284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐẶNG HUY TRỨ



Đặng Huy Trứ sinh ngày 19 tháng 3 năm Ất Dậu (26/5/1825). Quê gốc của ông ở thôn Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Đặng Huy Trứ là người thông minh từ nhỏ. Ông thi Hội, thi Đình đỗ tiến sĩ nhưng vì phạm húy, nên bị tước hết học vị. Ông vừa dạy học để kiếm ăn, vừa đi học. Năm 1847, ông đi thi lại đỗ cử nhân.

Đặng Huy Trứ vốn là nhà nho yêu nước, nên ngay từ buổi đầu giặc Pháp xâm lược, ông đã đứng về phe chủ chiến và là người hăng hái tích cực, sau đó ông được thăng tri phủ Kiến Xương, rồi tri phủ Thiên Trường, Nam Định. Tự Đức gọi ông về kinh giữ chức Hàn lâm viện trước tác, sau thăng ngự sử.

Ngày 1 tháng 9 năm 1858, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha do tên thiếu tướng Rigôn đờ Giôny phó thủy sư đô đốc, tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam tấn công bán đảo Sơn Trà. Ông đang còn là quan tập sự, nhưng đã thực hiện ý chí quyết chiến của mình, sẵn sàng chống giặc bảo vệ Tổ quốc. 

Đặng Huy Trứ là người thẳng thắn, kiên quyết, không sợ cường quyền. Khi ông làm quan ngự sử, biết việc viên Tham tri bộ Binh, một chức quan cao hơn ông có hành vi tham nhũng, ông vẫn thẳng thắn vạch tội. Vì vậy bọn quyền thần căm ghét ông, hùa nhau hãm hại ông, chỉ trong 9 tháng, ba lần ông bị giáng chức.

Năm 1854, Đặng Huy Trứ được bổ làm Bố chính tỉnh Quảng Nam.

Đặng Huy Trứ là người chính trực, công bằng, ông đã phát hiện nhiều nhân tài tiến cử với vua Tự Đức, trong đó có việc tiến cử các ông Nguyễn Quýnh, Hoàng Diệu, Phan Thanh Nhã…

Hai năm sau ông lại được điều về kinh làm Biện lý bộ Hộ. Một thời gian sau, ông xin từ chức Biện lý bộ Hộ xin vua Tự Đức cho lập ty Bình chuẩn. Đặng Huy Trứ được bổ nhiệm giữ chức Bình chuẩn sứ ty. Đặng Huy Trứ đã mở rộng phạm vi hoạt động của ty Bình chuẩn không chỉ có quản lý việc buôn bán, mà còn làm cả nhiệm vụ khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp, thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải. Khoảng đầu năm 1867, Tự Đức lại phái Đặng Huy Trứ sang Trung Quốc, Áo Môn với nhiệm vụ chính là mua súng đại bác, súng bắn nhanh của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha bán vào Trung Quốc.

Đặng Huy Trứ vừa đến Quảng Châu thì do không hợp thủy thổ, cuộc hành trình vất vả ông bị bệnh nặng phải vào nằm nhà thương trong hoàn cảnh không tiền tiêu, không thân thích bạn bè. Song ông đã dẹp tất cả sự đau khổ vì bệnh tật, vì túng quẫn không bạn bè để tâm sự và nỗi buồn vì triều đình bãi bỏ ty Bình chuẩn, mà ông phải mất bao công sức gây dựng nên, để viết phương lược cứu nước thoát khỏi bọn xâm lược của thực dân Pháp và xây dựng một quốc gia dân giầu, nước mạnh. Ông đã phải sống trong nhà thương ở nơi đất khách quê người kéo dài tới 9 tháng. Song thời gian đối với ông cũng không uổng, ông đã tổng kết kinh nghiệm canh tân của nhà Thanh, Cao Ly, Ba Tư, Nhật Bản và đề ra quyết sách tự cường cho nước Việt Nam. Đặng Huy Trứ tổng kết kinh nghiệm canh tân của các nước, song ông thấy bệnh tình không thuyên giảm, số mình chết sớm, ông đã viết nhanh cuốnTừ thụ quy với 4 tập, dầy 900 trang để bàn về vấn đề chống tham nhũng.

Nằm nhà thương, bệnh tình vừa đỡ, ông đã bắt tay vào nhiệm vụ chính của triều đình giao phó là mua súng. Bằng mối quen biết, tài ngoại giao, ông đã mua và đưa về nước 239 khẩu pháo sơn quả. Đây là thứ vũ khí tối cần thiết cho việc phòng thủ đất nước. 

