284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

CAI HẬU



   Cai Hậu tên thật Nguyễn Văn Hậu, quê ở làng Dương Lâm, tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã An Dương huyện Tân Yên, Bắc Giang.

   Ông Nguyễn Văn Hậu tham gia nghĩa quân nhưng không công khai mà giữ chân thủ từ ở đình để che mắt giặc. Ông đào một đường hầm từ hậu cung ra bờ ao vào cánh đồng đề phòng các thủ lĩnh đang hội họp, nghỉ ngơi bị giặc bao vây, tập kích bất ngờ thì thoát ra ngoài một cách dễ dàng.

   Trong mấy trận quân Pháp tấn công nghĩa quân đóng trong làng Dương Lâm, chúng đã bắn pháo phá sập ngôi đình. Mãi đến thời kỳ “Hòa hoãn với bọn cầm quyền Pháp lần thứ hai” (1897- 1909), Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đã giúp dân Dương Lâm dựng lại ngôi đình mới. Đình mới nằm ở giữa làng, cạnh con đường liên xã đi Ngàn Ván, quay mặt ra hướng Nam, nhìn vào núi Quế. Ngôi đình này tuy nhỏ hơn đình cũ nhưng nằm trên địa thế cao, mặt nhìn ra cánh đồng rộng, kế đó là núi Quế bốn mùa xanh tươi. Đình lại ở giữa làng, bên cạnh đường đi, thuận tiện.

   Đình dựng xong, chính tay Đề Thám đã cùng ông Cai Hậu trồng cây Dạ hương trước cửa đình làm kỷ niệm. Ông Cai Hậu lại được dân làng giao cho làm thủ từ. Ông là một chỉ huy nghĩa quân xông xáo, gan dạ và mưu trí.

   Sau vụ “Hà Thành đầu độc” năm 1908 bọn cầm quyền Pháp biết do nghĩa quân Yên Thế chủ mưu, nên cuối tháng 12  năm 1908, tháng giêng năm 1909, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào Phồn Xương, Hố Chuối và hầu hết các căn cứ của nghĩa quân. Không tiêu diệt được nghĩa quân giặc Pháp đốt phá làng Dương Lâm và các làng có nghĩa quân hoạt động. Chúng biết rõ mối quan hệ giữa làng Dương Lâm với nghĩa quân Yên Thế, giữa ông Cai Hậu với thủ lĩnh Đề Thám, nên đã bắt ông tra tấn cực kỳ dã man để mong tìm ra nơi Đề Thám và các tướng lĩnh cư trú và những bí mật khác của nghĩa quân. Nhưng ông Cai Hậu vẫn kiên trinh, bất khuất không khai báo với giặc nửa lời. Chúng đã hèn hạ giết chết ông.

   Cho đến nay, trên 110 năm đã trôi qua, tướng quân Đề Thám, ông Cai Hậu đã hy sinh, nhưng chiến công lừng lẫy của cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn đó. Đình Dương Lâm cùng cây Dạ hương là nhân chứng lịch sử đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa anh hùng Yên Thế vẫn còn đó, trường tồn với đất nước đã sạch bóng quân thù. 

   Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định số 154-QĐ ngày 25/1/1991 công nhân đình Dương Lâm là di tích lịch sử văn hóa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.