Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. Giáo dục đi đôi với hành pháp, nghiêm minh mà lại không hà khắc.



Đối mặt với sự trì trệ của Thục Trung lâu dài đặc quyền hoành hành, công quyền không được tôn trọng, Gia Cát Lượng lấy pháp luật nghiêm minh, ức chế quan liêu và cường hào, lấy công quyền để bảo hộ cho trăm họ yếu đuối, bởi thế trong thời kỳ ông điều hành, sự thanh bình về chính trị của nước Thục được xem là nổi trội. Bởi quán triệt tinh thần điều hành, Gia Cát Lượng y theo pháp luật mà hành động, không né tránh kẻ quyền quý, cũng không vị nể tư riêng. Ví như con nuôi Lưu Bị là Lưu Phong có tội làm trái quân kỷ, do sự kiên quyết của Gia Cát Lượng, bị Lưu Bị xử tử hình. Đến cả Lý Nghiêm và Liêu Lập là người có tiếng tăm cũng bị xét xử. Lý Nghiêm sau đổi tên là Lý Bình là quan Thượng thư lệnh của Thục Hán. Khi ở thành Bạch Đế cùng được bổ nhiệm với Gia Cát Lượng để phò tá hậu chủ, địa vị gần như Gia Cát Lượng.

Khi Gia Cát Lượng bắc phạt lần thứ 2, Lý Nghiêm phụ trách việc cung ứng hậu cần. Bởi ông ta cá tính kiêu ngạo, trọng hư danh mà không thiết thực, cho nên việc cung ứng quân lương bị chệch choạc. Lý Nghiêm tự cậy mình quyền cao chức trọng, về văn bản không lo lắng cách khắc phục, lại giả truyền thánh chỉ, yêu cầu Gia Cát Lượng rút quân.
Đợi đến Gia Cát Lượng đã rút quân, ông ta lại phái người nói bừa với Lưu Thiện rằng: “Quân lương cung cấp rất đầy đủ, không biết thừa tướng Gia Cát vì sao lại rút quân”. Sau đó lại nói rằng việc rút quân của thừa tướng chẳng qua là giả vờ, mục đích là dẫn dụ kẻ địch đuổi theo, sau sẽ quay lại giao chiến.
Sự thao túng của ông ta, khiến quân lệnh và hệ thống quân chính của Thục Hán rối loạn, Gia Cát Lượng sau khi biết rõ, lập tức hạ lệnh triệt để thanh tra, coi việc Lý Nghiêm làm vừa rồi là xem thường việc quốc gia đại sự, rối loạn quân kỷ, đùa giỡn không đâu, mưu toan trốn tránh trách nhiệm, an thần cầu danh, không lo quốc sự, dâng thư kể tội với hậu chủ bãi miễn quan chức của Lý Nghiêm, phế làm thường dân, lại đầy đến tận Tử Đồng.

Liêu Lập tên chữ là Công Nguyên, người Vũ Lăng khi còn trẻ đã có danh vọng, cùng với Bàng Thống được gọi là người tài nước Sở. Sinh thời Lưu Bị từng cử ông ta làm Thái thú Trường Sa.
Khi Tôn Quyền phái binh đánh ba quận Kinh Nam, Liêu Lập đóng ở tuyến thứ nhất, chưa từng giao chiến mà đã vội rút quân. Song Lưu Bị quí trọng tài hoa chưa từng khiển trách lại còn bổ nhiệm cho làm Thái thú Ba Quận. Có thể do kiêu ngạo quá mức, đương khi Lưu Bị mất ở thành Bạch Đế, Liêu Lập làm Trương thủy hiệu uý; song ông ta tự coi mình chẳng phải thường, cho rằng Gia Cát Lượng vẫn chú ý đến ông ta, bởi thế thường vẫn công khai tự nhận là người kế nhiệm của Gia Cát Lượng, đáng lẽ phải nắm phần việc quan trọng ở triều chính.
Tam quốc chí có chép, ông ta xem thường cả tiên đế, khinh rẻ quần thần, tỏ ý công kích chính sách của Thục Hán, lại chỉ trích Gia Cát Lượng bổ nhiệm những quan lại đều là phường thô tục, còn tướng lĩnh xung quanh chí xem là “tiểu tử” mà thôi. Bởi không ngừng sai trái như vậy, cuối cùng đến năm Kiến Hưng thứ 3, Gia Cát Lượng dâng biểu kể tội Liêu Lập, phế ông ta làm thường dân, lại lưu đầy đến quận Vấn Sơn.
Hướng Lãng từng làm một trợ lý giỏi rất được Gia Cát Lượng trọng dụng, được làm Trưởng sử ở phủ Thừa tướng; khi Gia Cát Lượng nam chinh, để ông ta lại trông coi phủ Thừa tướng, quản lý công viêc hậu phương. Khi bắc phạt, Hướng Lãng làm Giám quân, song khi Mã Tắc ở Nhai Đình tự ý co về cố thủ, Hướng Lãng bởi rất mến mộ tài năng của Mã Tắc trẻ tuổi, cố ý giấu giếm tội lỗi thực tế. Gia Cát Lượng cho rằng ông ta vì tư riêng mà hại đến việc công, cũng chẳng nể nang, ngay lúc đó bãi miễn tất cả quan chức, đến khi đã trở về Thành Đô, mới cho làm một chức quan không mấy thực quyền.

