Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
4. Lưu Bị tấn công chính trị, Lưu Chương vứt bỏ đề kháng
Lưu Bị tuy rất nhớ tiếc Bàng Thống bỏ mình giữa trận, song ông vần rất bình tĩnh nghĩ cách dùng thủ đoạn chính trị, khuyên nhủ Lưu Chương đầu hàng, để tránh tạo thành thù hận sâu sắc giữa hai bên, đôi với việc thống trị Ích Châu sau này, sẽ không có lợi.
Bởi thế theo đề nghị của Pháp Chính, đầu tiên là Pháp Chính sẽ tự mình viết một lá thư gửi cho Lưu Chương, ngoài việc nói rõ tình thế cho Lưu Chương, còn chân thành khuyên Lưu Chương sớm đầu hàng, lá thư viết:
“Pháp Chính tuy thiếu năng lực, song đã nhận nhiệm vụ ký hiệp ước với Lưu Kinh Châu, cố gắng không để nhục sứ mệnh, hoàn thành nhiệm vụ. Song sợ tướng quân và xung quanh không hiểu rõ gốc ngọn, lại đổ lỗi nguyên nhân thất bại lần này cho Pháp Chính khiến tôi chịu nhục không đâu, lại còn tổn hại đến nhiệm vụ đã làm. Nay sự tình đã rơi vào hỗn loạn, phải đình tạm ở trong trại Lưu Kinh Châu, tiếp tục giao thiệp, chưa thể trở về Thành Đô để báo cáo lại với tướng quân.
Cũng bởi như vậy có không ít lời nói gièm, công kích thân phận của thần, khiến tướng quân không hiểu Pháp Chính, mà thần cũng rất băn khoăn… Nay trong nước nguy cấp, tai họa đã ở ngay trước mắt, thân đang tại ngoại, chẳng đủ để tướng quân tín nhiệm, song vẫn muốn bày tỏ không cùng tấm lòng trung của mình…
Ý định của tướng quân mời Lưu Kinh Châu, Pháp Chính cũng đã biết rõ, cũng là nguyên nhân chính để Pháp Chính tiếp tục ở lại bên cạnh Lưu Kinh Châu, cố gắng suy nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ. Song nay tình hình lại diễn biến nhùng nhằng như thế chủ yếu là những thuộc hạ của tướng quân không hiểu lẽ anh hùng tòng quyền, suy nghĩ không ra, có cái nhìn sai lầm trước tình hình, dẫn đên việc binh nhung chẳng thu được kết quả gì… Nay quân chủ lực của Ích Châu đã bị đánh tan, còn lại được hơn một vạn quân, thực ra ý chí chiến đấu đều đã mất. Trái lại quân chủ lực Lưu Kinh Châu sau khi chiêm được Lạc Thành, giành được rất nhiều lương thực xe cộ, cũng có được ưu thế tuyệt đối, mà tướng quân thì đất đai mỗi ngày thêm mất, trăm họ mỗi ngày thêm khốn đốn… Cho rằng phải kiên quyết, nghĩ việc cố thủ, sẽ không được lâu vậy.
Quân của Trương Dực Đức (Trương Phi) có vài vạn người, đã bình định được Ba Đông, Triệu Vân lại từ Kiện Vi đánh vào, cùng với Tư Trung, Đức Dương ba đường cùng tiến, tướng quân sẽ liệu định thế nào.
Nay Ích Châu có ba phần thì hai phần đất đai đã bị chiếm, tuy vẫn giữ được Thục Quận và Thành Đô, thực ra nhân dân mỏi mệt khốn khổ, nghĩ rằng có đến 8 phần 10, khiến chưa thấy kẻ địch tiến vào mà trăm họ đã chẳng thể chịu nổi, chỉ cần quân Lưu Dự Châu đánh thêm vào, ắt sẽ chỉ trong một ngày đã theo về… ấy là thế còn mất, đã thấy rõ ràng vậy.
Cứ theo ngu ý của Pháp Chính, cũng còn biết sự việc đã hỏng, huống chi tướng quân xung quanh còn có nhiều bậc trí giả cao minh, thế mà không thấy rõ ư?
Nghĩ rằng những trọng thần bên cạnh tướng quân, lúc bình thường chỉ biết giành lấy ân sủng, ra sức nịnh hót mà không đứng ra bầy vẽ cho tướng quân, lại chưa từng tận tâm hiến kế sách. Nay sự đã bức bách, các thuộc hạ tự tìm đường sống, giữ gìn sự an toàn cho riêng mình, tin rằng cũng không thể liều chết vì tướng quân.
