Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
6. Dùng người bởi chân tài, chẳng câu nệ hạn chế
Có không ít nhà sử học đời sau, chịu ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa, khẳng định năng lực thần kỳ cá nhân của Gia Cát Lượng, lại cho rằng ông dùng người không đích đáng, mới dẫn đến nỗi cảm hoài nghìn năm “xuất quân chưa thắng đã bỏ mình”. Thực ra thành bại của Thục Hán sau này có những điều kiện chủ quan, khách quan của nó, vận động từ bên trong, song phê bình Gia Cát Lượng không thấu hiểu việc dùng người và bồi dưỡng nhân tài, thì cũng không thoả đáng.
Sử liệu có ghi chép: Gia Cát Lượng rất xem trọng việc tuyển lựa nhân tài, trong “Gia Cát Lượng văn tập” có nhấn mạnh “xét đạo trị quốc cốt ở cử hiền”, cũng là nói việc tiến cử hiền tài là then chốt điều hành quốc gia, cũng là việc đại sự liên quan đến vấn đề còn mất của quốc gia. Tiêu chuẩn tiến cử hiền tài của Gia Cát Lượng là:
Một là phải có tài hiểu biết, là người có thể cống hiến tâm lực cho đại sự nước nhà.
Hai là phải trung thành với chính quyền họ Lưu, biết rõ công việc mình làm.
Ví như trong công việc đang làm của mình, Gia Cát Lượng yêu cầu người khác phải làm tận tụy với chức vụ, đối với người cậy tài xem nhẹ công việc, không được việc, ông rất không vừa ý, thường chỉ trích nặng nề. Lý Nghiêm và Liêu Lập là những lão thần, bởi phạm lỗi lầm mà bị tướcquan làm dân. Song Gia Cát Lượng cũng rất chú trọng việc dùng người, có tài thì tiến cử không kể đến địa vị cao thấp. Ví như Trương Nghi người Ba Quận, xuất thân hèn mọn, song có năng lực làm việc, lại dám can ngăn, bởi thế thường bị các lão thần phê bình là phóng đãng vô lễ, dưới chính quyền Lưu Chương không được chọn lựa. Gia Cát Lượng cho rằng ông ta là người thức thời lại có lòng trung thành bởi thế đề bạt ông ta làm Thái thú Việt Huề, để xử lý quan hệ dân tộc thiểu số đang rất phức tạp. Trương Nghi sau khi đến đó lấy ân mà phủ dụ, man di đều phục, qui hàng ở cửa quan, có cống hiến không ít trong chính sách hoà Di của Gia Cát Lượng.
Vương Bình người Ba Tây, xuất thân binh sĩ, không ham sách vở, nhận biết không quá mười chữ, lại là người dẫn đường tài giỏi, cá tính cẩn thận, trung thành chấp hành pháp lệnh. Ông ta vổn làm một chức quan nhỏ ở Hán Trung, song Gia Cát Lượng thấy ông là người hiểu rõ địa thế mà trọng dụng, sau đó nhờ công lao trong trận Nhai Đình mà được thăng tiến, làm Thảo khấu tướng quân, trong chiến dịch bắc chinh ông đã có không ít cống hiến.
Tưởng Uyển vẫn chỉ là một viên tiểu lại dưới triều Lưu Biểu, từ trước trận Đương Dương đã theo Lưu Bị xuống phía nam, sau khi vào Thục được bổ nhiệm làm Quảng Đô huyện trưởng. Lưu Bị khi đến Quảng Đô xem xét, phát hiện ông ta không sửa sang chính sự, say sưa rượu chè muốn đem trị tội. Gia Cát Lượng nghe tin lập tức ngăn lại: “Tưởng Uyển là khí chất của xã tắc, không phải là người chỉ có tài trong trăm dặm, ông ta lấy việc yên dân, yêu nước làm gốc, mà không lấy việc trang sức làm đầu”. Lưu Bị bởi thế chỉ bãi miễn quan chức của Tưởng Uyển mà không xử tội.
Gia Cát Lượng sau khi làm Thừa tướng, đề bạt Tưởng Uyển làm tham mưu quân đội, thời bắc phạt làm trưởng sử, kiêm thủ quân tướng quân phụ trách việc giữ Thành Đô. Tưởng Uyển trong công tác chi viện tiền tuyến, đã cung cấp lương thực cho binh lính luôn đầy đủ, Gia Cát Lượng sau này cũng khen ngợi: “Tưởng Uyển có lòng trung thành, là người cùng với ta xây dựng nên vương nghiệp vậy”.
Khi Gia Cát Lượng mắc bệnh nặng, có dâng mật biểu lên hậu chủ Lưu Thiện, tiến cử Tưởng Uyển làm người kế nhiệm, sau khi Gia Cát Lượng mất, Tưởng Uyển kế tục nắm quyền bính, quán triệt chính sách của Gia Cát Lượng, xử lý tốt công việc, khiến chính quyền nước Thục ổn định trong một thời gian dài.
