284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
PHAN VĂN ĐẠT
Phan Văn Đạt tên chữ là Minh Phủ, sinh năm 1828, cha là Phan Văn Mỹ, người thôn Bình Thạch, huyện Tân Thạnh, Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Thuở nhỏ Phan Văn Đạt thông minh, học giỏi, thông hiếu kinh sử, sở trường về thư từ và có phong cách như người lớn. Năm 1848, ông đậu cử nhân tại trường thi Gia Định (có sách viết ông đậu cử nhân năm Canh Thân – 1860). Nhà ông nghèo, không có tiền ra kinh đô Huế để bổ nhiệm làm quan. Bạn bè phải giúp đỡ mới có tiền lệ phí. Ông ở Huế một thời gian thấy quan lại đều là bọn đục khoét dân, xu nịnh, nên ông bỏ quan về quê làm thuốc và dạy học.
Tính tình ông ngay thẳng, không quỵ lụy bọn quan lại, nên được mọi người kính mến. Dân làng có chuyện xích mích đều đến nhờ cậy phân xử. Vì vậy mọi người dân bảo nhau: “Sợ chênh lệch thì nhờ mặt cân, muốn hết tranh giành thì nhờ ông Phan”.
Năm 1859 quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, ông căm thù chúng, nhưng còn cha già nên đành ở nhà phụng dưỡng, lo tròn chữ hiếu.
Tháng 3 năm Tự Đức 14 Tân Dậu (1861), thân phụ ông qua đời, ông bảo các bạn: “Việc riêng của tôi thế là xong. Từ nay về sau tôi sẽ tùy theo tạo hóa vần xoay”.
Cũng thời gian đó, tỉnh thành Thuận Hóa thất thủ, quan quân triều đình lui về giữ Biên Hòa. Phan Văn Đạt cùng với người cháu họ bên ngoại là Trịnh Quang Nghị và hương thân Gia Định là Lê Quang Dũng khởi binh đánh Pháp. Trai tráng các huyện theo về rất đông, ông chia quân đóng giữ phía nam Biện Kiều, thôn Bình Thạnh, Gia Định. Tại đây ông ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân chống Pháp. Tiếng tăm của ông vang dội, người các huyện Bình Dương, Tân Lập, Tân Long, Tân An, Tân Hòa nổi dậy hưởng ứng rồi gia nhập nghĩa quân của ông.
Khi Phan Văn Đạt mới khởi binh, thế lực còn yếu, lại thấy quan quân của triều đình đóng ở Biên Hòa không tiến đánh, nên bàn với nhau đóng quân ở nơi hiểm yếu chờ cơ hội. Vì nghĩa quân để mất thế chủ động, nên ngày 16 tháng 7 năm Tân Dậu (1861), tướng Pháp là Ba Xu đóng đồn ở phủ Tân An dò biết tình hình liền đem quân về đánh úp Biện Kiều. Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng cùng 6 nghĩa quân bị bắt, Lê Quang Nghị đóng đồn ở Ô Khê (Tây Nam Biện Kiều) cũng bị quân Pháp tập kích, ông cố sức đánh phá vòng vây chạy thoát.
Giặc Pháp dùng cực hình tra tấn Phạm Văn Đạt, Lê Cao Dũng và 6 nghĩa quân. Song các ông không hề run sợ, không khuất phục, ông bảo với bẩy anh em: “Tôi thì chắc chết, còn các anh thì không can gì. Nhờ các anh em nói lại với các bạn đồng tâm nên cố sức cho thành công”.
Thấy ông can trường như vậy, tên chỉ huy Pháp lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn. Tên này trỏ vào Phan Văn Đạt nói rằng: “Người này là hiệt kiệt nhất trong Đảng, nên bắn phứt đi cho rồi!” .
Vì thế Phan Văn Đạt bị hành hình, chúng tàn bạo lấy móc sắt móc vào cổ họng ông treo lên cột buồm tầu của chúng tại Vũng Gù (Tân An) suốt ba ngày cho đến chết. Năm đó ông mới 34 tuổi. Nhân dân vô cùng thương xót: đốt vàng mã, cúng tế ông. Bà chị ông Trần Quang Nghị sai người tìm được thi hài ông đưa về chôn cất ở phía nam Biện Kiều, nơi ông khởi nghĩa.
Tháng 9 năm Tân Dậu (10/1861), vua Tự Đức truy tặng ông hàm tri phủ, trật tòng ngũ phẩm và cho nhân dân lập miếu thờ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.