Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

4. Trương Phi bị hại, Tôn Quyên cầu hoà.



Trước lúc xuất quân, chợt có tin khẩn cấp từ doanh trại Xa kỵ tướng quân Trương Phi báo về, Lưu Bị thất kinh tái mặt, vội nói to rằng: “Hỏng rồi! Trương Dực Đức có chuyện rồi”.

Quả nhiên có tin Trương Phi đã bị sát hại, đêm trước ngày xuất quân ở Lãng Trung, Trương Phi bị bộ tướng Trương Đạt, Phạm Cương ám sát, thậm chí thủ cấp còn bị mang sang Đông Ngô để dâng công. Trương Phi với Quan Vũ tuy tình cảm gắn bó như tay chân, hơn nữa có quan hệ thắm thiết hơn 30 năm, song cá tính không giống nhau. Trần Thọ, tác giả “Tam quốc chí” có nhận xét: “Quan Vũ khéo đối xử với sĩ tốt mà kiêu ngạo với sĩ đại phu, bởi thế với đồng sự và tướng lĩnh nước khác vẫn thường va chạm, thường vô ý đắc tội với người mà không tự biết. Trương Phi thì yêu thích con người quân tử mà không thương kẻ tiểu nhân, thường đòi hỏi rất nhiều ở thuộc hạ. Lưu Bị thường vẫn khuyên Trương Phi: “Khanh dùng hình phạt quá mức, hay tức giận mà đánh sĩ tốt, sau khi xử phạt vẫn để ở bên mình, ấy là rước lấy họa vậy”. Nói cách khách, Trương Phi là người bạo tợn, ngoài mặt có vẻ hung dữ mà trong thì mềm lòng, sau lúc giận lại tha thứ cho người, người ta có thể khắc ghi thù hận, mà ông ta thì không đề phòng, bởi thế Lưu Bị rất lo lắng cho sự an toàn của ông.

Sau khi Quan Vũ mất hơn một năm, Lưu Bị bận rộn việc nước, hàng ngày còn biết như thế, song Trương Phi ở Quan Trung tâm lý không ổn định, cá tính của ông ta lại càng bạo tợn, thường dùng bạo lực gây ra việc thù oán.
Sau khi Lưu Bị xưng đế, Trương Phi phái sứ giả dâng biểu tấu tỏ thái độ rất cứng rắn, nửa chỉ trích nửa hy vọng Lưu Bị hãy mau chóng báo thù cho Quan Vũ, chớ quên lời thề cũ năm nào mới khởi sự. Lưu Bị rất bị kích động, bèn hạ lệnh Trương Phi từ Lãng Trung chuẩn bị mang hơn vạn binh mã, đến Giang Châu cùng hợp quan để cùng tiến đánh Đông Ngô, việc sắp xếp binh mã rất là bề bộn, song Trương Phi lòng như có lửa trong công việc lại yêu cầu quá mức. Trương Đạt và Phạm Cương bị bức đến chân tường, thế rồi ám sát Trương Phi, chạy theo Tôn Quyền. Trương Phi mất lúc 55 tuổi. Trần Thọ nói:
“Quan Vũ với Trương Phi, hùng tráng lại uy mãnh, điều đáng gọi là vạn người khó địch, là hổ tướng ở đời khó thấy một lần. Quan Vũ năm xưa sau khi trả ơn Tào Tháo, mới rời khỏi trại Tào, không ngại khổ cực và nguy hiểm, tìm về với Lưu Bị. Trương Phi vì nghĩa mà thả Nghiêm Nhan, để trả giá cho cuộc chiến ở giá thấp nhất, chiếm được Ba Đông, việc làm và công tích của hai người đều đáng là bậc quốc sĩ. Đáng tiếc Quan Vũ cứng cỏi mà kiêu căng, Trương Phi quả quyết mà vô tư, đều là người có sở đoản, dẫn đến họa sát thân, ấy là lẽ thường của số phận vậy”.
Được tin Trương Phi bị sát hại, Lưu Bị rất thương tâm, bèn trút cả tức bực lên đầu Tôn Quyền. Bởi thế không lo nghĩ đến những khó khăn về sắp xếp quân đội, sau khi Trương Phi từ trần vẫn cứ tập hợp hơn 4 vạn binh mã ở Giang Châu, chuẩn bị mau chóng xuất binh. Biên chế quân Thục Hán đông chinh như sau:
Thống soái: Lưu Bị
Tổng tham mưu: Mã Lương, Hoàng Quyền, Trình Kỳ
Quân đoàn 1: Ngô Ban
Quân đoàn 2: Phùng Tập
Quân đoàn 3: Trương Nam
Quân đoàn dự bị: Triệu Vân
Sau khi đến Giang Châu, Lưu Bị lệnh cho Triệu Vân đóng quân ở đấy, lại lệnh cho Ngô Ban làm tiên phong, dẫn quân ra Tam Hiệp, vào đất Kinh Châu, tự mình dẫn đạo quân thứ 2 và 3 đi sau.
Việc sắp xếp lần này cơ hồ đều tập trung cả ở một mình Lưu Bị. Ông ta để Mã Siêu và Ngụy Diên ở lại giữ Hán Trung và Thục Bắc đề phòng quân Tào. Triệu Vân là người có kinh nghiệm phong phú, có nhiều công lao lại được xếp làm quân dự bị ở đại bản doanh, trụ giữ Giang Châu, một mặt để biểu thị thái độ của Lưu Bị đối với sự bất mãn của Triệu Vân, một mặt khác cũng dự phòng nhỡ ra quân Đông Ngô phản công lại thì Triệu Vân có thể ngăn chặn ở đó, giữ an toàn cho Thục Trung.
Bởi Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung đều đã mất, trong doanh trại của Lưu Bị, những tướng lĩnh có cấp bậc thống soái có khả năng độc lập tác chiến không nhiều, Lưu Bị lấy danh nghĩa Hoàng đế, tự mình chỉ huy việc đông chinh đích xác đã có tinh thần bi kịch, có thể Lưu Bị cũng đã sớm thấy sự ra đi của mình.

