Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

5. “Uy danh của ông như trời, người nam không làm phản nữa”.



Để Mạnh Hoạch toàn tâm qui phục, Gia Cát Lượng quyết định phóng thích vô điều kiện.
Đầu tiên Gia Cát Lượng cho bày trận, dẫn Mạnh Hoạch đi tham quan, sau đó hỏi ông ta: “Ông thấy trận địa của quân ta như thế nào?”
Mạnh Hoạch đáp: “Trước đây không biết thực hư quân các ông ra sao, nên mới bị đánh bại. Hôm nay thấy được rồi, cũng chẳng qua như thế mà thôi, tin rằng tôi trở về chỉnh đốn binh mã, muốn đánh bại các ông cũng không khó”.
“Đã như vậy thì tha cho ông đi đấy!”.
Gia Cát Lượng cười nói như không có gì xảy ra, Mạnh Hoạch và các tướng lĩnh Thục Hán đều kinh hãi, tất cả đều không hiểu nổi.
Thực ra, cứ như quân lực của Gia Cát Lượng, muốn đánh bại Mạnh Hoạch thiếu tổ chức cũng chẳng khó gì, cái khó là ở chỗ phải thích ứng với hoàn cảnh địa lý. Vùng đất bên sông Lô Thủy, ở vào bắc vĩ tuyến 27°, gần với vùngnúi nhiệt đới, lắm sơn lam chướng khí, người Hán nói chung rất dễ bị trúng độc ở đấy, lại thêm không quen thuộc hoàn cảnh thuỷ thổ, nếu giao tranh ở vùng đó là việc khá gian khổ và nguy hiểm.
Lại nữa trung tuần tháng 3 Gia Cát Lượng mới vượt sông Lô Thủy, khí trời đã gần mùa hè, chẳng những quân viễn chinh phần đông không hợp thủy thổ, mất sức tác chiến, hơn nữa lam sơn chướng khí độc hại, có ảnh hưởng không ít đến quân tình.
Khoảng năm Thiên Bản đời Đường, Đường Huyền Tông từng động binh ở đấy, kết quả là bị tổn thương quân sĩ nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Nhà thơ Bạch Cư Dị đã viết bài thơ theo lối Nhạc phủ, đó là bài thơ phản chiến nổi tiếng “Tặng ông già gãy tay ở Tây Phong” như sau:

Xứ Vân Nam có dòng Lô
Mùa hoa tiêu khói trắng mờ mặt sông
Nước sông nóng bỏng lạ bùng
Ba người qua đấy phỏng chừng còn hai
Ngõ ngoài não một tiếng ai
Bồng con đứng đợi qua thời trẻ trung
Chinh nam dằng dặc dặm trường
Vạn người ra lính mà không thấy về.
Sự uy hiếp đối mặt với đạo quân nam chinh của Thục Hán, Gia Cát Lượng trong lòng đã biết khá kỹ, song tựa hồ ông nhằm mục tiêu cao hơn, đã chấp nhận trả giá đến như vậy.
Nghe nói trong thời gian rất ngắn, mấy lần bắt sống Mạnh Hoạch, lại theo lời giao hẹn mà tha cho ông ta. Đến lần cuối cùng, Gia Cát Lượng lại hạ lệnh cởi trói tha cho Mạnh Hoạch để ông ta được trở về trại cũ.
Song Mạnh Hoạch lại quỳ xuống dưới trướng, nói rằng: “Uy danh oủa ông như trời, người nam không làm phản nữa!”.
Lịch sử chính thức ghi chép rất nhiều về cuộc nam chinh lần này, song La Quán Trung tác giả “Tamquốc diễn nghĩa” lại căn cứ vào truyền thuyết dã sử ở đó, viết ra chương hồi hơn 4 vạn chữ, ghi chép tỉ mỉ những tình tiết Gia Cát Lượng 7 lần bắt sống Mạnh Hoạch, trong đó tính chân thực ra sao, trong chương sau, chúng tôi sẽ tự thuật và phân tích hoàn chỉnh.
Cứ theo chính sử ghi chép, Gia Cát Lượng sau khi khiến Mạnh Hoạch toàn tâm qui phục, mới tiến quân đến Điền Tây hợp quân với Mã Trung và Lý Khôi, cũng chính thức kết thúc chiến sự ở Nam Trung.
Tam quốc chí có chép: “Mùa thu thì bình định xong”, Hoa Dương quốc chí thì chép “Mùa thu đã bình định được bốn quận”, như vậy rõ ràng là vào mùa thu, cứ theo Biên niên sử “Tư trị thông giám” ghi chép thì vào tháng 7, khoảng trung tuần hoặc khoảng hạ tuần tháng ấy.
Gia Cát Lượng vào tháng năm vượt sông Lô Thủy, kể đến tháng 7 trước sau mới hơn hai tháng, ví như kể từ tháng 3 xuất binh, chẳng qua chỉ hơn 4 tháng ngắn ngủi mà thôi. Thế lực phản loạn kéo dài 2, 3 năm, bị triệt để bình định, chính xác phải quy công cho sách lược cơ bản “công tâm là đầu”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.