284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐÀO CÔNG BỬU



Đào Công Bửu còn có tên là Đoàn Công Bửu, Đào Xuân Bửu, Cả Bửu sinh năm 1825 tại Trà Vinh ngụ tại xã An Bồi, Bảo Hữu, Bến Tre. Năm 1867 ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh với chức vụ Tổng binh dưới sự chỉ huy của Phó đốc binh Lê Đình Đường. Ông đã tham gia trận đánh ở Long Điền ở tổng Bình Trị Thượng ngày 26/8/1867. Trận này nghĩa quân thắng lớn nhưng chủ tướng Lê Đình Đường hy sinh, nghĩa quân tan rã, ông chạy về Bến Tre, liên kết với những người yêu nước. 

Năm 1875 Đào Công Bửu, cùng Nguyễn Xuân Phụng khởi nghĩa ở Trà Vinh. Đến năm 1885, 1886 hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Đào Công Bửu tham gia các hoạt động chống Pháp ở Bến Tre, Mỹ Tho. Năm 1893 thực dân Pháp đã ổn định được bộ máy cai trị của chúng từ cấp xứ, tỉnh, phủ, huyện, tổng tới cấp xã, ấp đặt các đồn binh, đồn cảnh sát ở khắp mọi nơi để khống chế đồng bào. Năm đó Đào Công Bửu đã 67 tuổi vẫn cùng với Lê Công Từ phát động nhân dân khởi nghĩa chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc, Gia Định.

Để có danh nghĩa, Đào Công Bửu tự xưng là “Nam Kỳ tướng quân Nguyên soái Đào Công Bửu”, Lê Công Từ là “Nam Kỳ phó tướng quân”. Đào Công Bửu từng chỉ huy nghĩa quân từ năm 1867 nên ông tích luỹ được nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và đặc biệt là công tác giữ bí mật. Để tránh sự truy lùng của bọn cầm quyền Pháp, ông chọn Rạch Giá cách xa các đô thị lớn để đặt sở chỉ huy, song không cố định ở một nơi và có nhiều cơ sở dự bị như Rạch Giá, rạch Cái Nhum, Nước Mặn, Chùa Nha Sạp ở làng Nhục Tụng, Rừng Cái Nạng, Gò Đất. Vì vậy ông đã nhiều lần thoát được các cuộc vây bắt của giặc như trường hợp đầu tháng 12/1893, ông đang trên đường từ Bến Tre đi Rạch Giá thì bị quân Pháp phát hiện, ông lập tức chuyển sang Cù Lao Dài khoảng nửa đêm ngày 5/12/1893 ông tới nhiều cơ sở rồi về Cà Mau.

Sự hoạt động linh hoạt của ông đã được tri huyện Sa Đéc báo cáo với thực dân Pháp như sau: “Trong thời gian ở Rạch Giá, Đào Công Bửu đã giả dạng là thày pháp cao tay, có khi lại đóng vai một viên quan đi tuyển mộ nghĩa sĩ theo lệnh của ông vua xuất bôn” (ý nói vua Hàm Nghi).

Nhận xét về các hoạt động chống Pháp của ông, báo cáo ngày 5/6/1894 của tri huyện Sa Đéc viết: ”Bửu là tên phiến loạn rất ngoan cố, nếu tính cả lần mưu tính nổi dậy vào năm 1894 thì Bửu đã 5 lần lôi kéo, kích động dân Nam Kỳ chống lại người Pháp”.

Tên chủ tỉnh Rạch Giá phải thừa nhận: “Cuộc vận động chống lại chúng ta trên hầu khắp các tỉnh ở Nam Kỳ trong những tháng đầu năm nay là do Đào Công Bửu chủ mưu. Y đã triển khai mưu đồ chủ yếu tại địa bàn các tổng Kiên Định, Kiên Hảo là những tổng khó kiểm soát nhất”.

Thống đốc Nam Kỳ viết trong báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương về ông như sau: “Đào Công Bửu rất linh hoạt và năng động, tuy đã già. Y len lỏi được trong hạt Rạch Giá và tìm cách đánh lạc hướng sự truy nã của chúng ta là nhờ sự đồng mưu của nhiều hương chức và dân địa phương, cảm thấy mình đã được lãng quên, Đào Công Bửu lại bắt đầu khởi xướng những vụ nổi loạn và y đã chọn một địa bàn được chuẩn bị chu đáo trong các tổng Kiên Định và Kiên Hảo. Đào Công Bửu không khó khăn lắm trong việc làm cho mọi người tin rằng y là một quan chức của triều đình Huế được cử vào kêu gọi dân chúng Rạch Giá nổi dậy chống lại nền thống trị của người Pháp. Đào Công Bửu đã từng là tên chủ mưu ngoan cố trong các vụ nổi dậy liên tiếp ở Trà Vinh, Bến Tre, và ở nhiều địa phương khác, nay y lại xuất hiện ở Rạch Giá đẻ tổ chức một cuộc nổi loạn mới”.

Đáng tiếc là cuộc vận động yêu nước do Đào Công Bửu lãnh đạo chưa kịp bùng nổ thì ông và hầu như toàn bộ các thủ lĩnh đều bị thực dân Pháp bắt. Bọn xâm lược Pháp và tay sai Nam triều đã dùng mọi cực hình tra tấn để khai thác bí mật của tổ chức. Song họ đều dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, bảo vệ những thủ lĩnh nghĩa binh chưa bị lộ, bảo vệ cơ sở. Tất cả những người có danh sách trên đều bị bắt và bị kết án tù từ 4 đến 15 năm và đày đi Côn Đảo. Ra đảo họ bị đánh đập, lao dịch nặng nhọc, bị bỏ đói nên phần lớn đều chết trước khi mãn hạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.