284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

BỔN SƯ NGÔ LỢI



Từ năm 1867 Cao đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương Trần Văn Thành, nguyên là Chánh quản cơ đã từ bỏ mọi chức vụ để theo Phật Thầy chiêu mộ nghĩa sĩ và nhân dân lập trại xây dựng căn cứ chống Pháp ở Bẩy Thưa – Láng Linh từ năm 1867 đến năm 1873.

Noi gương Bửu Sơn Kỳ Hương Trần Văn Thành, năm 1876, Bổn sư Ngô Lợi là một trong những vị chủ trương đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” là một nhà sư thoát tục song ông vẫn có tấm lòng thương dân, yêu nước thiết tha, một lòng lo đánh đuổi giặc Pháp cứu nước, cứu dân.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng căn cứ chống Pháp, năm 1876 Bổn sư Ngô Lợi đã dẫn một số tín đồ đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” vào núi Tượng là một trong bảy ngọn núi của Thất Sơn. Các tín đồ đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” đều là những ngưòi tin đạo, yêu nước.

Trong số những người theo bổn sư Ngô Lợi lên “trảm thảo khai sơn” còn có những người từng là điền chủ, từng là hương chức nên theo việc khai hoang, lập làng mới. Vì vậy chẳng bao lâu bốn làng mới mang tên là An Định, An Hoà, An Thanh, An Lập đã được dựng lên theo kiểu vừa là khu dân cư, vừa là làng chiến đấu.

Ngày 25/9/1878, Giám đốc Nội vụ Sài Gòn phát lệnh truy nã Bổn sư Ngô Lợi tức Năm Thiếp. Chúng còn treo giải 1000 đồng cho kẻ nào bắt được Ngô Lợi. Thực hiện lệnh truy nã trên có rất nhiều người theo đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” ở các tỉnh bị giặc Pháp bắt. Song Ngô Lợi có tài hoá trang, bình tĩnh, mưu trí lại được nhân dân hết lòng bảo vệ, nên vẫn an toàn. Ngô Lợi lợi dụng đêm tối và sự che chở của nhân dân trốn thoát khỏi vòng vây.

Không bắt được ông, giặc đốt phá hết nhà cửa, ngôi chùa của đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” ở làng An Định. Từ đó địch thần thánh hoá Bổn sư Ngô Lợi có phép tàng hình, thăng thiên độn thổ để che đậy sự bất lực của mình. Song điều đó càng tăng thêm uy tín cho nhà sư yêu nước Ngô Lợi. 

Bổn sư Ngô Lợi không chỉ hoạt động ở núi Cấm (Thất Sơn) – nay thuộc phần đất huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thực dân Pháp chăng lưới khắp nơi, nhưng trong suốt mấy năm liền chúng không bắt được ông. Chúng nhiều lần đốt phá nhà cửa, chùa chiền của bốn làng, nhưng giặc vừa rút, nhân dân lại trở lại dựng nhà cửa, chùa chiền. Hưởng ứng Chiếu Cần vương, bổn sư Ngô Lợi và các tướng bàn kế hoạch giương cao ngọn cờ Cần vương, phát động nhân dân vùng lên chống Pháp. Công việc tiến hành rất thuận lợi, anh hùng nghĩa sĩ khắp lục tỉnh tụ hội về…

Khoảng tháng 12/1887, tháng giêng 1888, bằng đức độ và tài thuyết phục của mình, bổn sư Ngô Lợi đã giáo hoá được Năm Cùi (tức Nguyễn Thành Liễu) là tay sai đắc lực của Đốc phủ sứ Trần Bá Lộc cài vào để ám sát bổn sư Ngô Lợi. Năm Cùi đã tình nguyện ở lại Bảy Núi, và còn quay về ám sát Trần Bá Lộc, tiếc rằng việc không thành, Trần Bá Lộc thoát chết.

Để đánh lừa giặc Pháp, tín đồ phao tin bổn sư Ngô Lợi đã chết, lập mộ giả ở Hai Ký thuộc làng An Thành. Trong khi quân Pháp còn bán tín bán nghi thì Ngô Lợi vẫn tiếp tục các hoạt động cứu nước. Song lúc này lực lượng nghĩa quân đã suy yếu, hầu hết tướng lĩnh đều bị giết, bị tù. Bổn sư Ngô Lợi mất vào năm 1890, an táng tại núi Tượng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.