Xem xét thanh thế rất lớn của quân Lưu Bị, lại thêm Lỗ Túc từ trần, những lão thần Đông Ngô có cùng quan niệm thân Thục cũng không ít, Tôn Quyền bèn phái Thái thú Nam Quận là Gia Cát Cẩn đến điều đình với Lưu Bị để giảm nguy cơ trước mắt. Gia Cát Cẩn biết Lưu Bị đang rất tức giận Tôn Quyền bèn lấy danh nghĩa của mình cho sứ giả đưa thư hoà giải với Lưu Bị, trong thư viết:
“Tôi nghe nói đại quân đã đến thành Bạch Đế, tin rằng là do không ít kẻ dưới đã cho rằng Ngô Vương xâm chiếm Kinh Châu, giết hại Quan Vũ, dẫn đến thù hận sâu sắc giữa hai bên, dứt khoát không thể hoà giải được. Thực ra người có cách nghĩ như vậy là dụng tâm ở chỗ nhỏ hẹp, chưa lưu ý ở chỗ lớn vậy, bởi thế tôi muốn được trao đổi với bệ hạ về chỗ nặng nhẹ và lớn bé của việc ấy. Xin bệ hạ tạm dẹp nỗi oán giận trong lòng, bình tĩnh nghe Gia Cát Cẩn tôi phân tích, tin rằng sẽ lập tức có thể rút ra được kết luận, chẳng cần phải hỏi han những kẻ dưới vốn chỉ có tầm nhìn hạn hẹp.
Bệ hạ nhận định Quan Vũ và Hán Hiến đế ai nặng hơn ai? Kinh Châu và thiên hạ đâu là chỗ nặng nhẹ? Giải quyết mối thù hận này phải như thế nào? Tin rằng chỉ cần ngài để ý tính toán một chút, căn nhắc nặng nhẹ, sẽ có hành động đúng”.
Lá thư này của Gia Cát Cẩn là muốn Lưu Bị lấy thù nước làm trọng, thù riêng là nhỏ, tiếp tục hợp tác với Đông Ngô để chống lại quân Tào. Về trọng điểm và phạm vi, điều không vượt qua những lòi khuyên của Triệu Vân trước đó, đối với Lưu Bị đang nóng lòng phục thù, tự nhiên chẳng thể lọt tai. Sau khi Lỗ Túc mất, người vẫn có quan hệ với Lưu Bị, chỉ còn lại Gia Cát Cẩn, bởi thế đây là cơ hội cuối cùng để điều đình giữa Thục Hán và Đông Ngô, bạn đồng minh với nhau trong trận Xích Bích cuối cùng lại đổi bạn thành thù tiến hành chiến tranh với nhau.
Tại thời khắc quan hệ hai nước căng thẳng, việc Gia Cát Cẩn lấy danh nghĩa cá nhân viết thư cho Lưu Bị, lập tức dẫn đến sự hiểu lầm của người ta, có người đã lấy việc đó mà ngầm mật báo với Tôn Quyền, cho rằng Gia Cát Cẩn có bụng khác, nếu để ông ta trấn thủ ở Nam Quận sẽ là mối nguy cho sự an toàn của tiền tuyến, chủ trương lập tức điều động đi chỗ khác.