Sau chuyến đi sứ này, Đặng Huy Trứ làm sớ đề nghị vua Tự Đức có những cải cách tình hình như mở mang công nghệ, lập cục cơ khí, xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc, thiết bị như phương Tây. Để có thợ cơ khí giỏi, nhà nước mở trường dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang dạy nghề, cử thanh niên sang các nước có công nghệ tiên tiến học nghề. Ông cũng đề nghị nhiều biện pháp cải tiến về ngoại thương.

Đặng Huy Trứ trở ra Bắc mở hiệu ảnh, nhà in, cho xuất bản binh thư và minh thư cùng Đại Nam quốc sử diễn ca. Đây là hiệu ảnh, nhà in, nhà xuất bản đầu tiên do người Việt sáng lập, làm chủ. Đặng Huy Trứ cũng không ngừng phát triển phố Thanh Hòa là thương điếm lừng lẫy nhất của ông. Khi ty Bình chuẩn bị giải tán, ông đi Trung Quốc thì các cộng sự của ông vẫn mở mang phát triển.

Những hoạt động của Đặng Huy Trứ trở nên bí ẩn trong con mắt thủ cựu của Tự Đức và triều đình Huế, Tự Đức nghi ngại ông “tìm một cách gì đó ngoài phạm vi của triều đình”.

Để triệu ông về khống chế, năm 1871, triều đình bổ nhiệm ông làm Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái. Ông giao thương điếm cho các cộng sự, chuyển hiệu ảnh từ thành Hà Nội về phố Gia Lâm.

Ông đã cùng với Hoàng Kế Viêm, Hoàng Diệu khi đó với chức trách Khâm phái quân vụ và các tướng dẹp yên thổ phỉ, xây dựng căn cứ địa, lo công tác phòng thủ, tích trữ lương thực ở bốn tỉnh trên làm căn cứ kháng chiến vững chắc, lâu dài. 

Ngày 20/11/1873, Francis Garnier đánh chiếm thành phố Hà Nội và các phố buôn bán, các phủ huyện, khu phố Thanh Hà, Thương điếm của ông bị bọn tay chân của quân Pháp cướp hết của cải, tàn phá tan hoang.

Quân Pháp đánh lấn ra các tỉnh Bắc kỳ, Đặng Huy Trứ theo Hoàng Kế Viêm rút quân về căn cứ Đồn Vàng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Hưng Hóa nay là thị trấn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 3 tháng giêng năm 1874 , phái đoàn Hiệp thương Việt – Pháp do Nguyễn Văn Tường và Phi Lát tới Hà Nội. Hai bên ký Quy ước ngày 5 tháng giêng và ngày 6 tháng 2/1874 nội dung: Pháp trao trả Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định cho triều đình Huế. Cho giải thể 12.000 người, phần lớn là dân theo đạo Thiên chúa theo chân Francis Garnies đi phá rối ở các nơi. Triều đình không được đưa thêm quân đến các tỉnh Pháp vừa trao trả. Phải để cho quân Pháp được ở lại Bắc Kỳ tự do đi lại trên đường sông, đường bộ. Triều đình phải ra ngay bản tuyên bố ân xá tất cả những người vừa qua đã cộng tác với Pháp.

Ngày 25 tháng 6 năm Giáp Tuất (7/7/1874) Đặng Huy Trứ lâm bệnh nặng, ông qua đời ở chợ Bến, Đồn Vàng năm 49 tuổi. Mộ ông táng ở Hòn Thông, Hiền Sí, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông mất trong khi hoài bão chấn hưng kinh tế, phát triển công nghiệp và kháng chiến chống thực dân Pháp chưa được thực hiện. Sách Đại Nam nhất thống chí có lời bình: “Đặng Huy Trứ khảng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc chưa làm xong đã mất, ai cũng tiếc”

Sau này Phan Bội Châu coi ông như: “Trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”.

Đặng Huy Trứ viết rất nhiều sách. Riêng về thơ có Hoàng Trung thi sao; Văn có Tứ thư văn tuyển; Nhị vị toàn tập; Việt sử thánh huấn diễn nôm (sử, văn) Nhớ hoàng di cư tập, Bách duyệt tập, sách học vấn tâm (giáo dục)…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.