Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

7. Theo đuổi đến cùng nguyên tắc quân sự cẩn thận



Ở đoạn văn cuối cùng của bản viết “Long Trung Sách” Gia Cát Lượng muốn bày tỏ cùng với Lưu Bị rằng: “Một khi đại thế thiên hạ có biến nên sai một viên thượng tướng dẫn binh mã Kinh Châu tiến lên phía Bắc trực tiếp đánh vào Lạc Dương, tướng quân lại dẫn đạo quân Ích Châu theo đường Tần Xuyên tiến đánh Quan Trung, thì còn sợ gì trăm họ chẳng mang giỏ cơm bầu nước ra nghênh đón tướng quân? Nếu như cứ theo kế hoạch nàv mà làm, tướng quân sẽ tạo dựng được nghiệp bá, nhà Hán nhất định sẽ trung hưng được”.

Trong “Xuất Sư Biểu” Gia Cát Lượng lại trình bày rõ ý kiến của mình với Lưu Thiện:
“Nay phương Nam đã bình định, binh giáp đã đầy đủ đáng khích lệ ba quân; bắc định Trung Nguyên xin đem hết lòng khuyến mã trừ sạch gian ác phục hưng triều Hán về lại cố đô, như vậy là thần báo đáp được tiên đế, mà trúng với chức phận dưới bệ rồng vậy”.
Từ đó thấy rằng Bắc phạt Trung Nguyên phục hưng triều Hán là một chí hướng đeo đẳng Gia Cát Lượng suốt một đời. Khéo thu thập chỉnh lý tin tức tình báo; Gia Cát Lượng đã dầy công chuẩn bị, mải mê với khôi phục “khí độ vương triều”, đây cũng là vấn đề quan tâm của nhiều người có tâm huyết. Đến cả những nhân vật thường gần gũi vói Tào Tháo như Tuân Úc, Thôi Diễm, Mao Giới cũng đều bởi muốn gìn giữ nhà Hán, cùng với Tào Tháo đối đầu mà dẫn đến bỏ mình hoặc chịu một số mệnh không sáng sủa. (Hai bên ở hai đầu trận tuyến mà đều vì nhà Hán vậy).
Trong cuốn Tư Mạc, Chuyên Chương cho chúng ta thấy nguồn gốc loại tư tưởng này, bao quát Gia Cát Lượng và những người cùng thời. Gia Cát Lượng kiên trì chiến lược liên Ngô chống Tào mà không lượng sức mình Bắc phạt Trung Nguyên, cuối cùng phải lâm bệnh bỏ mình giữa quân doanh ở gò Ngũ Trượng, đấy cũng là lý tương thời đại của những phần tử trí thức lúc đó.

