Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

6. Nhà chiến lược trẻ tuổi chưa ai biết đến.



Khoảng 10 năm kể từ tuổi mười bẩy Gia Cát Lượng vẫn ở Long Trung phíạ ngoài thành Tương Dương ở Kinh Châu, hằng ngày cày bừa và đọc sách. Ở phía nam Hán Thủy, Long Trung chỉ có một con đường nhỏ hẹp dẫn vào, thôn Long Trung chạy dọc bên đường ước khoảng vài ba dặm. Đó là một thôn nhỏ vùng núi có sơn thủy diễm lệ. Tam quốc chí có chép, Gia Cát Lượng ở đấy có một ngôi nhà cỏ, hơn nữa lại tự mình cày ruộng, một người trẻ tuổi chẳng có gia sản và có ít quan hệ, tất cả phải dựa vào chính mình chẳng giống như bọn bạch diện thư sinh vẫn được chiều chuộng. Có thể thấy bởi có một đòi sống như vậy, Gia Cát Lượng phải tự tay chế tạo công cụ, từ bé phải tự lực cánh sinh có được sức sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú.
Cuốn chính sử “Tam quốc chí” có chép về Gia Cát Lượng khi còn ít tuổi như sau:
“Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng, rất thích đọc Lương Phụ Ngâm, thân cao 8 thước ta, thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị khi xưa, người bấy giờ chẳng mấy ai biết đến, chỉ có Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Từ Thứ (Nguyên Trực) ở Dĩnh Xuyên với Gia Cát Lượng kết bạn tri kỷ; quả thực là vậy”.
Độ cao 8 thước ta, có nghĩa là cao 1,8m bây giờ; có thể nói rằng Gia Cát Lượng chẳng phải như có người nói, kẻ sĩ yếu đuối “trói gà không chặt”, trái lại do sớm lao động từ bé, Gia Cát Lượng lớn lên có một cơ thể đại hán Sơn Đông khang kiện, hùng tráng uy vũ. Ông ta thường ví mình với hai vị danh tướng thời Xuân Thu chiến quốc là Quản Trọng và Nhạc Nghi, cho thấy có chí nguyện từ khi còn trẻ, muốn được lập công nơi trận mạc, là một võ tướng giầu mưu lược; cũng cho thấy thời thơ ấu trải qua loạn lạc khiến ông rất quan tâm đến chiến tranh, bởi vậy thời trẻ đã đọc thuộc lầu binh thư, nghiên cứu sâu xa về binh pháp. Song do hạn chế ở hoàn cảnh, khiến ông lúc nhỏ không có cơ hội tập võ, nay xem kỹ sử liệu, Gia Cát Lượng tựa hồ là người chỉ năng động não, mà không thể làm một đại tướng tự tay múa giáo. Trong những ghi chép còn lại, cũng chưa thấy Gia Cát Lượng cầm đao kiếm bao giờ.

Đời sống gian khổ từ bé, đã nuôi dưỡng ông sớm chín chắn, nghiêm túc cẩn thận mà tôn trọng lễ tiết, tư lự chu đáo và cũng rất tự tin ở mình. Bởi vậy, người mà ông kết giao thường hơn tuổi ông rất nhiều. Theo tư liệu lịch sử thì Từ Thứ hơn Gia Cát Lượng khoảng 15, 16 tuổi, cơ hồ là đàn anh, còn Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy lại hơn tuổi Từ Thứ. Còn về sự qua lại với gia tộc Bàng Đức Công nổi tiếng trong vùng, Gia Cát Lượng lúc đó kém Bàng Đức Công khoảng 30 tuổi mà đối với Bàng Thống chỉ hơn ông ta 3 tuổi, sự tiếp xúc cũng không nhiều, bởi vậy bạn bè với Gia Cát Lượng không nhiều lại ít qua lại, đối với việc Gia Cát Lượng ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, là chuyện khó tin vậy.

Chẳng qua, Gia Cát Lượng với những người bạn chênh lệch tuổi, thường không một chút tự ti, lại rất hoà đồng với họ, thường cùng có chí hướng thảo luận thời sự và tương lai. Bùi Tùng Chi chú giải “Tam quốc chí” có chép như sau: Từ Nguyên Trực, Thôi Châu Bình, Mạnh Công Uy thường thảo luận với Gia Cát Lượng về học vấn, Từ Nguyên Trực về học vấn có tinh thông hơn ba người kia, nghiên cứu sâu xa về kinh điển, có kiến giải rõ ràng, có lòng vì người giúp đời. Song Gia Cát Lượng khi ấy lại không giống như thế, ông thích đại lược, cũng là nói ông thích mở rộng vấn đề, chú trọng ở ứng dụng thực tế, cốt ở thông hiểu nhiều mật, để có một tri thức toàn diện. Đương nhiên, Gia Cát Lượng có năng lực học tập hơn người, ông tinh thông kinh điển Chư Tử đủ cả nho, pháp, đạo, tạp, đối với thiên tượng địa lý, công trình thổ mộc binh pháp kinh dịch đều có nghiên cứu sâu xa, có thể gọi là một nhà “tạp gia”.
Nói thế để thấy Gia Cát Lượng là người có tâm, chẳng phải như trong “Xuất Sư Biểu” đã nói: “Chỉ lo giữ yên mệnh ở đời loạn chẳng cầu nổi tiếng vối chư hầu” phỏng theo các danh sĩ, trái lại ông rất mong đợi ở con đường làm việc nay mai.
Bùi Tùng Chi có chép: Có một hôm Gia Cát Lượng nói với Từ Nguyên Trực, các anh nay mai làm quan, xem tài cán chắc sẽ làm đến thứ sử hoặc quận trưởng”. Từ Nguyên Trực đáp rằng: “Còn anh thì sao?” Gia Cát Lượng chỉ cười mà không nói. Từ Nguyên Trực sau này ra làm quan với Tào Ngụy đến chức Trung lang tướng kiêm Ngự sử. Mạnh Công Uy thì làm thứ sử Lương Châu. Thạch Quảng Nguyên cũng làm đến quận trưởng, lại thêm chức Điển Nông hiệu uý. Gia Cát Lượng đã ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị, cho thấy hoài bão của ông, vẫn nuôi đại chí muốn làm kẻ bầy tôi chỉ dưới một người trên cả vạn người. Bùi Tùng Chi ngợi ca ông là người tài hơn người đời, khí chất nổi trội, ngay từ thòi trẻ đã cho thấy ông có nhữngbiểu hiện không giông với người khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.