Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện
7. “Lương Phụ Ngâm” và nghi án thiên cổ
Trần Thọ trong “Chuyện Gia Cát Lượng” có chép một đoạn văn khiến người đời sau rất hứng thú, kể việc họ Gia rất thích đọc Lương Phụ Ngâm. Lương Phụ Ngâm đã miêu tả cái gì? Vì sao Gia Cát Lượng khi còn trẻ lại đặc biệt thích đọc nó?
Theo ghi chép sử liệu hiện có, Lương Phụ Ngâm là một bài ca dao cổ của quê hương Gia Cát Lượng vẫn được lưu truyền ở nước Tề, nội dung của nó được miêu tả như sau:
Tề thành – bên cửa dừng chân
Trông vời có phải Đãng Âm phía này
Phải răng ba mộ còn đây
Rưng rưng chợt hiện chuyện ngày xa xưa:
Hỏi quanh:
– Ai đó bấy giờ?
– Điền Cương, Cô Dã sức dư muôn người Nam Sơn đủ sức chuyển rời
Ngờ đâu tuyệt địa ngậm ngùi tài trai.
Giữa triều quỷ kế đặt bầy,
Hai đào, ba mạng chuyện này lạ sao
Hỏi ai bày vẽ mưu sâu?
– Án Anh tướng quốc đứng đầu Tề quan!
Ý tứ của câu ca dao này là: Nếu có ai đó bước tới Đô thành Lâm Chuy nước Tề, nhìn xa về phía nam mà nhớ đến quá khứ, có một nơi gọi là Đãng Âm trong làng ấy có ba ngôi mộ cổ hình thức kiến tạo cơ hồ giống hệt nhau.
Lại thử hỏi phần mộ ấy là của ai, người trong làng sẽ nói cho ta rõ, đấy là mộ phần của các dũng sĩ Điền Cương và Cổ Dã nước Tề đời Xuân Thu (ngoài ra còn có một ngôi mộ nữa là Công Tôn Tiết cũng nổi tiếng lúc bấy giờ). Đấy là ba dũng sĩ sức có thể dời đổi núi Nam Sơn, kiếm thuật tinh diệu vô cùng.
Không may ba người cùng bị lời gièm pha hãm hại chỉ có hai quả đào mà giết hại cả ba dũng sĩ, hỏi ai là tay cao thủ xếp đặt âm mưu này? Đó là quan tể tướng lừng danh nước Tề tên là Án Tử! Câu chuyện bi thảm về hai quả đào giết hại ba dũng sĩ này xảy ra vào cuối đời Xuân Thu. Trong “Án Tử Xuân Thu”, có ghi chép tường tận việc ấy đại khái như sau:
Lúc ấy vào cuối đời Xuân Thu, Tề cảnh Công đang ở ngôi báu, nước Tề đang có ba kẻ dũng sĩ nổi danh, họ tên là Điền Cương, Công Tôn Tiết và Cổ Dã võ dũng hơn người, một người đương nổi nghìn người, tiếc nỗi cá tính của họ kiêu ngạo mà cuồng vọng, nếu như họ cùng hợp lại, có thể uy hiếp được sự an toàn của vương triều nước Tề.
Tể tướng Án Anh nước Tề biết rõ về ba người ấy, họ kiêu ngạo mà sĩ diện, bởi vậy khoét sâu vào nhược điểm ấy, bầy mưu để Tề cảnh Công trừ khử ba viên dũng sĩ nọ. Có một hôm, Lỗ Chiêu Công lại thăm, có tặng mấy quả đào tiên, Tề Cảnh Công đã ban phát cho mấy quan đại thần chỉ còn thừa có hai quả đào. Án Tử nhân đó nói với Tề Cảnh Công, không có gì bằng đem hai quả đào này cho mấy viên dũng sĩ đó, để biểu dương khả năng của họ. Tề Cảnh Công lập tức xuống lệnh, các thần dân đều có thể tự biểu dương công lao để giành được vinh dự này. Công Tôn Tiết dướn người lên tâu rằng: “Mấy năm trước, thần hộ giá chúa công đi săn ở Đồng Sơn, gặp phải hổ dữ thần đã ra tay bắt hổ, bảo vệ được chúa công, công đó hỏi có gì bằng?”.Nói xong tiến lên trước cầm một quả đào ăn ngay lập tức. Cổ Dã nhìn thấy hăng hái đứng dậy nói to rằng: “Bắt hổ có gì là lạ, thần có lần hộ giá chúa công qua Hoàng Hà, gặp phải con rồng tác oai tác quái, tình huống phi thường nguy hiểm, thần đã ra tay chém chết nó, sóng yên gió lặng, cứu nguy được thuyền, công này có gì bằng?”.
