284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
KỲ ĐỒNG NGUYỄN VĂN CẨM
Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn cẩm sinh ngày 10 tháng 8 năm 1875, cha là Nguyễn Văn Tỵ đỗ nhị trường, sống bằng nghề dạy học, đan lát và đóng cối xay, dân làng gọi là cụ Đồ Tỵ. Nguyễn Văn Cẩm sớm bộc lộ thông minh kỳ lạ từ khi mới bốn, năm tuổi. Năm 6 tuổi đã học chữ Nho, có tài ứng đối nhanh và rất tài tình. Lên bẩy tuổi, đã biết làm thơ chữ Hán và thuộc nhiều câu sấm Trạng Trình. Nghe đồn Nguyễn Văn Cẩm thông minh kỳ lạ, nhiều nhà nho đến tận nơi thử tài. Một hôm bạn của cha cậu đến chơi, đọc một câu trong sách:
Tam tài: thiên, địa, nhân (Ba cõi trời, đất, người).
Nguyễn Văn Cẩm ngồi chơi ở góc nhà liền đối:
Tứ thi: phong, nhã, tụng.
Chỗ hóc búa là nói đến bốn thể thơ mà chỉ có ba. Nhưng tuy ba mà bốn, vì chữ Nhã bao gồm cả chữ nhã và tiểu nhã cộng vói phong, tụng đúng là bốn thể thơ.
Những huyền thoại đối đáp của Kỳ Đồng với những nhà thâm nho, những vị khoa bảng nhiều và hết thảy người ra đối đều vô cùng thán phục. Điều đặc biệt là Kỳ Đồng chưa một lần bị thua cuộc.
Lên tám tuổi, Nguyễn Ván cẩm được cha dẫn lên tỉnh Hưng Yên dự kỳ thi sát hạch, chuẩn bị cho kỳ thi Hương ở Nam Định. Các quan chấm thi, thấy cẩm bé, ra câu đối cực khó, nhưng Kỳ Đồng lập tức đối lại rất chỉnh khiến các quan trường đều phải phục tài. Kết quả Nguyễn Văn Cẩm đạt hạng Ưu. Các quan tỉnh kinh dị làm sớ tâu về triều.
Vua Tự Đức có chỉ dụ: “Cấp cho trẻ lạ Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ (tức Cẩm) lên tám tuổi mà thông minh, nhà nghèo, chăm học, mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo, quần áo mỗi thứ hai cái, một năm cấp một lần”. (Trong bức thư gửi cho công sứ Thái Bình ngày 2/5/1897. Nguyễn Văn Cẩm cho biết tên Kỳ Đồng là do vua Tự Đức ban)
Tiếng tăm và những huyền thoại của Kỳ Đồng ngày càng vang xa. Nhân dân ở các tỉnh Bắc Kỳ, kể cả Thanh – Nghệ rất ngưỡng mộ và kính phục coi ông như Trạng Trình giáng sinh để cứu dân, cứu nước đã kéo nhau về xem mặt Kỳ Đồng đông như trẩy hội.
Năm 1887 phong trào theo Kỳ Đồng lên rất cao, các sĩ phu yêu nước ở Nam Định, Thái Bình muốn nhân dịp này tổ chức lực lượng để đánh chiếm thành Nam Định, nên đã tuyên truyền rộng rãi những kỳ tài của Kỳ Đồng.
Thống sứ Bắc Kỳ Bờ Ri e rơ (Brrière) trước từng làm công sứ Nam Định, sợ Kỳ Đồng trở thành ngòi nổ cho một cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Bắt Kỳ Đồng đưa đi tù thì lập tức dân có phản ứng mạnh mẽ đòi trả tự do cho thần tượng. Hắn liền đưa Kỳ Đồng sang học ở trường Lui Lơgrang (Louis Le Grand) ở thủ đô Algé nước Algéri để tách ông ra khỏi phong trào chống Pháp và hy vọng đào tạo thành tay sai của chúng. Tại Algérie, Kỳ Đồng đã liên hệ với vua Hàm Nghi (vua Hàm Nghi hơn Kỳ Đồng ba tuổi). Tháng 9 năm 1896, Kỳ Đồng đỗ tú tài toàn phần, chúng đưa ông về nước. Bọn cầm quyền Pháp giao cho ông nhiều chức vụ nhưng ông không nhận. Ông trở về quê mở trường dạy học chữ Hán và chữ Pháp. Người đến học trường ông rất đông. Ông làm giỗ bố thật to để bạn bè xa gần đến làng Ngọc Đình cùng nhau hội ngộ bàn việc cứu nước. Trước những hoạt động tích cực vận động phong trào chống Pháp của Kỳ Đồng, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường và giám sát ông chặt chẽ.
Kỳ Đồng xin phép mở đồn điền song mật thám Pháp cho theo dõi sát từng hành động nhỏ của ông ở khắp mọi nơi.
Kỳ Đồng trở thành quân sư của cuộc khởi nghĩa lớn do Mạc Đình Phúc lãnh đạo. Trước nguy cơ bùng phát một cuộc khởi nghĩa mới, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh cho Péroz chỉ huy đạo quân Yên Thế phải bí mật bắt Kỳ Đồng. Khi ông bị bắt, giặc Pháp dùng thuyền máy đưa ông về Hải Phòng. Từ Hải Phòng chúng đưa ông vào Sài Gòn theo đường biển rồi giải sang Pháp. Từ khi bị bắt, chúng cùm xích ông canh gác rất chặt rồi đưa đi đầy ở Tahiti thuộc quần đảo Polinêdi. Tin tức Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị Pháp bắt đầy sang đảo Tahiti, lập tức Hội Bảo vệ và bênh vực nhân dân bản xứ tại Pháp, bác sĩ Ghia người cùng Kỳ Đồng khai phá đồn điền chợ Kỳ ở Yên Thế đã gửi thư cho Toàn quyền Pôn Dume đòi trả tự do cho Kỳ Đồng nhưng không kết quả. Tại Tahiti, Kỳ Đồng đã làm quen với nhà danh họa người Pháp bị đày sang đó năm 1901. Ông viết một vở kịch ba hồi “Những mối tình của người họa sĩ già ở quần đảo Mác ki dơ”. Trong suốt 30 năm bị đi đầy, ông không được gặp một người đồng bào nào của mình, không hề biết tin tức gì về đất nước mình. Ông mất ngày 17/7/1929.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.