284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HOÀNG PHAN THÁI



   Hoàng Phan Thái quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, ông thi đỗ đầu xứ, nên các nhà nho suy tôn ông là “Đầu xứ Thái”.

   Ngày 15 tháng 3 năm 1874 , triều đình Huế ký với thực dân Pháp bản Hiệp ước mang tên “Hiệp ước hoà bình và liên minh” tại Sài Gòn (Trong sử sách còn gọi là Hiệp ước Giáp Tuất). Hiệp ước có 22 điều khoản. Trong đó điều khoản 5 ghi: “Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên phần đất Việt Nam kể từ địa giới phía Nam tỉnh Bình Thuận trở vào”.

   Lập tức các sĩ phu, nhân dân khắp nước, đặc biệt là ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ dấy lên phong trào phản đối triều đình Huế bán nước và thực dân Pháp cướp nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra với khẩu hiệu “Đánh cả triều lẫn Tây”. Hội Văn thân Nghệ Tĩnh phát “Hịch bình Tây” trong đó có câu: ‘Triều đình dẫu hoà với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam quyết không chịu. Vậy… xin đánh đuổi Tây cho hết để giữ lấy nền văn hiến của ta đã có hơn ngàn năm nay”.

   Hưởng ứng “Hịch Bình Tây”, Phan Thái xưng hiệu là “Đông Hải đại tướng quân” chiêu mộ nghĩa binh chống lại sự bạc nhược của triều đình Huế đầu hàng giặc Pháp. Triều đình Huế đưa quân đến Nghi Lộc quê hương ông vây bắt. Ông bị bắt đưa ra xử chém.

   Hoàng Phan Thái hy sinh khi chưa thực hiện được hoài bão giết giặc, trừ gian của mình nhưng nó như một ngòi nổ kích động nhiều cuộc khởi nghĩa khác. Riêng ở Nghệ Tĩnh đã có các cuộc khởi nghĩa của Vương Thúc Mậu (1886-1887) ; Lê Ninh, Tống Duy Tân…

   Hành động của cụ Đầu xứ Hoàng Phan Thái được Phan Bội Châu hết sức ca ngợi. Năm 1907, Phan Bội Châu viết: Tập tiểu truyện Đầu xứ Thái, một nhà nho sống thời Tự Đức và đã bị bọn phong kiến triều Nguyễn xử tử vì có tư tưởng chống đối triều đình nhà Nguyễn. Trong Phan Bội Châu niên biểu, tác giả cho rằng: cuốn trên này đánh dấu một chuyển biến lớn trong tư tưởng của mình. Truyện đề cao một “loạn thần” lên địa vị “ông tổ” mở đường cho cuộc vận động chống quân quyền ở Việt Nam đồng thời tố cáo tội ác của Tự Đức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.