284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HOÀNG VĂN HÒE



   Hoàng Văn Hòe sinh năm Mậu Thân (1858). Quê ông ở làng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Tân Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Khoa thi năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870) ông đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nội. Năm 1858, quân Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Năm 1859, quân Pháp đánh tỉnh thành Sài Gòn, thì Nguyễn Tư Giản dâng sớ về kế sách đánh Pháp, Hoàng Văn Hòe làm bài thơ:

         LỜI HÔ HÀO ĐÁNH GIẶC

      Vua nước lo hôm sớm
      Kinh xưa khói mịt mùng
      Quân ta mau tiên phát
      Thẳng đến thành Hoàng Long.

   Bài thơ có tác dụng thôi thúc mọi người gia nhập đội quân do nhà yêu nước Phạm Văn Nghị chiêu mộ vào Nam giết giặc.

   Ngày 11 tháng 10 năm 1873, Thiếu tá Hải quân Francis Garnier dời Sài Gòn đem binh thuyền ra đánh Bắc Kỳ. Ngày 20/11/1873, Garnier tấn công thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, bị giặc bắt đã tuẫn tiết. Cuối tháng 11/1873 , quân Pháp vượt sông Hồng đánh chiếm huyện Gia Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hoàng Văn Hòe chiêu mộ quân đánh Pháp, khích lệ những người tham gia đội quân kháng chiến ông làm bài thơ:

         KHẨU HIỆU

      Sơn mãng do tiềm thử
      Giang ba hốt phí kình
      Xích mi vị năng phá
      Bạch diện bất tu binh
      Tân đảm lao thần lự
      Yên trần thảng cổ kinh
      Nhạc quân đương tảo phát
      Thống ẩm Hoàng Long thành.

Dịch nghĩa:

      Chuột vẫn còn lẩn ở núi cỏ rậm,
      Cá kình bỗng làm sôi sục sóng sông
      Giặc lông mày đỏ chưa phá được
      Cánh thư sinh mặt trắng thì không biết việc binh
      Làm nhọc lòng vua phải nằm gai nếm mật
      Kinh đô cũ gió bụi âm thầm
      Quân của ông Nhạc nên sớm xuất phát.
      Tiến thẳng đến uống say ở thành Hoàng Long.

   (Khẩu hiệu tức là lời hô hào đi đánh giặc. Nguyên chú: Quý Dậu niên (1873) Hà Thành hữu sự, dư thời mộ dũng tòng thứ. (Năm Quý Dậu (1873) Hà Nội có việc, tôi lúc bấy giờ mộ quân đi theo quân thứ.
   Xích mi: tên gọi nhóm giặc bôi lông mày đỏ thời Tây Hán. Ởđây chỉ giặc Pháp.
   Ông Nhạc đây chỉ Tống Nhạc Phi đời Tống chống quân xâm lược Kim
   Khi Nhạc Phi đem quân đánh Kim có hát: “Ta quyết đánh thẳng vào thành Hoàng Long mà uống say”. Đây ví Hoàng Long với Thăng Long lúc đó bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ nhất. Hoàng Văn Hòe viết bài này kêu gọi lấy lại thành Thăng Long).

   Hoàng Văn Hòe đã đem đội nghĩa quân của mình chiến đấu dưới sự chỉ huy của Phạm Thận Duật và Trương Quang Đản tiến đánh quân Pháp, ngày 4 tháng 12/1873 tiêu diệt đồn binh Pháp đóng ở Gia Lâm. Ngày 21/12/1873 giải phóng huyện Siêu Loại Gia Lâm, (Siêu Loại, đều thuộc trong phủ Thuận Thành). Năm 1874, triều đình Huế ký Hòa ước với Pháp , Hoàng Văn Hòe tiếp tục dùi mài kinh sử, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Tự Đức thứ 33 (1880). Sau đó ông lại trúng tuyển khoa Yếm bác. Ông được bổ làm Tri phủ Kiến Xương, hàm Thị độc.

   Sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Hannand (8/1883) Hoàng Văn Hòe từ quan, gia nhập nghĩa quân Tạ Hiện chiến đấu ở vùng Nam Định, Thái Bình. Sau đó Hoàng Văn Hòe cùng Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Dương Khải thành lập Đại nghĩa đoàn, còn gọi là Tam tỉnh nghĩa quân. Đại nghĩa đoàn có hơn 5000 quân tuyển từ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

   Nghĩa quân đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn như trận Ngọc Trì, tên nôm là làng Bến nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Sau vài tháng chiến đấu, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích liên tục nghĩa quân tan rã, một số gia nhập các lực lượng kháng chiến khác. Để tăng cường lực lượng phe chủ chiến ở triều đình, Tôn Thất Thuyết tiến cử ông với vua Hàm Nghi. Vua triệu ông về triều giữ chức Sử quán Biên tu kiêm Kinh diên Khởi cư trú.

   Đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm 1885 , Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tiến đánh Tòa khâm sứ, đồn Mang Cá. Hoàng Văn Hòe được giao chỉ huy một cánh quân đánh vào đồn Mang Cá, ông hy sinh anh dũng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.