Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Loạn quân tan rã dần dần, Ung Khải, Cao Định tử nạn



Đạo quân Mã Trung tấn công Tang Ca, theo đường Quí Châu nhằm hướng nam thảo phạt loạn quân Chu Bao. Cũng có thể sớm dự liệu từ sự kiện Thường Phòng, chính sách vỗ yên của Gia Cát Lượng đạt được kết quả, những bộ tộc vùng Tang Ca cơ hồ hoàn toàn quay về lại với triều đình, Chu Bao chưa đánh đã chạy. Mã Trung theo kế sách của Gia Cát Lượng, thi hành ân huệ với dân ở đấy, tiêp tục triển khai công việc vỗ yên.

Việc tấn công quận Ích Châu của Lý Khôi khá thuận lợi, Man tộc ở vùng Côn Minh, Vân Nam quay giáo, cũng mau chóng ổn định được tình hình ở đấy.

Chiến trường chủ yếu là đạo quân phía tây của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng từ Nghi Thực vượt qua Trường Giang, qua An Thượng từ phía tây tiến vào quận Việt Huề, dưới sự truy bức của đại quân, Di Vương, Cao Định đang bao vây Vĩnh Xương, phải lập tức rút quân, để củng cố bố phòng ở Mao Ngưu, Định Tạc, Ti Thủy.
Gia Cát Lượng tiến quân đến gần vùng Ti Thủy, hạ lệnh đóng quân ở nơi hiểm trở, tạm thời không phát động, chỉ tăng cường áp lực về tinh thần với Cao Định.
Cứ như chiến thuật của Gia Cát Lượng, vậy là hy vọng Cao Định sẽ sợ hãi, mà tập kết quân làm phản của mình ở đây, sẽ có thể tiến hành giao chiến trừng phạt gọn.
Cao Định quả nhiên trúng kế, ông ta chẳng những dốc toàn lực tập kết những bộ lạc của mình, lại còn phái người khẩn cấp đưa tin cho Ung Khải và Mạnh Hoạch để mau chóng mang quân đến chi viện. Đương khi Ung Khải chuẩn bị xuất quân, lại nhận được tin tức Chu Bao bại trận, quân Thục đã chiếm đượcTang Ca, hơn nữa phần lớn quận Ích Châu đã đầu hàng quân Lý Khôi.
Ung Khải cho rằng tình hình đã nghiêm trọng, bèn tạm thời khéo léo cự tuyệt yêu cầu của Cao Định, sau khi cùng với Mạnh Hoạch tăng cường phòng bị mọi mặt ở quận Ích Châu, sẽ lại chấn chỉnh quân ngũ theo đường Điền Đông đến chi viện cho Cao Định.
Song bởi Ung Khải chậm trễ không xuất binh, khiến Cao Định đối với ông ta rất nghi ngờ, hơn nữa những tù trưởng bộ lạc dưới trướng Cao Định đối với Ung Khải rất phẫn nộ, bởi thế đương khi Ung Khải mới đến đây, bỗng chốc lại bị thuộc hạ Cao Định giết đi.
Sau khi Ung Khải chết, những kẻ đi theo cũng lập tức huyên náo với Cao Định, rồi theo Mạnh Hoạch nhằm hướng nam chạy đến quận Ích Châu.
Nhìn thấy quân phản loạn đang bị tan rã, Gia Cát Lượng lập tức xuất binh, đánh chiếm thành lũy của Cao Định, do binh lực Man tộc suy yếu, lập tức đổ vỡ như núi sụt lở. Quân Thục thừa kế đánh phá đại bản doanh Cao Định, bắt được vợ con của Cao Định mang theo.
Gia Cát Lượng có ý dừng tấn công để phái người đến khuyên Cao Định đầu hàng. Chẳng ngờ Cao Định lại đùng đùng nổi giận, bèn tập kết hơn hai nghìn quân cảm tử, chủ động tập kích quân chủ lực của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng cả giận, phát động cuộc chiến tiêu diệt. Quân lính của Cao Định bị đánh bại, Cao Định bị chết ngay tại trận, quân Việt Huề đến đây đã hoàn toàn được thu phục. Tàn dư của Ung Khải theo Mạnh Hoạch chạy về quận Ích Châu cùng kết hợp với những bộ lạc ở phía nam có thù hận lâu đời với người Hán, chuẩn bị cuộc đối kháng cuối cùng với đội quân nam chinh của Gia Cát Lượng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.