Gia Cát Lượng, Lỗ Túc khi mới gặp Tôn Quyền cũng đề ra kế sách “Dựng đỉnh ở Giang Đông, đứng nhìn thiên hạ tranh giành, tiễu trừ Hoàng Tổ, tiến đánh Lưu Biểu, chiếm cứ suốt một dải Trường Giang, sau này lập nghiệp đế vương thâu tóm cả thiên hạ”. Tôn Quyền nghe nói, phi thường cao hứng, ngoài mặt tuy không tỏ vẻ tranh bá thiên hạ song trong bụng thì coi Lỗ Túc là tri kỷ.
Tam quốc diễn nghĩa đã miêu tả Lỗ Túc như một người thực thà, nhu nhược không có chủ kiến; thực ra Lỗ Túc có cá tính cao ngạo, văn vũ toàn tài, giầu mực lược, có tầm nhìn xa trông rộng, là một nhà quân sự, một nhà chính trị ưu tú phi thường. Dẫu rằng Trương Chiêu cùng các cựu thần Giang Đông rất không thích, Lỗ Túc một mình bài bác lại số đông thường nói xấu ông ta, song Tôn Quyền rất biết Lỗ Túc là bậc qui hoạch kỳ tài, hiểu biết sâu sắc, thường công khai mọi việc, đặc biệt xem trọng và khen ngợi với Lỗ Túc.
Gia Cát Cẩn tên chữ là Tử Du, là anh cả cùng mẹ với Gia Cát Lượng, là người cẩn thận trung thực, tài hoa ẩn chứa. Chỉ có anh rể của Tôn Quyền hiểu rõ, tiến cử ông với Tôn Quyền; Tôn Quyền coi là tân khách trong số các quan viên văn võ ở Giang Đông, cũng chỉ có Gia Cát Cẩn và Lỗ Túc hiểu nhau hơn cả, hai người kết làm tri kỷ.
Năm Kiến An thứ 8, Tôn Quyền sau khi được bổ nhiệm, ra quân lần đầu, đánh chiếm Hà Khẩu của Hoàng Tổ, nói là báo thù cho cha, thực ra ít nhiều cũng là hành động bước đầu trong chiến lược của Lỗ Túc. Tuy lần này chưa có thành quả cụ thề gì, song ở hành động quân sự đó, Tôn Quyền đã chính thức cất nhắc các doanh tướng bậc hai của Giang Đông như Thái Sử Từ, Lã Mông, Chu Thái, tiến thêm một bước tăng cường thực lực quân sự cho chính quyền họ Tôn.
Năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền lại tiến đánh Hà Khẩu, lần này Lỗ Túc vận dụng mưu lược trước tiên, xúi giục không ít quân sĩ và cư dân ở Giang Hạ chống lại Hoàng Tổ, khiến đội quân Hoàng Tổ đang trụ giữ ở Kinh Châu, tại tuyến đầu gặp phải sự đả kích nghiêm trọng. Năm sau Tôn Quyền lại phái Lã Mông, Lăng Thống, Đổng Tập, những tướng lĩnh trẻ tuổi của Giang Đông tinh nhuệ và hăng hái, lại tiến đánh Hà Khẩu. Hoàng Tổ không dám chống đỡ, trong lúc rút chạy bị quân địch đuổi theo chém chết, đội quân Giang Hạ nức tiếng một thòi bởi thế mà tan rã cả. Song Tôn Quyền cho rằng quân Giang Đông vẫn không đủ thực lực để trường kỳ đối kháng với quân Kinh Châu hùng mạnh, sau khi chém chết Hoàng Tổ ở Nam Hải để trả thù cho cha, bèn đưa quân sĩ chủ lực rút về Sài Tang, tạm đóng đồn ở đấy.

Lưu Biểu vẫn không thích việc chiến sự, lại đang có vấn đề sức khoẻ và việc tranh giành quyền bính nội bộ làm đau đầu, đối với cuộc chiến ở Giang Hạ cũng không nghĩ đến và truy cứu nữa. Bởi thế ông ta chỉ phái người con trưởng là Lưu Kỳ làm Thái thú Giang Hạ, sớm đến Hạ Khẩu chiêu phủ quân dân mới vừa qua cảnh nước sôi lửa bỏng, lại đổi mới công việc phòng thủ, xây dựng quan hệ hoà bình với chính quyền Giang Đông. Lưu Kỳ cá tính khoan hậu mà nhu nhược lại thích hợp xử lý công việc này khiến chiến tuyến Giang Hạ tạm thời khôi phục lại trạng thái hoà bình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.