Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Đời loạn trọng khoan dung, đời bình trọng sách vở.



Cứ theo bình luận của Trần Thọ, Gia Cát Lượng đã có những thành công rất lớn, đáng kể là giai đoạn thứ hai, với vai trò một chính trị gia nổi tiếng. Khi đã có địa bàn của mình (3 quận Kinh Châu mượn của Tôn Quyền) Gia Cát Lượng đã dốc tâm điều hành công việc quản lý. Sách Tư trị thông giám có ghi rằng: “Gia Cát Lượng phụ tá Lưu Bị cai quản đất Thục pháp lệnh rất nghiêm, tầng lớp thế gia quan liêu đặc quyền ở Ích Châu chịu không nổi thường vẫn oán thán”.

Một nhân vật tiêu biểu cho giới quyền quý cũng là một công thần của Lưu Bị khi vào Thục là Pháp Chính bèn khuyên Gia Cát Lượng rằng: “Cứ như Lưu Bang – Hán cao tổ xưa sau khi vào được Quan Trung phế bỏ pháp lệnh của đời Tần chỉ còn giữ lại ba chương quy định khiến cho dân Tần rất cảm kích bởi đức độ khoan dung. Nay tướng quân được ủy thác cai quản cả Ích Châu, trông coi quốc sự nên vỗ yên dân chúng, thi hành pháp luật nghiêm minh, theo kế phản khách ví chủ tướng chẳng nên làm ư? Hy vọng ông sẽ khoan dung hình phạt, nhẹ bớt lệnh cấm, để hợp với mong mỏi của dân đất Thục”. Gia Cát Lượng đáp rằng: “Tiên sinh chỉ biết một mà không biết hai, nước Tần thi hành chế độ hà khắc dẫn đến dân tình oán hận, nơi nơi phản loạn, thiên hạ bởi thế đất lở ngói vỡ. Lưu Chương vốn nhu nhược lại cố chấp nên chính trị ở đất Thục không phát huy được, chẳng nêu đức độ, hình phạt chẳng đủ, tầng lớp quan liêu thế tộc thừa cơ giành độc quyền, đạo quân – thần chẳng rõ ràng, nền luân lý xã hội cũng tan mất cả. Thực ra, đối với những kẻ quan liêu có đặc quyền này, nếu được sủng ái thái quá, lại làm cho họ không nghĩ đến trọng danh vị, lơi là trách nhiệm. Nếu ban ơn cho họ sau này ân huệ ít đi, họ sẽ oán thán, lại làm khó cho việc thực thi pháp lệnh của chính phủ. Nay ở đất Thục chứng bệnh lớn là ở đấy, nên ta mới nêu cao chánh pháp, để pháp lệnh có thể phát huy hiệu quả khiến nhân dân được bảo vệ chu đáo. Nếu hạn chế quyền thế của bọn quan liêu thế tộc, khiến họ phải gìn giữ tốt vị trí của mình. Như thế, làm quân, làm thần, làm dân đều phải có bổn phận, trên dưới có tiếp chế mới có thể khiến được người, cảm thụ được ân huệ của chính phủ”.

Những lời này đã phân tích thấu triệt về việc vận dụng quyền lực trong xã hội. Vấn đề của nưóc Tần là pháp lệnh hà khắc, không hợp với hoàn cảnh hiện tại, nếu không nhận thức đúng, vấn đề quyền lực xã hội sẽ hỗn loạn trật tự. Vấn đề điều hành quốc gia, một điều rất quan trọng là sự nhận thức chung, để mọi người cùng thừa nhận vai trò quyền lực, vậy nên chính sách bao dung của Lưu Bang lại không phù hợp ở chỗ này hay chỗ khác.
Với tình hình ở Ích Châu lúc ấy, Lưu Chương làm đổ vỡ chính sự, quyền lực không được tôn trọng, bọn quan liêu chấp pháp lười nhác hoành hành đặc quyền, pháp lệnh rối ren. Ở đây Gia Cát Lượng tất nhiên sẽ chú trọng sự nghiêm minh của hình pháp, đấy là nguyên nhân chủ yếu để đề cao uy tín của quyền lực.
Nghiêm chỉnh mà nói xã hội đời Tần là loạn lạc, còn đất Thục mà Lưu Chương cai quản là một xã hội bê trễ. Loạn lạc thì quyền lực không được nhận thức đúng, đây dó tranh chấp liên tục không thôi, lúc này tự nhiên rất cần một chính sách bao dung. Còn xã hội bê trễ thì quyền lực không được coi trọng, thấy rõ mà làm trái, quan liêu lười nhác, dân chúng làm liều, như thế ắt phải chỉnh đốn lại bằng pháp luật nghiêm minh. Bởi vậy, nguyên tắc để vận dụng quyền lực một cách chính xác, đó là: “đời loạn trọng khoan dung, bê trễ trọng điều luật”.

Thực ra, không thừa nhận và không tôn trọng quyền lực là vấn đề thường tồn tại. Đối với người cầm quyền, rất nên hiểu rõ chỗ nào thì cần khoan dung, chỗ nào thì cần dùng luật. Về phương diện này mà nói, Gia Cát Lượng đã lý giải rõ ràng với Pháp Chính vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.