Tôn Quyền lại cười mà rằng: “Ta với Gia Cát Cẩn đã có lời thề sinh tử chẳng đổi dời, nếu ông ta không phản lại ta, thì ta cũng không thể vứt bỏ ông ta được!”.
Song những kẻ dưới của Tôn Quyền, lại lấy việc Gia Cát Lượng đã làm tể tướng Thục Hán, nắm giữ quyền bính, việc này thay đổi Gia Cát Cẩn khó tránh khỏi cách nghĩ khác, bởi thế thảo luận rùm beng, thành ra chuyện nghiêm trọng.
Lục Tốn đang giữ Di Lăng, lo lắng những lời lẽ vu vơ đó sẽ ảnh hưởng tinh thần binh sĩ ở tiền tuyến, bèn công khai dâng biểu về việc Gia Cát Cẩn yêu cầu Tôn Quyền làm rõ, Tôn Quyền phải bộc bạch rằng:
Tử Du (Gia Cát Cẩn) với ta cùng làm việc đã nhiều năm, tình như cốt nhục, nghĩ rằng cũng chẳng cần phải kể ra. Tử Du với người ta, cẩn thận chú ý, chẳng phải việc đạo lý thì chẳng làm, chẳng phải việc nghĩa thì chẳng nói. Năm xưa Lưu Huyền Đức từng phái Gia Cát Khổng Minh đến Đông Ngô, ta cũng nói với Tử Du: “Khanh với Khổng Minh là anh em ruột, em đi theo anh, về nghĩa lý mà nói cũng là đương nhiên, sao không nhân cơ hội này mà giữ Khổng Minh lại, nếu như Khổng Minh tự nguyện ở lại đây, ta sẽ tự mình viết thư cho Lưu Huyền Đức, tin rằng ông ta sẽ chiều theo ý Khổng Minh mà không giữ nữa”.
Song Tử Du lại nói với ta: “Em trai thần đã gửi thân ở Lưu Bị, quan hệ chủ tớ đã định, thần tin rằng nó nhất định sẽ không hai lòng. Gia Cát Lượng không ở lại Đông Ngô, cũng giống như thần dứt khoát chẳng thể theo với Lưu Bị”.

Ta tin rằng ông ta đã nói rất chân thành, có quỷ thần chứng giám, nay làm sao lại nghĩ khác mà theo về với Lưu Bị?

Lá thư tố cáo của những kẻ rỗi hơi, ta đã đưa cho Tử Du xem, đã cùng hủy đi, ta với Tử Du đã rằng tình nghĩa thắm thiết, chẳng có những lời phỉ báng nào ảnh hưởng được. Tướng quân Lục Tốn đã có thư đềê nghị, ta cũng phân giải rõ để các tướng sĩ ở tiền tuyến được yên tâm, rằng ta không bao giờ nghĩ khác về Tử Du.
Sau khi lá thư này được công bố, tình hình quân sự ởtiền tuyến của Đông Ngô cũng ổn định hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.