284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HỒ HUÂN NGHIỆP



Hồ Huân Nghiệp tên chữ là Thiệu Tiên, Thiệu Thiên, sinh năm 1828, người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Trương Định gửi giấy cử Huân Nghiệp giữ chức Tri phủ Tân Bình. Huân Nghiệp cố từ chối không nhận vì nhà có mẹ già. Nghĩa hào hai huyện Bình Dương, Tân Bình lại gửi cho Hồ Huân Nghiệp một bức thư trong đó có đoạn:“Trong khi quốc gia lâm nạn, trượng phu ắt phải vì nước quên nhà. Vậy ông là người xứng đáng làm tiên hiền cho cả binh dân, lẽ nào chỉ hiếu mà bỏ trách nhiệm non sông”.

Hai bạn thân của ông là cử nhân Lê Xuân Khánh và tú tài Phan Như Châu đều khuyên ông ra gánh vác việc nước. Hồ Huân Nghiệp tạm nhận để việc binh, việc dân có kẻ chủ trương. Buổi ấy, hạt Gia Định bị giặc Pháp chiếm, quan lại phủ, huyện do Trương Định đặt ra đều ẩn náu trong nhà dân mà làm việc. Huân Nghiệp đã nhận việc điều động binh lính tiếp tế cho Trương Định. Nhờ có nguồn lương thực dồi dào đó mà nghĩa quân ăn no đánh thắng. Tân Hòa thất thủ, ông không nao núng, vẫn bí mật làm việc như cũ.

Ngày 12/3 năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức 17 (17/4/1864), giặc Pháp bắt được ông, giải về huyện lỵ cũ Tân Bình. Bọn Tây tra hỏi Huân Nghiệp tên những người cầm đầu nghĩa quân, nhưng ông không trả lời. Chúng còn hỏi Hòa ước đã định, sao còn sinh sự hại dân. Ông khảng khái cãi lại. Bọn Pháp không làm sao cho ông thua lý được. Chúng đem ông ra chém. Tên cố đạo biết chữ Hán thấy Huân Nghiệp là một người nho học, muốn tìm cách làm cho ông được tha, hắn đem giá chữ thập ra bảo ông lạy, ông không chịu khuất, lấy giá chữ thập vứt xuống đất.

Đến lúc sắp phải hành hình, Hồ Huân Nghiệp rửa mặt, sửa khăn áo rồi ung dung dọc bốn câu thơ:

LÂM HÌNH THỜI TÁC

Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi
Thử thân sinh tử hà tu luận
Duy luyến cao đường bạch phát thùy

Dịch thơ:

LÀM LÚC SẮP BỊ HÀNH HÌNH

Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ
Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ
Thân này sống chết khôn màng nhắc
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ
(1)

Ông bị giặc Pháp chém, ai thấy cũng xót xa.

Nguyễn Thông trong Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX có viết rằng:

Phan Văn Đạt xướng nghĩa đầu tiên, thân chịu chết để giữ trọn điều nhân. Trương Định bị thua, chạy trốn, thu thập tàn quân, chiếm cứ Tân Hòa, bỏ mình vì nghĩa. Ví thử khi Gia Định chưa mất được cầm quyền binh nhờ quốc oai và địa thế thì mưu lược sắp đặt há chỉ có thế mà thôi đâu. Còn Hồ Huân Nghiệp ở nhà thờ mẹ, gặp thời loạn lạc không thể không đạt được chí muốn của mình. Nhưng bài thơ ông làm khi ông lâm chung, lời nói mạnh mẽ. Thật đúng là bậc trượng phu tiết nghĩa.

Từ khi người Tây gây biến ở lục tỉnh, sĩ phu và dân chúng liều mình đứng lên, khẳng khái chịu chết kể không xiết được, như Đỗ Trình Thoại (2) ở Tân Hòa, Nguyễn Lịch ở Tân An đều là những tấm gương chói lọi. Còn như ở chốn làng xa, ngõ hẻm, những trinh phụ, liệt nữ trọng nghĩa không chịu ô nhục, chống giặc đến chết, chính tôi biết được có hơn chục người. Tiếc rằng thời thế đổi đời, đường xá cách trở, sự tích không sao biết rõ được.

Than ôi! Người ta đang cơn loạn lạc, hầu dễ mấy ai chịu quyên sinh để giữ vững khí tiết. Thế mà những người nêu cao được tiết tháo nhưng việc làm lại bị che lấp, không ai biết mà truyền lại, cho nên không được triều đình ban khen. Cũng trong đám người trọng nghĩa mà có người may, người không may, đáng thương lắm thay!”.

———————————————————————–
(1) Ca Văn Thỉnh – Bảo Định Giang dịch- (Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, NXB Văn Hóa, 1962).
(2) Đỗ Trình Thoại: đậu cử nhân đời Triệu Trị, làm Tri huyện Long Thành bị cách Về nhà. Quân ta thua ở Gia Định. Tây chiếm Tân Hòa, Thoại chiêu mộ quân dân đánh đồn giặc, bị tử trận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.