Do đấy khá thấy Gia Cát Lượng thi hành pháp luật nghiêm chỉnh, chẳng kể người nào, nếu phạm pháp đều bị trừng phạt, dứt khoát không châm chước. Đặc biệt với những người ở chức cao có quyền thế, lại là đối tượng để mọi người mô phỏng, tuyệt đối chẳng thể giảm nhẹ hình phạt. Gia Cát Lượng nghiêm minh mà không hà khắc, ông ta không tán thành việc liên quan, cho rằng việc làm sai lầm của cá nhân, tuyệt đối không ảnh hưởng đến những hậu duệ có tài cán.
Lý Nghiêm bị bãi miễn quan chức, song con trai vẫn được làm Giang châu đốc quân, sau lại được thăng làm Thái thú ở Chu Đề, chẳng bị ảnh hưởng gì lắm.
Hướng Lãng bị cách chức, song người cháu là Hướng Sủng lại được đề bạt thẳng ngoại lệ, đảm nhiệm chức trách quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia.
Gia Cát Lượng tuy ra sức thực hiện minh pháp, lại phản đối việc lạm dụng hình phạt, ông ta thường chú ý lựa chọn những viên quan chủ quản việc coi ngục phải trung thực liêm khiết, phản đối những quan lại mặc ý cá nhân chủ quan thích thị uy tùy ý sinh sát, nếu yêu thích thì không bắt tội, nếu bực tức thì có thể giết kẻ vô tội. Ông lại tự mình yêu cầu, cũng yêu cầu những cán bộ trọng yếu, phải thật cẩn thận trong khi tống ngục hành hình. Tùy tiện vận dụng hình luật mà lạm dụng hình phạt chẳng thể khuyên người ta hướng thiện. Tập Tạc Sỉ đời Tấn từng bình luận rằng:
“Hình luật không thể không dùng, khi gia hình mà như mình có lỗi, khi ban tước lộc mà không tư riêng, khi trừng phạt mà không giận dữ, thiên hạ còn ai chẳng phục; Gia Cát Lượng là người giỏi dùng hình phạt, từ Tần Hán đến giờ chưa từng có vậy”.
Thưởng phạt chuẩn xác, người bị phạt tự nhiên tâm phục khẩu phục. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Liêu Lập khóc lóc mà rằng: “Ta cuối cùng phải chết già ở nơi biên cương này rồi!”.
Lý Nghiêm sau khi nghe tin dữ, cuối cùng quá thương tâm, lo nghĩ thành bệnh mà chết. Bởi những người này biết rằng, chỉ cần một thời gian nữa. Gia Cát Lượng cho rằng trừng phạt thế là đủ sẽ tha thứ cho để họ có được cơ hội mới; Gia Cát Lượng mất đi, chẳng có ai có thể cầm cân nẩy mực như thế, cho nên họ cũng mất đi hy vọng trở lại triều đình.
Trong những tập văn sách mà Gia Cát Lượng để lại, cũng công nhiên nói rõ quan niệm phép trị của ông ta, cho rằng mình là người thừa kế của Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và tinh thần của nhà đại chính trị thời Tây Hán là Đổng Trọng Thư, chủ trương “pháp”, “lễ” cùng dùng, “uy”, “đức” “cùng đi” song lại nhấn mạnh bảo ban pháp luật, khuyến thiện truất ác. Ông phê bình Thương Ưởng giỏi ở điều luật, lại không để ý giáo hoá mà đã xử phạt nặng, lấy dài vá ngắn, cùng thực thi giáo hoá và hành pháp. Bởi thế pháp luật điều lệnh của quốc gia và quân đội được ông gộp vào ba mệnh năm lệnh, để mọi người triệt để hiểu rõ, đề phòng để không vi phạm. Ông cũng định ra các chương điều luật như “ngũ cụ”, “lục khủng”, “thất giới”, cụ thể chỉ rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm, mục đích chế độ hoá tất cả, không cần phải cố gắng đặc biệt mọi người đều có thể làm được, như vậy quốc gia mới có thể bền vững lâu dài, tinh thần pháp trị mới được phát huy thực sự.

