284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ TRỰC



   Lê Trực còn gọi là Lê Văn Trực, sinh năm Tân Sửu (1841), quê làng Thanh Thủy, tổng Tuần Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. nay thuộc huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.

   Năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 11 (1858), ông 28 tuổi, thi đỗ cử nhân võ được sung vào Võ học đường học tập chờ khoa thi Hội. Năm Kỷ Tỵ (1869). Tự Đức thứ 22, qua sát hạch ở Võ học đường ông được tham gia Hội thí, đỗ thứ nhì, hạng thứ trúng cách, song vào thi Đình lại đỗ thứ ba, được ban chức Đệ Tam giáp Tiến sĩ võ xuất thân. Trước năm 1882 từng giữ chức Đề đốc Hộ thành Hà Nội.

   Ngày 3 tháng 4 năm 1882 giặc Pháp do Henri Rivière chỉ huy đổ bộ ra Hà Nội. Theo lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu. Lê Trực cùng các tướng củng cố thành trì, cổng thành được thay bằng cánh mới bằng gỗ lim dầy, tường thành được đắp cao từ 0,5 đến 2 mét.

   Sau khi gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu không được trả lời, 10 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1882, Henri Rivière cho bắn đại bác dồn dập vào thành rồi cho quân tấn công. Thành vỡ. Lê Trực lui về quê ở tại Quảng Bình. Tại quê hương, ông vẫn nung nấu ý chí chống Pháp, bí mật liên kết với những người yêu nước chuẩn bị vũ khí. lương thực đợi thời cơ khởi nghĩa đánh Pháp.

   Tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tấn công đồn Mang Cá, Tòa Lãnh sự Pháp, khu nhượng địa Pháp, nhưng việc không thành. Các tướng phải phò giá vua ra Quảng Trị, nhà vua hạ chiếu Cần vương. Lập tức Lê Trực cùng các đồng chí hưởng ứng, chiêu mộ quân dựng cờ khởi nghĩa kéo quân lên thượng nguồn sông Gianh xây dựng căn cứ.

   Lê Trực được vua Hàm Nghi phong là Đề đốc, cho dự việc quân cơ với các đại thần. Ông vốn là người Quảng Bình, là Lãnh binh lại thông thuộc địa hình vùng núi Quảng Bình nên được các đại thần giao cho việc chỉ huy xây dựng các đồn trại.

   Tháng 12/1885, sau khi quân Pháp chiếm được Vinh liền cho quân ngược sông Ngàn Sâu tiến vào trung tâm kháng chiến của vua Hàm Nghi. Lê Trực xin đem nghĩa quân đi đánh trận đầu với quyết tâm thắng lợi để tăng sĩ khí cho quân ta và gây nỗi khiếp đảm cho quân Pháp.

   Tháng 3/1886, Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện, bên cạnh vua Hàm Nghi chỉ còn Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân. Tình hình ở Quảng Bình hết sức khó khăn vì quân Pháp đóng nhiều đồn bốt vây quanh căn cứ của vua Hàm Nghi. May sao khi đó ở Bắc Kỳ, quân ta đánh mạnh, quân Pháp phải rút bớt lực lượng ở Trung Kỳ ra Bắc. Nhân đó Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân đem quân vây hãm Quảng Khê, Chợ Đồn, Đồng Hới. Song quân Pháp tuy lực lượng ít, nhưng được trang bị vũ khí hiện đại, chống trả quyết liệt, nên nghĩa quân không tiêu diệt được mục tiêu. Đến tháng 11/1886 nghĩa quân do Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã đánh bật hai cuộc hành quân của quân Pháp vào Nam Lưu.

   Vua bù nhìn Đồng Khánh, tay sai đắc lực của thực dân Pháp sai Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi và các quan đầu hàng, bị thất bại, tên đại úy Mutê chỉ huy đồn Minh Cầm viết thư dụ hàng Lê Trực tới ba lần, đều bị Lê Trực vạch mặt là quân Pháp chia rẽ lương giáo.

   Trong bức thư cuối cùng Mutê buộc Lê Trực đầu hàng không điều kiện, nếu không sẽ bị bắn chết, Lê Trực khảng khái trả lời: “Tôi vì vua vì nước sống chết một lòng chứ không dám vì tham sống mà quên nghĩa”.

   Ngày 19/6/1887, Mu tê đánh úp căn cứ của Lê Trực ở vùng núi Thanh Thủy vào ban đêm. Hầu hết các bộ tướng nghĩa quân như Phạm Tường, thủ hạ số 1 của Lê Trực, cả vợ con Lê Trực cũng bị bắt. Lê Trực chạy thoát vào ẩn náu trong rừng một thời gian.

   Đối với những người bị bắt giặc đưa Phạm Tường về làng Thọ Ngoã quê ông để hành hình, còn tất cả mọi người không kể lớn bé, già trẻ đều bị giết ở Minh Cầm.

   Lê Trực tập hợp được một số nghĩa quân tiếp tục chiến đấu, ông không ở nơi nào cố định, xuất quỷ nhập thần đánh giết quân Pháp khiến cho quân Pháp hoảng loạn..

   Cuối năm 1887, đầu năm 1888, Tôn Thất Tiệp, Tôn Thất Đàm, Lê Trực phá thế bao vây của giặc Pháp, đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cuối hè năm 1888 tình hình nghĩa quân Quảng Bình được cải thiện. Nhưng ngày 1 tháng 11 năm 1888, tên Trương Quang Ngọc và tên Nguyễn Đình Tình ở trong đội bảo vệ nhà vua làm phản đưa quân Pháp vào bắt vua. Tôn Thất Tiệp cầm kiếm xông ra bị một tên giặc đâm lén chết. Tôn Thất Đàm nhận được tin, họp các quan căn dặn các quan không nên theo giặc rồi vào rừng thắt cổ tự tử.

   Vua bị bắt, các đại thần bị giết hại, sự nghiệp không còn gì, trong khi đó giặc vẫn giết hại nhân dân để truy bức ông. Cuối tháng 12 ông tự ý ra cho giặc bắt để chúng khỏi giết hại nhân dân. Đồng Khánh và bọn quan Nam triều muốn giết ông, nhưng thực dân Pháp muốn mua chuộc ông nên giam giữ ông một thời gian rồi đưa về quê quản thúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.