Tề Cảnh Công cũng làm chứng rằng: “Đúng vậy, lúc đó sóng gió quá chừng, nếu tướng quân chẳng giết được rồng, chẳng thể giải nguy thực là kỳ công cái thế vậy, đáng được thưởng quả đào này!” Cổ Dã nghe rồi, cũng lập tức tiến lên cầm một quả đào ăn liền. Bỗng thấy Điền Cương chợt nổi xung lên la lớn rằng: “Thần từng phụng mệnh chinh phạt nước Từ, chém được danh tướng, bắt được hơn 500 người khiến vua nước Từ khiếp sợ phải chủ động đầu hàng, cầu xin làm nước phụ thuộc, chiến công lần đó, khiến các quốc vương nước Trịnh và nước Cử thảy đều kinh hãi, cùng tôn sùng chúa công làm minh chủ, công lao như vậy cũng đủ tư cách ăn đào lắm chứ!”.
Án Tử cũng nhân đó tâu rằng: “Công lao của Điền Cương thực rất lớn, gấp 10 lần hai vị kia, tiếc đào tiên đều ăn hết rồi xin thưởng cho một chén rượu, dịp khác sẽ ban thưởng vậy!”.
Tề Cảnh Công cũng chiều theo: “Công của Tướng quân rất lớn, đáng tiếc nói hơi chậm, giờ chẳng còn quả đào nào nữa để thưởng cho ngươi”.
Điển Cương tuốt kiếm giơ lên mà rằng: “Chém rồng đánh hổ, chỉ là chuyện nhỏ, thần xông pha nghìn dặm đổ máu lập công, lại không được ăn đào tiên, thực là sỉ nhục, chẳng khác gì chuyện hai vua Tề, Lỗ hội yến, khiến cho vạn đại còn đàm tiếu, còn mặt mũi nào mà đứng giữa triều đình”. Nói rồi quay kiếm tự đâm mà chết.
Công Tôn Tiết nhìn thấy thất kinh mà rằng: “Thần công lao bé nhỏ mà cướp lấy phần đào, Điền tướng quân công rất lớn lại không được ăn, thần không nhường phần đào thực chẳng phải kẻ sĩ liêm khiết, thấy người ta chết mà không dám theo thật chẳng phải hành động của kẻ võ dũng”. Nói rồi, cũng tự đâm mà chết.
Cổ Dã vội la lớn rằng: “Ba người chúng thần tình như cốt nhục, thề cùng sinh tử, hai người đã chết, thần đâu dám ham sống chẳng đành lòng vậy!” cũng lại tự đâm mà chết.
Tề Cảnh Công thấy ba người cùng biểu lộ chí khí của kẻ hào kiệt bèn lấy lễ trọng hậu táng; đấy là câu chuyện “Nhị đào sát Tam sĩ” vẫn còn lưu truyền. Các bậc phụ lão nước Tề đôi với ba kẻ hào kiệt, cùng cảm thương người giữ khí tiết mà ngộ nạn, đã làm ra khúc ca dao bi ai “Lương Phụ Ngâm” một mặt khác cũng nói mát Án Tử người vẫn nổi danh là hiền tướng, đã lấy mẹo gian bất nhân hại người vô tội.
Có một số nhà sử học cho rằng Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm chỉ là do nhớ nhung quê hương nên thường ngâm ngợi khúc ca dao quê hương mà thôi, chẳng có nội dung gì khác, thậm chí có người cho rằng Lương Phụ Ngâm là khúc ca dao thông tục của nước Tề. Gia Cát Lượng sở dĩ ngâm ngợi chẳng phải bởi cái tiêu đề “Nhị đào sát Tam sĩ”. Tuy nhiên các sử liệu cũng không đủ bằng chứng để cho rằng Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm bởi bài ca dao ấy nói mát Án Tử, song cá tính đặc dị độc hành của Gia Cát Lượng thời trẻ, qua những dòng ghi chép trân trọng của Trần Thọ cho thấy không chỉ là tượng trưng cho nỗi nhớ quê hương mà thôi.
Án Tử, tên gốc là Án Anh là một tướng quốc nổi tiếng trong lịch sử, từng nhiều lần bằng vào trí tuệ của mình, cứu vớt quốc gia qua những nguy nan. Ông là người chính trực, nổi danh bởi những lời can gián, rất được vua Tề tín nhiệm, có quyền lực bất nhất trong triều ngoài nội. Song An Tử làm quan thanh liêm, bữa ăn thường không có cá thịt, vợ con không mặc áo đẹp, đến cả Khổng Tử rất ít khi ca ngợi các chính khách, cũng có lời khen ngợi ông. Tư Mã Thiên trong “Sử kí”, cũng xếp ông với danh tướng Quản Trọng trong “Quản An liệt truyện” khá thấy Án Tử có địa vị rất cao trong con mắt những học giả lịch sử.
Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm cho thấy ông cảm thụ sâu sắc về sự kiện ấy, ba dũng sĩ bởi sự yên định của quốc gia mà bất đắc dĩ phải hy sinh bi thảm, hình như quan tể tướng Án Tử trí lự có phần tàn nhẫn, lộ ra mặt trái tàn khốc sau những xưng tụng hoa mỹ, đối với nhân vật chính trị này, chẳng thể không luận rõ ứng xử; Gia Cát Lượng khi còn trẻ đã có ý thức về sân khấu chính trị có lãnh hội và giác ngộ triệt để.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.