284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
PHẠM HUY QUANG
Phạm Huy Quang sinh năm 1847 tại làng Phù Lưu, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Ngày 1 tháng 7 năm 1868, Phạm Huy Quang đậu cử nhân đứng hàng thứ năm. Đầu năm Tự Đức thứ 22 (1869) có dụ ở kinh đô triệu ông vào nhận chức Hàn lâm Cung phụng, tập sự ở viện Đô sát. Sau đó ít lâu Phạm Huy Quang xin chuyển về Đông đạo ngự sử Bắc Kỳ với dụng ý ngăn chặn bớt sự tham nhũng của quan lại. Năm Tự Đức thứ 25 (1872) ông về Hải Dương thị sát với Tổng đốc Phạm Phú Thứ. Ông kiểm tra các tỉnh Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên, một phần Nam Định. Đây là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng. Nhà vua đã ra điều lệnh cho lập xã thương và nghĩa thương để cứu đói cho dân khi mất mùa. Ông cùng Phạm Phú Thứ điều tra thì số thóc trên bị quan lại, tổng lý vay chi tiêu vào mục đích khác. Ông đã tìm đủ mọi chứng cứ, bắt những kẻ tham nhũng phải bồi thường cho các nhà kho. Ông đem thóc đó phân phát cho dân bị đói. Năm 1874, Phạm Huy Quang được thăng Hàn lâm Điển bạ kiêm Giám sát Ngự sử Bắc Ninh.
Tới Bắc Ninh, Phạm Huy Quang gặp lại bạn cũ là cử nhân Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, phó bảng Lã Xuân Oai, người làng Thượng Đồng, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định ( nay là xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) khi đó đang ở Bắc Ninh, Phạm Thận Duật, Bố chính tỉnh Bắc Ninh. Các ông trở thành bạn cùng chí hướng, thấy rõ Tự Đức là một ông vua mang nặng tư tưởng đầu hàng giặc Pháp, phải tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp nên phân công Lã Xuân Oai liên lạc với quân Thanh để mua súng bắn nhanh do phương Tây sản xuất. Còn ông (Phạm Huy Quang), cùng với Ngô Quang Huy, Phạm Thận Duật, giúp Nguyễn Cao người làng Cách Bi huyện Quế Dương thành lập đội nghĩa dũng Bắc Ninh.
Tháng 11/1873, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình để ép triều đình Huế nhượng lục tỉnh Nam Kỳ cho giặc Pháp.
Mặc dù triều đình đầu hàng giặc, phe chủ chiến vẫn quyết tâm đánh Pháp. Ngày 3/12/1873, quân triều đình dưới sự chỉ huy của Tán tương Trương Quang Đản cùng nghĩa quân Nguyễn Cao, Phạm Huy Quang tập kích quân Pháp chiếm lại phủ Thuận Thành.
Chán cảnh Triều đình đầu hàng giặc, mùa xuân năm 1875, Huy Quang xin từ quan mở trường dạy học. Song với lòng yêu nước thiết tha, ông lại bỏ hết gia tư, điền sản cho việc mộ quân, thiết lập các đồn mới để liên kết với các cánh quân khác cùng khởi nghĩa.
Cuối năm 1888, Phạm Huy Quang được tin nghĩa quân chuẩn bị đánh ra Nam Định đã từ Phủ Gạch về đồn Đọ bàn kế hoạch phối hợp tác chiến. Song do Khán Quyết đã chỉ điểm, quân Pháp biết rõ hành trình của Phạm Huy Quang, chúng cho Khán Quyết và hai tên lính tập giả làm phu khiêng cáng vào làng Đọ chờ sẵn. Khi Phạm Huy Quang bàn việc ở đồn Đọ xong lên cáng trở về đồn Phủ Gạch để bàn kế hoạch đưa quân đi đánh phối hợp. Khán Quyết và hai tên phu cáng ra khỏi làng Đọ chúng không đưa ông về Phủ Gạch mà về đồn Châu Giang. Ông đòi xuống, chúng ra hiệu cho Bang Văn chỉ huy một toán lính bám theo sau ập đến bắt ông giải về đồn Châu Giang. Quân Pháp tra tấn ông không moi được tin tức gì, ngay sáng hôm sau chúng đưa ông ra bãi bắn chết.
Phạm Huy Quang hy sinh song phong trào kháng chiến chống Pháp còn duy trì tới năm 1892 mới tan rã. (Danh nhân Thái Bình – Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1 – Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb văn học, Hà Nội. 1977).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.