284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÃNH MỊCH



Lãnh Mịch tên thật là Nguyễn Mịch, là con trai thứ tư nhà yêu nước Nguyễn Thành Thà, người đã phối hợp với Đốc học Phạm Văn Nghị đánh quân Pháp từ năm 1873 khi đang làm Chánh quản ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1883, quân Pháp hạ thành Nam Định lần thứ hai, Nguyễn Thành Thà giữ Cửa Đông, bị thương vẫn chiến đấu. Thành mất, ông về Vị Xuyên tổ chức nghĩa quân đánh giặc Pháp.

Tháng 4 năm 1883 , Đinh Gia Quế lập căn cứ kháng chiến ở Bãi Sậy, phủ Khoái Châu, ông cử con cả là Nguyễn Khả Lương, con thứ hai là Nguyễn Sung sang chiến đấu dưới ngọn cờ “Nam Đạo Cần Vương – Bình Tây phạt tội”. Tháng 4 năm 1885 khi Nguyễn Thiện Thuật về trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ông lại cử con thứ ba là Nguyễn Giới, con thứ tư là Nguyễn Mịch sang Bãi Sậy chiến đấu dưới dự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thuật, ông Thuật giao cho ông và anh ông là Nguyễn Giới giúp Bang Tốn, xây dựng phòng tuyến sông Luộc. Nguyễn Mịch chỉ huy một đồn binh ở miệt vạn chài ven sông Luộc cách đồn Úng Lôi của giặc Pháp không xa. Nghĩa quân của ông phần lớn là dân chài đánh cá trên sông Luộc và các ngòi lạch thuộc huyện Tiên Lữ và huyện Thần Khê. ông đảm đương đầu mối liên lạc giữa ban chỉ huy trung tâm cuộc khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch với hai huyện Thần Khê, Duyên Hà ở bên kia sông Luộc. Mỗi khi có các cuộc hành quân lớn của nghĩa quân qua sông Luộc thì ông cho quân bao vây, khống chế đồn Úng Lôi. Ông đã hai lần tấn công đốt trụi đồn Úng Lôi. Song quân Pháp không thể bỏ vị trí quan trọng này nên chúng lại dồn quân đến tái lập đồn.

Do lập được chiến công xuất sắc, Nguyễn Mịch được Nguyễn Thiện Thuật phong làm Lãnh binh. Nguyễn Thiện Thuật chủ trương phát triển lực lượng nghĩa quân sang huyện Thần Khê và huyện Duyên Hà nên đã cử Lãnh Mịch cùng anh trai là Đốc Giới về đóng đồn ở quê ông là làng Phan Bổng, Đống Lau, xã Đỗ Mỹ huyện Thần Khê. Đồn binh này đã chặn đứng các cánh quân Pháp từ Nam Định, từ huyện Vũ Thư đánh sang. Đồng thời kiểm soát con đường từ phủ Thái Bình (sau là tỉnh Thái Bình) sang các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Quân Pháp đánh mãi không được, mới sai tên Việt gian Hoàng Cao Khải cho tay sai gọi loa dụ hàng.

Không khuất phục được anh em Lãnh Mịch, Đốc Giới bằng vũ lực và dụ hàng, Hoàng Cao Khải bao vây chặt làng Phan Bổng, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế từ ngoài vào. Chúng còn kéo đại bác từ Nam Định sang bắn phá ác liệt vào làng Phan Bổng. Người dân nào chạy ra khỏi làng là chúng bắt tra tấn cực kỳ man rợ. Bị bao vây nhiều ngày, thiếu đạn, thiếu gạo, thiếu muối, vô cùng mệt mỏi, mất hết sức chiến đấu đến lúc đó quân Pháp mới ào ạt tấn công vào làng.

Lãnh Mịch và Đốc Giới chỉ huy nghĩa quân đánh quân Pháp, nhiều nghĩa quân hy sinh và bị bắt. Lãnh Mịch, Đốc Giới cũng bị chúng bắt. Chúng dụ dỗ các ông đầu hàng sẽ không giết, Lãnh Mịch kiên quyết phản đối. Giặc hèn nhát đem anh ông là Đốc Giới về Kỳ Bá chém, còn ông chúng đưa ông về bến đò Phiên ở làng chém để uy hiếp đồng bào.

Vua Hàm Nghi nhận được bản tấu đã truy tặng ông và anh ông hàm Nhiêu, Nam sĩ phu trong tỉnh Hưng Yên và Nam Định làm nhiều thơ, câu đối phúng viếng, trong đó có câu:

Tích nhật Lục Giang Pháp phỉ kinh hồn
Phan Bổng anh hùng, đốc lãnh dân xưng bất hủ;
Kim thiên Lô Đống, nguỵ quân táng đởm,
Nông Kỳ tráng sĩ, Nhiêu Nam để tặng trường linh.

Dịch:

Ngày trước sông Luộc giặc Pháp kinh hồn, anh hùng Phan Bổng, Đốc Lãnh dân còn tôn mãi;
Hôm nay Đồng Lau ngụy quân vỡ mật, tráng sĩ Nông Kỳ, Nhiêu, Nam vua tặng không mờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.