Song Gia Cát Lượng vốn là người theo đuổi chủ nghĩa thực tế, trong cuộc chiến có thể nói lấy trứng trọi với đá này, ông giữ một thái độ luôn luôn thận trọng.
Năm Kiến Hưng thứ 5, Gia Cát Lượng nhân khi Ngụy chủ Tào Phi vừa từ trần, Tào Duệ vừa mới lên ngôi, tình hình chính trị nước Ngụy đang rối ren quyết định tiến hành Bắc phạt để mở rộng địa bàn nước Thục, giúp cuộc chiến tranh trường kỳ có thêm uy thế. Sau khi đề xuất tờ sớ “Xuất Sư Biểu” với hậu chủ Lưu Thiện, Gia Cát Lượng dẫn đại quân tiến hành cuộc Bắc phạt lần thứ nhất.
Từ năm thứ 5 Kiến Hưng đến năm thứ 12, suốt thời gian bảy năm chính sử còn ghi lại, Gia Cát Lượng trước sau tiến hành bốn cuộc chiến Bắc phạt. Tuy trong thời gian này có thu được một số thành công đáng kể, song cuối cùng đành phải rút về, ở đây có sự chênh lệch thực lực rất lớn, song Gia Cát Lượng lại là người quá thận trọng không dám mạo hiểm, mà trong binh pháp đôi khi mạo hiểm lại là cần thiết. Trần Thọ khi bình phẩm phần Gia Cát Lượng truyện có viết: “Nhiều năm huy động sức dân luôn đánh không thắng, nói về sự tháo vát ứng biến, đó chẳng phải là sở trường của ông vậy”. Điều đó có thể có lý.
Trong cuộc Bắc phạt lần thứ nhất, tại hội nghị quân sự trước trận đánh, hổ tướng Ngụy Diên có đề xuất một chiến thuật đột kích táo bạo, dẫn đại quân ra Tà Cốc, trực tiếp đánh thẳng vào Trường An tranh thủ khi Ngụy quốc còn chưa kịp phản ứng, nhanh chóng chiếm lấy Quan Trung.
Lúc đó quan trấn thủ Trường An là Hạ Hầu Mậu, con rể của Tào Tháo, thuộc loại con ông cháu cha thiếu kinh nghiệm tác chiến, nếu đột nhiên tiến đánh, có thể y sẽ kinh hoàng tháo chạy, bởi vậy kế hoạch này rất có khả năng thực hiện.
Song, chiến cuộc này cũng không khác gì người dùng sức để thi vụt bóng gậy vào đích, tuy có khả năng song cũng chỉ là phỏng chừng. Đội quân đơn lẻ thâm nhập vào Quan Trung, nếu gặp phải đại quân Ngụy quốc triệt lộ ở tuyến sau sẽ bị khốn đốn. Bởi vậy với Gia Cát Lượng là một người theo nguyên tắc cẩn trọng, chẳng thể chấp thuận chiến thuật bạo phổi này.
Chiến thuật mà Gia Cát Lượng tâm đắc, là vận dụng sách lược đánh ngắn ngày giành thắng lợi nhanh, hy vọng đánh dần dần để thắng lợi, tuy phải trả giá đắt và tốn thời gian song có thể tránh được mạo hiểm cùng thất bại.
Mùa xuân năm thứ 6 Kiến Hưng, Gia Cát Lượng lại dẫn đại quân từ đưòng Tam Cốc đánh chiếm Mi Quận, ông phái lão tướng Triệu Vân có nhiều kinh nghiệm đánh nghi binh ở Cơ Cốc để dụ đạo quân của Tào Chân. Tào Chân quả nhiên trúng kế mang toàn lực bao vây quân Triệu Vân. Gia Cát Lượng bèn dẫn quân chủ lực vượt qua Kỳ Sơn, tập kích bất ngờ, một mạch đánh phá liền ba quận Nam An, Thiên Thủy, An Định, làm chấn động cả Quan Trung, khiến hạ Hầu Mậu hoảng hốt có ý vứt bỏ Tràng An mà chạy. Ngụy chủ Tào Duệ tuy còn trẻ tuổi, song cá tính rất ôn hoà khoan dung, rất có tinh thần trách nhiệm lại có tinh thần dũng cảm của tổ tiên Tào Tháo. Ông ta đượctin cấp báo, lập tức ngự giá thân chinh, rất nhanh chóng đốc chiến ở Trường An, lại giao lão tướng trí dũng song toàn là Trương Cáp giữ cửa thành chuẩn bị quyết một trận sống mái với đội quân Bắc chinh của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng cũng phái một tướng tài là Mã Tắc làm tiên phong, tại Nhai Đình đã cùng với Trương Cáp tiến hành hỗn chiến. Chẳng may Mã Tắc cậy tài mà kiêu ngạo, thiếu kinh nghiệm thực tế chiến đấu lại không nghe lời dặn dò trước đó của Gia Cát Lượng, phạm sai lầm nghiêm trọng về đóng quân, bị Trương Cáp khoét sâu nhược điểm, khiến đội tiên phong của Mã Tắc bị tan vỡ cả, sau đó bất đắc dĩ Gia Cát Lượng phải rút về Hán Trung.
Đến mùa đông, Gia Cát Lượng lại dẫn quân ra ngoài quan ải bao vây Trần Thương, Tào Chân cũng dẫn quân chủ lực ra kháng cự, hai bên cùng đối trận với nhau. Gia Cát Lượng bởi thời tiết quá giá rét, lương thảo cung cấp lại không đủ phải đành rút quân. Mãnh tướng Ngụy quốc là Vương Song dẫn kỵ binh đuổi theo, lại vấp ngay phải mai phục của Gia Cát Lượng, binh tan, tướng chết, may mà Tào Chân doanh trại giữ nghiêm. Gia Cát Lượng vô kế khả thi đành dẫn quân rút về đất Thục chỉnh đốn lại đội ngũ, kết thúc cuộc Bắc phạt lần thứ nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.