Pháp Chính tuy bị phỉ báng là bất trung, vẫn vắt óc tự hỏi, vẫn không phụ lại tình nghĩa của tướng quân. Bây giờ kết quả như vậy, thực ra Pháp Chính cũng rất khổ tâm. Tả tướng quân Lưu Bị đã giành được ưu thế tuyệt đối, song đối với tướng quân vẫn giữ tình cảm ngày nào, chẳng muốn tướng quân phải khó xử. Bởi thế kẻ ngu này muốn tướng quân hiểu được lẽ quyền biến, để giữ được tính mệnh và sự tôn nghiêm của dòng họ”.
Lá thư của Pháp Chính có lời lẽ binh vận, được viết ra khá sắc xảo, rõ ràng cho thấy ông ta tuy vẫn chưa được Lưu Chương trọng dụng, song đối với cá tính của Lưu Chương thì khá thấu hiểu, nghĩ rằng tài cán ấy không thể không được Lưu Chương trọng dụng, chẳng qua bởi ông ta kiên trì giữ nguyên tắc của mình, mà không phụ theo vậy.
Khi Lưu Bị từ Phù Thành xuống đánh Lạc Thành, Trịnh Độ là tham mưu dưới trướng của Lưu Chương có nói: “Tả tướng quân Lưu Bị dẫn quân đánh chúng ta, song binh lực không đầy vạn người, lòng quân không yên định. Bởi thế về việc phòng thủ, không gì bằng đưa dân ở Ba Tây, Tử Đồng chuyển về phía tây Phù Thủy, lại thiêu hủy những kho lương ở đấy, lấy thành cao hào sâu, lấy tĩnh mà chế động. Khi quân địch đến, chớ vội giao chiến, đợi một thời gian lâu, họ thiếu thốn lương thực, không đến trăm ngày ắt phải rút quân, đến lúc ấy ta sẽ truy kích, nhất định sẽ giành được đại thắng”.
Có thể nói chiến thuật ấy đối với quân viễn chinh của Lưu Bị, sẽ gây khó khăn nghiêm trọng, bởi thế nghe được tin đó, cả Lưu Bị lẫn Bàng Thống đều rất lo lắng, Pháp Chính lại bình tĩnh nói rằng: “Chẳng cần bận tâm, Lưu Chương là người không dám dùng kế sách ấy”.
Quả nhiên không bao lâu, Lưu Chương đã không nghe theo kế hoạch của Trịnh Độ. Ông ta nói: “Ta chỉ nghe nói đến kế an dân cự địch, chưa từng nghe nói đên kế làm phiền dân để đánh địch”.
Từ đấy có thể thấy Pháp Chính khá thấu hiểu cá tính và thái độ của Lưu Chương, lá thư chiêu hàng do ông ta viết ra, nghĩ rằng ắt có hiệu quả tâm lý khá lớn với Lưu Chương. Hơn nữa, những bầy tôi ở Thành Đô, cũng có không ít người có tâm lý đầu cơ chủ nghĩa, dứt khoát sẽ không vì Lưu Chương mà tận trung đến chết.
Đương khi quân Lưu Bị đột phá phòng tuyến Lạc Thành theo phía bắc tiến sát Thành Đô, Thái thú Thục quận là Hứa Tĩnh bèn dự định mở cửa thành đầu hàng may mà quân giữ thành phát hiện được, ngăn cản hành động binh biến ấy Lưu Chương nhìn thấy địa thế đã mất, sự nguy vong đang đến gần, lại thêm Hứa Tĩnh rất có danh tiếng, nên chưa biết phải xử trí Hứa Tĩnh thế nào.
Lưu Chương sau khi nhận được thư khuyên hàng của Pháp Chính, do dự không quyết, lúc ấy lại phát sinh một cuộc binh biến.
Tuy Lưu Chương không ưa gì Trương Lỗ, đương khi quân Kinh Châu vây khốn Thành Đô, Lưu Chương lại nhớ đến phụ thân Lưu Yên từng có ân huệ với Trương Lỗ, lại nhờ Trương Lỗ giúp đỡ. Trương Lỗ bèn phái Mã Siêu, một tướng lĩnh quân Quan Trung mới theo về không lâu, dẫn một đạo quân tiếp viện đên tiếp ứng.
