284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN TỬ TƯƠNG



   Nguyễn Tử Tương sinh ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (5 tháng 6 năm 1844) ở thôn Thư Điền, xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

   Nguyễn Tử Tương bản tính thông minh, học giỏi, văn chương phóng túng không chịu gò bó trong “khuôn vàng, thước ngọc” của nho học. Ông muốn nối chí cha đang giữ chức án sát tỉnh Quảng Yên nên còn học thêm võ nghệ. Ông không ngừng cùng bạn bè luyện tập, được giới võ lâm trong vùng kính nể. Vì văn chương phóng túng, chuộng võ hơn văn chương, nên ông đi thi mấy lần đều bị quan giám khảo đánh trượt, lận đận mãi đến năm 24 tuổi mới thi đỗ tú tài, năm sau đó thi cũng chỉ đỗ tú tài. Chán con đường khoa cử, ông xuống Quảng Yên giúp cha cầm quân đánh dẹp giặc Tầu Ô, hải phỉ lập được nhiều chiến công.

   Chiến công của ông đánh dẹp quân Tàu Ô, hải phỉ được triều đình biết tới. Mặc dầu ông mới đỗ tú tài vẫn được bổ nhiệm chức Bang biện sơn phòng tỉnh Thuận Hoá. Từ đó ông có tên gọi là “Bang Tương”. Do ông có công lao xây dựng lực lượng biên phòng và bảo vệ biên giới phía Tây tỉnh Thuận Hoá, dẹp yên nạn trộm cướp, lưu manh ở miền Tây Thuận Hoá nên ông được thăng Thương biện tỉnh vụ.

   Ngày 25/4/1882, quân Pháp do Henri Riviere hạ thành Hà Nội. Triều đình Huế đã không chống cự, còn ra lệnh bãi binh chiêu hồi các tướng đang đánh Pháp về Kinh đợi chỉ, ngăn cấm nhận dân không được tổ chức lực lượng vũ trang đánh Pháp. Nguyễn Tử Tương liền từ quan về quê ở Ninh Bình. Tại đây ông đã liên lạc với nhiều sĩ phu yêu nước như Đinh Văn Tâm ở xã Hàng Sơn, Ba Chu ở xã Quán Vinh, Nguyễn Thể Kháng ở xã Áng Ngữ, Đinh Văn Phú và Đinh Hữu Khang ở xã Tri Hối đều thuộc tỉnh Ninh Bình, chuẩn bị lực lượng để khi có thời cơ thì nổi dậy đánh Pháp xâm lược và vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc.

   Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, nghĩa sĩ khắp nơi hưởng ứng. Thời cơ đã tới, Nguyễn Tử Tương liền cùng các ông Đinh Văn Tâm, Nguyễn Thế Khánh, Phạm Văn Chu, Đinh Văn Phú, Đinh Hữu Khang dựng cờ nổi trống phát động nhân dân hưởng ứng. Nguyễn Tử Tương còn liên hệ với Trần Xuân Soạn quê ở Thanh Hoá. Ong cũng tới Tiên Động ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phúc liên hệ với Nguyễn Quang Bích, được Nguyễn Quang Bích thừa lệnh vua Hàm Nghi phong là Tán tương quân vụ phụ trách nghĩa quân Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Khi đã có lực lượng được trang bị vũ khí, Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Tương bàn với ông Tú Đập đánh tỉnh thành Ninh Bình vào đêm 20 tháng 4 năm Bính Tuất (23/5/1886). Nhưng do chuẩn bị chưa tốt việc liên lạc với các cánh quân chưa chặt chẽ, đặc biệt là thiếu đội quân mạnh ở Hoà Bình do Đề Đập chỉ huy. Quân của ông đã đột nhập vào tỉnh lỵ Ninh Bình, nhưng xét thấy không đủ lực lượng công thành, nên ông cho đốt cổng Đông, chợ Phủ rồi rút lui.

   Bị quân Pháp truy kích, Nguyễn Tử Tương rút quân lên miền núi tiếp tục huấn luyện, chiêu mộ thêm quân. ông đã phối hợp với nghĩa quân Nam Định, nghĩa quân Hà Nam đánh các trận ở Nho Quan, Ý Yên, Phủ Lý gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Năm 1887, thực dân Pháp phát động lệnh các xã phải truy bắt ông nộp cho chúng, song nhân dân vẫn bảo vệ ông.

   Nguyễn Tử Tương ở rừng núi lâu ngày bị mắc bệnh sốt rét, bụng bang. Năm 1898 ông về nhà chữa bệnh, bị tên Cựu Bưởng phản bội báo cho giám binh Ninh Bình đến bắt. Thực dân Pháp và tay sai dụ dỗ ông ra làm quan, chúng sẽ chữa khỏi bệnh và cho ông hưởng vinh hoa phú quý, nhưng ông nhất định phản kháng. Đêm 16 tháng 10 năm Mậu Tuất (29/11/1898) Nguyễn Tử Tương dùng dao găm tự vẫn để tỏ thái độ bất hợp tác đối với giặc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.