284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ ĐÌNH DIÊN



Lê Đình Diên sinh năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824), người làng Mọc Cựu, xã Nhân Mục Cựu, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (1). Lê Đình Diên sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông học giỏi, có tư cách được cử làm trưởng tràng của cụ nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan.

Ông thi đậu cử nhân khoa Mậu Thân, Tự Đức thứ 2 (1848). Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Dậu dưới triều Tự Đức (1849). Ông làm bài thơ, dịch như sau:

      Người đời đánh cá biển khơi
      Ta lại đánh cá ở nơi núi rừng
      Nơi núi rừng vốn không có cá
      Núi quanh co như thể sướng dồn,
      Người đời kiếm củi đầu non,
      Ta lại kiếm mãi ở mom biển ngoài
      Ngoài biển cả, khảo ai ra củi?
      Chỉ nhấp nhô sóng đuổi núi cao
      Người đều cày ruộng bằng trâu
      Ta lại đem bút thay trâu mà cày
      Cây bút vắng tiếng trâu hì hục
      Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa
      Người đều miệng đọc ngâm nga
      Ta nay tâm đọc lại là phần hơn,
      Tâm đọc sách không vang thành tiếng
      Mà Thiên kinh, vạn quyển làu trơn
      Thành cầu tâm đắc là hơn…

   Lúc đầu ông được bổ chức quan Hàn lâm Biên tu, rồi thăng tri phủ Tân Yên. Ông vốn tính thẳng thắn, không xu nịnh quan trên, nên quan phủ, tỉnh không ưa, dâng sớ về triều nói xấu ông. ông bị cách chức, năm 1858 , ông được khai phục chức Biên tu, Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm 1860 thăng hàm Tu soạn, điều bổ làm Đốc học Nghệ An, sau làm Đốc học Hà Nội. Năm 1870  chán cảnh triều đình Huế ký các Hiệp ước đầu hàng giặc Pháp, để mất lục tỉnh Nam Kỳ vào tay giặc Pháp nên ông cáo quan về nghỉ, mở trường dạy học ở số nhà 39 phố Hàng Đậu. Trường của ông khi mới thành lập chỉ có năm gian nhà tranh, tre, nứa, lá. Sau học trò góp tiền xây nhà gạch, lớp ngói. Căn nhà vừa là nơi dạy học vừa là nơi thờ gia tiên. Nhà tiền tế có bức hoành phi: Quân tử thành mệnh do một học trò cũ là Vũ Nhự, đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881. Nay là số nhà 39 phố Hàng Đậu, Hà Nội.

   Tên lái buôn Jean Dupuis ngày càng ngang ngược. Một lần ông nằm trên võng có hai phu võng khiêng qua Cửa Bắc, nhìn thấy hai tên Pháp và một tên người Nam, đang tò mò xem xét, có vẻ như ghi chép ở Cửa Bắc. Ông nằm trong võng thò đầu ra mắng chúng không được nhòm ngó. Ngay lập tức một thằng Tây xông tới đánh ông ngã quị xuống đất. Hai phu võng vừa đỡ ông dậy vừa kêu cứu. Nhân dân nghe tiếng liền đem gậy gộc đổ ra đường đánh đuổi chúng. Ngay chiều hôm đó thân hào, tư văn Hà Nội họp ở Văn Miếu thành lập đội quân trên 300 người, tôn tiến sĩ Lê Đình Diên làm thủ lĩnh, cử nhân phường Kim Cổ Ngô Văn Dạng trực tiếp chỉ huy. Ngô văn Dạng nhận thấy phải tổ chức trừng trị quân Pháp nên đánh hai trận ngày 7 và ngày 9 tháng 11 năm 1873. Song cả hai trận đánh trên không đem lại hiệu quả lại bị quan tỉnh Hà Nội theo lệnh triều đình Huế bắt giải tán nghĩa quân. Ngày 20/11/1873 khi Francis Gernier đánh thành Hà Nội thì tiến sĩ Lê Đình Diên và cử nhân Ngô Văn Dạng đã tập hợp được một số nghĩa quân, dân binh đánh vào sau lưng quân Pháp, hỗ trợ cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đánh giặc ở trong thành.

   Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết Tự Đức lại cử Nguyễn Trọng Hợp giữ chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ ra Hà Nội đàm phán với Pháp. Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên cùng đồng môn dựng bia cho thày Vũ Tông Phan tại ngôi trường Tự Tháp cũ, gạt Nguyễn Trọng Hợp ra khỏi tổ chức, Hợp không được tham gia dựng bia thày nên cay cú với Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên lắm. Giặc Pháp cũng như Nguyễn Trọng Hợp sợ hãi, hằn học tìm cách đối phó. Chúng cho tay chân rình rập đánh trọng thương tiến sĩ Lê Đình Diên. Giặc Pháp và triều đình Huế đã sai Nguyễn Trọng Hợp ra Hà Nội đàn áp dữ dội nho sĩ Hà Nội. Chúng phá nhà thờ Vũ Tông Phan để xây dinh thự cho tên Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là báo Nhân dân). Nhưng các nho sĩ Hà Nội và nhân dân đã bảo vệ được tấm bia và chuyển đến nơi an toàn.

   Lê Đình Diên mất năm khoảng năm 1885. 

————————————————————————
(1) Vùng Mọc từ thập kỷ 70 của thế kỷ XIX trở về trước chia làm hai xã là Nhân Mục Môn và Nhân Mục Cựu. Nhân Mục Môn gồm Quan Nhân, Giáp Nhất, Chính Kinh (Hoa Kinh) và Cự Lộc. Nhân Mục Cựu gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình. Khoảng đời Tự Đức (1848-1883), Thượng Đình và Hạ Đình tách thành 2 xã Thượng Đình và Hạ Đình độc lập nhau. Lê Đình Diên quê ở Hạ Đình, nay thuộc phường Hạ Đình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.