284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

BA BÁO



   Tạ Hiện có ba con trai là Tạ Quang Hùng, Tạ Quang Hổ, Tạ Quang Báo cũng theo cha cầm quân đánh giặc. Trong ba người con của Tạ Hiện thì Tạ Quang Báo (còn gọi là Ba Báo) là hiệt kiệt nhất.

   Khi giặc Pháp đánh phá căn cứ Kiến Xương. Tạ Hiện nhận thấy ở đây đồng bằng trống trải khó phòng thủ, liền đưa quân về hoạt động ở Đông Triều. Quảng Yên. Tại đây Ba Báo có một đội quân chuyên hoạt động trên sông nước. Ông vùng vẫy ở ngã ba sông Kinh Thày – sông Kinh Môn – sông Thái Bình và còn hoạt động lên cả Lục Đầu, Phả Lại. Có khi ông còn đưa quân hoạt động cả ở vùng sông Luộc trên địa bàn huyện Ninh Giang… Tạ Quang Báo thường xuyên tổ chức những trận đánh tầu thuyền vận tải quân lính, lương thực vũ khí của quân Pháp tại ngã ba sông này. Ba Báo có thể kiểm soát được cả đồng bằng và vùng núi. Nếu quân Pháp đánh đồng bằng thì nghĩa quân rút lên miền núi, nếu quân Pháp đánh miền núi thì quân của ông lại tản ra ở với dân làng ở đồng bằng. Có trận Ba Báo tấn công pháo hạm Mitrailleuse, suýt bắn đắm nó trên sông Kinh Thày.

   Ngày 12 tháng 3 năm 1884, quân Pháp huy động 16.300 quân, 55 đại bác, nhiều pháo thuyền do tên thiếu tướng Nêgơriê (Negrier) phái từ Hải Dương đánh chiếm Phả Lại làm nơi đứng chân để đánh chiếm tỉnh thành Bắc Ninh. Nguyễn Thiện Thuật đã cùng Hoàng Văn Hoè, Tạ Quang Báo hợp quân lợi dụng đêm tối tiến sát Phả Lại rồi nổ súng mãnh liệt, xung phong đánh giáp lá cà. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt từ 17 giờ ngày 12/3 đến 2 giờ sáng ngày 13/3 thì nghĩa quân chiếm được thành. Sáng hôm sau quân Pháp bắn đại bác dữ dội vào thành rồi cho quân xung phong, nghĩa quân phải rút. 

   Trong các ngày 25 tháng 2, 28 tháng 2 và ngày 3 tháng 4 năm 1884, nghĩa quân Ba Báo cùng với nghĩa quân Hoàng Văn Hoè liên tục tấn công quân Pháp trên đường hành quân từ Phả Lại tấn công thành Bắc Ninh, cả trên đường bộ và đường thuỷ. Tháng 1/1886 quân Pháp phát hiện: “ …thấy cùng với Khoát, Ba Báo, Lang, Quý và Tiền Đức xuất hiện ở Hiệp Sơn, Chí Linh” . 

   Tháng 6/1886 tên cai tổng địa phương báo cho giặc biết chỗ ở Ba Báo. Tên đại tá Bơritxô (Brissaud) liền phái một đạo quân do một thiếu tá chỉ huy 150 lính khố đỏ, luôn đêm đi thuyền, định tảng sáng thì đến nơi. Nhưng trong khi đi thuyền mấy người lái đò cố ý chần chừ và mấy lần lạc đường phải trở lại. Kết quả quân Pháp đến không đúng hẹn. Sau khi vây làng, tên cai tổng dẫn giặc vào nhà Ba Báo ở thì Ba Báo đã đi từ một giờ trước đó, vì ông được nhân dân báo cho biết quân Pháp đến từ nửa đêm. Ba ngày sau tên cai tổng phản động bị nghĩa quân giết chết. 

   Giặc Pháp không giết, không bắt được Ba Báo, chúng điên cuồng khủng bố, tàn sát nhân dân ở những vùng Ba Báo hoạt động. Chúng phỉnh phờ lừa gạt nhân dân bằng luận điệu nếu còn che giấu, giúp đỡ Ba Báo thì giết hết người triệt hạ làng. Nếu người nào bắt hoặc giết được Ba Báo hoặc chỉ điểm chỗ Ba Báo đóng quân thì đều được thưởng. Một số tên lưu manh, có người nhà làm tay sai cho Pháp bị nghĩa quân Ba Báo trừng trị muốn nhân dịp này trả thù. Song ông được nghĩa quân và nhân dân bảo vệ, nên bọn chúng chưa thực hiện được mưu đồ.

   Sang năm 1887, quân Pháp lại kêu: “Từ tháng giêng năm 1887, Lãnh Giang lại trở về trong tỉnh liên kết với Khoát, Ba Báo, Văn và Quý. Kết quả của việc này chẳng bao lâu đã thấy rõ. Vụ nọ tiếp vụ kia, ba tầu buôn nhỏ bị tấn công khi qua sông Luộc”.

   Chiến dịch khủng bố đi đôi với mua chuộc của thực dân Pháp đã đạt được. Ngày 14/4/1887, trung tá Et vi Eschin chewiller coi đồn Bình Bạch đã bắt được Ba Báo và giết hại ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.