Nỗ lực của Gia Cát Lượng đích xác đã phát huy công hiệu thay đổi phong tục. Không ít quan chức cao cấp ở Thục Hán, đã lĩnh hội và chấp hành tinh thần pháp trị của Gia Cát Lượng; Tam quốc chí có chép: Dương vũ tướng quân Đặng Chi thưởng phạt rõ ràng, rất quan tâm đến binh lính; Trù hàng đô đốc Trương Dực giữ nghiêm pháp luật, Đỗ quân tòng sự Dương Hý trông coi hình ngục đúng mực, luận rõ pháp luật, định án rõ ràng; Tang ca Thái thú Mã Trung rất có ân huệ. Mấy mươi năm suy vi, cuối cùng nước Thục trong một thời gian ngắn giành được sự hưng thịnh, đấy là kỳ tích nghìn năm ít thấy. Đúng như Trần Thọ đã nói, Gia Cát Lượng ứng biến với chiến trường không linh hoạt, song chỉ kể thành tích điều hành nước Thục của ông, sự vĩ đại của Gia Cát Lượng cũng là điều chẳng thể gì so sánh được.
Trưởng lão ở Ích Trung là Trương Duệ có bình luận rằng: “Thừa tướng Gia Cát Lượng chí công nghiêm minh, thưởng phạt chẳng kể thân sơ xa gần, kẻ không có công thì không ban thưởng, kẻ quyền quý cũng chẳng được miễn tội, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để mọi người nước Thục hăng hái tiến lên”.
Trần Thọ tuy không thừa nhận thiên tài quân sự của Gia Cát Lượng như trong truyền thuyết, song với thành tích điều hành cũng rất khen ngợi, trong Tam quốc chí có bình luận rằng: Gia Cát Lượng thi hành pháp luật, giáo huấn nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, không có tội thì không bị trừng trị, không có công thì không thưởng, không dung tha kẻ có tội dù là ai, mọi người tự mình cố gắng, đạo lý không bỏ sót, mạnh không lấn yếu, không khí thịnh vượng tràn khắp vậy.

Lời bình của ‘Trần Văn

Tôn Tử viết trong “Thiên tác chiến”: Phàm về cách dùng binh trước đã có nghìn cỗ xe tứ mã, nghìn cỗ xe chở quân, 10 vạn binh giáp, đủ lương thực ở nơi nghìn dặm, các khoản chi phí nội ngoại, khách khứa tài vật mọi mặt dồi dào, tiền bạc đầy đủ, rồi sau mới nói đến cử mười vạn binh chinh phạt.

Đúng như Napôlêông của nước Pháp đã nói: “Vấn đề quan trọng thứ nhất của chiến tranh là tiền, quan trọng thứ hai cũng là tiền, quan trọng thứ ba cũng vẫn là tiền”.
Chưa có tiền chẳng thể đấu đá, ngày xưa như thế, chiến tranh hiện đại lại càng xem trọng. Cứ thử xem cuộc chiến tranh vùng Vịnh vừa rồi, sự tiêu tốn khổng lồ trong những ngày ấy, rõ ràng cho thấy chẳng có lực lượng kinh tế, chiến tranh dứt khoát không thể tiến hành.
Không chỉ trong chiến tranh, việc tiêu thụ quảng cáo trong xí nghiệp hiện đại cũng như vậy, thiếu chuẩn bị thực lực, chỉ nghĩ cầu may mà được thắng lợi là điều chẳng thể dễ dàng. Quản Trọng thời Xuân Thu, đã hiểu được vận dụng lực lượng kinh tế để nâng cao địa vị quốc tế. Cuốn “Quản tử” từng chỉ rõ: “Đến ngày xuất binh, nếu như trong nước nghèo nàn thì chiến đấu không giành thắng lợi, nếu ngày đó mà trong nước giàu mạnh thì chiến đấu ắt giành thắng lợi”.

Sự giàu mạnh của đất nước là điều kiện rất quan trọng để chiến thắng. Trong đại chiến thế giới thứ 2, sự thất bại của khối trục Đức, Ý, Nhật, chẳng những ở chiến lược và chiến thuật, mà còn do thực lực kinh tế không đầy đủ.
Ở Nhật, Đức Xuyên Gia Khang thời Mạc Phủ, kế thừa tinh thần của Điền Tín Huyền, rất xem trọng bồi dưỡng lực lượng kinh tế. Ông ta cho rằng chẳng có thực lực, cũng sẽ chẳng có cơ hội tốt. Thực lực được tích lũy hàng ngày, bởi thế nhất định phải tiết kiệm đến chân tường. Có như vậy, mới có thể đáp ứng nhu cầu bất thường, xây dựng thực lực bền vững lâu dài.
Giữa đám quần hùng thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng rất hiểu rõ về sức mạnh kinh tế, phương diện này làm triệt để hơn so với Tào Tháo, bởi thế kinh tế của Thục Hán cũng rất mạnh so với các nước kia.
Đáng tiếc ông không chú ý đến “thiên tác chiến” của Tôn Tử nói về thắng lợi của chiến tranh, cần xem trong nguyên tắc đánh ngắn ngày, không kéo dài, cuộc bắc phạt lâu dài, khiến hao phí của chiến tranh vượt quá sức chịu đựng của quốc gia. Kỳ tích kinh tế của Thục Hán, chưa phát huy hữu hiệu thực lực chính trị, trái lại quốc gia lại sớm bị diệt vong bởi đánh lâu dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.