Chẳng ngờ, Lưu Bị lại nhanh hơn một bước, khi trận đánh Lạc Thành đang gay go, từng phái Lý Khôi đến Hán Trung liên hệ với Mã Siêu, mong Mã Siêu cùng liên minh với Lưu Bị. Bởi Lưu Bị là chỗ thân tình với Mã Đằng, phụ thân của Mã Siêu, lại thêm Mã Siêu sau khi vào Hán Trung, Trương Lỗ vẫn lãnh đạm với anh ta, khiến Mã Siêu có tâm lý bất mãn.
Vì thế khi Lý Khôi đến thuyết phục, Mã Siêu không được trọng dụng đã mau chóng ngả về phía Lưu Bị, trao mật thư hẹn sẽ theo về với Lưu Bị. Chẳng ngờ Trương Lỗ lại phái anh ta đến chi viện cho Lưu Chương, Gia Cát Lượng bèn đề nghị Lưu Bị tạm thời dấu kín tin tức này, lại ngầm phái một đội quân cho Mã Siêu chỉ huy, bảo anh ta xuất kỳ bất ý dùng quân mới để khống chế lại quân Hán Trung tiếp viện, cùng hội quân với Lưu Bị ở Thành Đô.
Quả nhiên đương khi Mã Siêu uy phong lẫm liệt dẫn đại quân đến phía tây bắc Thành Đô, Lưu Chương vẫn cho là quân tiếp viện kéo đến, rất đỗi vui mừng lập tức cho sứ giả mạo hiểm phá vòng vây đến liên hệ với Mã Siêu. Ngờ đâu Mã Siêu chẳng những không phải là viện binh, lại là quân của Lưu Bị, ngay lúc này nẩy sinh sự tác động tâm lý rất lớn, là một đòn đánh không nhẹ cân với Lưu Chương. Quân dân trong thành nghe nói mãnh tướng sốmột của Tây Lương là Mã Siêu đã theo về với Lưu Bị, đều hết sức hoang mang, ý chí chiến đấu cơ hồ đã mất cả.
Lưu Bị đợi đến lúc ấy, lại phái lão thần Giản Ung giỏi ăn nói đến yết kiến Lưu Chương, Lưu Chương thấy đại thế đã mất, định mở cửa thành đầu hàng.
Đại thần Đổng Hòa khuyên rằng: “Thành Đô còn ba vạn tinh binh, lương thực, ngựa xe đủ dùng một năm sao đã vội đầu hàng”. Trưởng lão Hoàng Quyền, Lưu Ba cũng cho rằng dân tâm sĩ khí vẫn còn nên tận lực mà chiến đấu.
Lưu Chương lại than rằng: “Hai cha con ta đã ở Ích Châu 20 năm, vẫn không tăng thêm ân đức cho bách tính, hiện nay lại bắt quân dân Ích Châu phải chinh chiến suốt ba năm, tin rằng họ đã rất khốn khổ, nếu cứ kéo dài mãi như vậy, ta sao nỡ nhẫn tâm?”.
Các đại thần Ích Châu nghe vậy cũng không khỏi rơi lệ, Lưu Chương bèn cùng Giản Ung ra ngoài thành, cùng ngồi một cỗ xe, đến hội kiến Lưu Bị.
Lưu Bị thấy Lưu Chương đến, lại nhớ chuyện cũ, Bàng Thống khi còn sống đã có lời khuyên: “Nghịch mà thuận vậy, chiếm lấy là thuận với nghĩa lý”. Ông ta nói: “Chẳng phải ta không nghĩ đến đạo nghĩa, việc xảy ra như thế, thực là bất đắc dĩ vậy!”.
Gia Cát Lượng cũng khuyên Lưu Bị nên đưa Lưu Chương rời xa Ích Châu, để triệt để cắt đứt mưu toan phản kháng của những đại thần cứng rắn, Lưu Bị tuy không nỡ, song nghĩ lý tính là trách nhiệm rất lớn của người điều hành. Bởi thế Lưu Bị bèn phong Lưu Chương làm Chấn uy tướng quân, mang theo toàn bộ tài sản của mình với ấn thụ tân quan, đến định cư ở quận Công An thuộc Kinh Châu.
Theo Long Trung Sách, bước thứ hai tranh bá thiên hạ, sách lược có đượcKinh Châu đến đây đã hoàn toàn thành công; đấy là năm Kiến An thứ 19, tức là năm 214 sau Công Nguyên, đúng vào tháng 5, Lưu Bị 54 tuổi, Gia Cát Lượng 34 tuổi, nếu tính ngày Tam cố thảo lư mời Gia Cát Lượng hoạch định kế hoạch là đúng bảy năm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.