Từ đấy có thế thấy Gia Cát Lượng thực là biết người khéo dùng vào việc.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng rất xem trọng người có biệt tài, vì vậy, đối với nhân tài ông thường có sự tôn trọng đặc biệt. Ví như Bồ Nguyên là một người như thế, Gia Cát Lượng cho ông ta làm chức Tây tào, đã chế tác và cải tiến binh khí và công cụ vận chuyển có công hiến không ít. Trong “Bác hảo kỹ nghệ” do Lý Soạn ghi chép, Gia Cát Lượng lấy ông ta làm Thư tá, sau lại đề bạt làm Thượng thư lệnh sử. Trương Duệ có tài cán chính trị, lại hiểu được kỹ thuật sản xuất, Gia Cát Lượng bổ nhiệm ông ta làm Trung lang tướng, phụ trách việc chế tạo binh khí và nông cụ. Sau này lại đề bạt làm Tạ Thanh hiệu uý, giữ chức trưởng sử, trông coi ở Đô Thành, đại lý phủ thừa tướng, có địa vị rất cao. Được Gia Cát Lượng lưu ý sửa sang, chính quyền mới mau chóng được ổn định.
Năm Hán Trung Vương thứ hai, hậu tướng quân Hoàng Trung bởi tuổi già bệnh nặng qua đời. Khi trước Hoàng Trung không được cử làm Thái thú ở Hán Trung, phải chăng là lo lại phải thay người khác kế nhiệm ở đấy, sẽ gây phiền phức. Hoàng Trung sau này được hậu chủ Lưu Thiện đặt cho tên thụy là Cương Hầu, cũng năm đó Thượng thư lệnh Pháp Chính đang lúc 45 tuổi đã ngã bệnh từ trần, được đặt tên thụy là Dực Hầu. Đối với hai đại thần bình định Hán Trung này, Lưu Bị rất thương tiếc, bởi thế mà khóc lóc suốt ngày. Pháp Chính mất đi, Lưu Ba kế nhiệm làm Thương thư lệnh.
Không lâu lại phát sinh một việc khiến Lưu Bị càng thêm đau lòng, làm lay động cả chính quyền Thục Hán, đó là sự kiện Quan Vũ để mất Kinh Châu.
Lời bình của Trần Văn
“Úy Lạo Tử” là một trong bảy cuốn sách binh thư của Trung Quốc, tương truyền là tác phẩm của Úy Lạo đã suy nghĩ cặn kẽ, tìm kiếm tính hợp lý, nhân cách đặc biệt ấy trong binh pháp của ông ta đã biểu hiện rất rõ.
Phần mở đầu “Úy Lạo Tử” có viết: “Việc quan không gì bằng việc nhân sự”. Cũng tức là nói thực chất thành bại của việc quan quốc là ở việc nhân sự mà thôi. Ví như có một toà thành, đánh phía đông tây không được, mà đánh phía nam bắc cũng không được, chẳng nhẽ nói bởi phương hướng, đông tây nam, bắc đều có nhược điểm về phương vị ư? Đương nhiên chẳng thể được, sở dĩ đánh trăm trận mà không phá được, chẳng bởi phương vị cát hung mà bởi vì thành thì cao, hào thì sâu, vũ khí trang bị hoàn thiện, lương thực đầy đủ, quân đội anh dũng và đoàn kết chặt chẽ. Nếu như tường thấp ngòi nông, tin vào ngôi sao cát hung, chẳng bằng nỗ lực việc nhân sự đấy mới là việc trọng yếu, nhưng việc nhân sự đầu tiên là xác lập chế độ, cho nên Úy Lạo Tử đã nhấn mạnh:“Phàm là việc binh ắt nên tiên định. Cũng tức là nói việc quan trọng thứ nhất chuẩn bị chiến đấu là xác lập pháp chế, pháp chế có được định rõ, kỷ luật nghiêm minh, kỷ luật đã không loạn thì chế độ tự nhiên được chấp hành. Pháp lệnh rõ ràng, chỉ rõ điều này điều nọ, thì trăm người như một, sẽ phát huy được sức chiến đấu, khi xung phong hãm trận, nghìn người cũng vẫn một lòng một khối, chiến đấu đến cùng khi tiêu diệt kẻ địch, mọi người có thể cùng vác giáo xông lên, chẳng chút phân tâm, trở thành một đội quân vô địch trong thiên hạ. Song duy trì pháp chế phải dựa vào hiền tài, ấy là bởi thắng lợi chiếm được nước người ta, phải sửa sang việc cai trị ở đấy, lại càng phải dựa vào pháp chế và hiền tài. Nếu chẳng thể đề bạt được nhân tài, ắt sẽ thất bại. Nếu thiếu nhân tài, lại muốn bắt quân giết tướng, tuy có giành được chiến thắng, mà nước thì thêm yếu tuy có thể giành được đất của người ta mà nước thì thêm nghèo; đấy là bởi chăng có nhân tài giỏi giang, không có chế độ, không có năng lực thi hành, mà tạo thành hỗn loạn.
Gia Cát Lượng khi còn ít tuổi đã thấu hiểu binh pháp, nghĩ rằng với binh pháp của Úy Lạo Tử, cũng rất tâm đắc, bởi thế việc quan trọng hàng đầu khi điều hành nước Thục, là thi hành pháp trị, pháp trị được thi hành, thì việc đại sự quân quốc trước tiên sẽ thắng lợi ở triều đình, về mặt này Gia Cát Lượng đã làm triệt để mà đạt được thành công. Ông ta đặc biệt bồi dưỡng nhân tài, biết rõ pháp luật không thể tự nó thi hành được. Phải có nhân tài giỏi giang thì pháp luật mới thực sự phát huy hiệu lực.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.