284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỐC NGỮ



   Đốc Ngữ tên thật là Nguyễn Đình Ngữ, sinh năm 1850, quê ở làng Xuân Vân, tổng Xuân Trù, nay thuộc xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Ông đi lính, sau giữ chức cai đội trong quân đội của Thống tướng Hoàng Kế Viêm đóng ở thành Sơn Tây. Ông tiễu phỉ lập được nhiều công lao, được phong là Đốc binh. Từ năm 1880, Đốc Ngữ chỉ huy một đội quân đóng ở thành Sơn Tây. Ông tham gia đánh trận Cầu Giấy lần thứ 2, ngày 19/5/1883 giết chết Henri Rivière.

   Sau Hiệp ước Harmand, Hoàng Kế Viêm theo lệnh triều đình rút quân về Huế, Đốc Ngữ ở lại cùng Bố chính Nguyễn Văn Giáp giữ thành Sơn Tây. Khi quân Pháp bại trận ở Phùng, Bố Giáp giao cho ông bảo vệ chiến lũy Phù Sa, tiền đồn của thành Sơn Tây. Sau khi chiếm Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh… thì một mục tiêu quan trọng cần phải đánh chiếm của quân Pháp là đánh chiếm thành Sơn Tây. So sánh lực lượng lúc đó thì quân Việt trong thành Sơn Tây có 25.000 người (kể cả quân Cờ Đen). Quân Pháp ở Bắc Kỳ khi đó có 8.000 quân, không kể thủy binh trên một số pháo hạm do Thiếu tướng Hải luân Cuốcbê (Courbet) chỉ huy.

   Phán đoán quân Pháp tiến đánh Sơn Tây (cách sông Hồng 1000 mét). Quân Việt bố trí phòng thủ ở Phù Sa (thuộc huyện Phú Lộc, phủ Quảng Oai, Sơn Tây). Chỉ huy đồn Phù Sa là Đốc Ngữ.

   Bẩy giờ sáng ngày 14 tháng 12 năm 1883, pháo binh Pháp bắn dữ dội vào thành Phù Sa, rồi tấn công Phù Sa bằng hai mũi. 11 giờ quân Pháp chiếm được xóm Chiêu thuộc Phù Sa, 13 giờ chúng đến cách chân thành Phù Sa 500 mét, chúng bắn pháo dữ dội vào khu vực đặt thần công của quân Việt. 14 giờ Hoàng Kế Viêm phái một cánh quân từ thành Sơn Tây đánh tạt sườn quân Pháp, nhưng không đẩy lùi được chúng. 16 giờ quân Pháp nổi kèn xung phong, Đốc Ngữ thân chỉ huy quân thành Phù Sa kháng cự mãnh liệt đẩy lùi nhiều đợt xung phong của giặc. Chỉ trong ngày 14 quân đồn Phù Sa đánh thương vong 250 quân Pháp, trong đó có 13 sĩ quan. Đêm 14 rạng ngày 15 Đốc Ngữ nhiều lần tấn công vào các vị trí đóng quân của quân Pháp, song không đẩy lùi được chúng. Sáng ngày 15 thấy không thể đánh lui được quân Pháp, Đốc Ngữ được lệnh rút về thành Sơn Tây.

   Rạng sáng ngày 15/12, Cuốcbê cho quân nghi binh ở cửa Bắc rồi tấn công cửa Tây. Chúng còn cách cửa Tây khoảng 300 mét thì bị quân trong thành bắn ra dữ dội, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề. Nhưng đến 17 giờ 45 phút quân Pháp phá được cổng thành cửa Tây, tràn vào thành. Cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra suốt đêm.

   Tảng sáng ngày 17/2, quân Việt đốt hết kho lương thực, súng đạn rồi rút về phía Bắc thành Sơn Tây. Kết thúc chiến dịch, quân Pháp chết và bị thương khoảng 350 tên, trong đó có 22 sĩ quan, phía quân Việt chết khoảng 2.000.

   Thành Sơn Tây bị quân Pháp chiếm. Năm 1887, thủ lĩnh Nguyễn Văn Giáp hy sinh, Nguyễn Đình Ngữ tập hợp quân sĩ; chiêu mộ thanh niên dân tộc Việt, dân tộc Mường ở các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy và vùng bên kia sông Đà tiếp tục đánh Pháp. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh ở Hòa Bình, Sơn Tây, làm chủ vùng Chợ Bờ, Yên Lãng. Với cương vị là phó tướng đạo Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình), ông nhiều lần đưa quân đột nhập vào Hà Nội, Hà Nam ngày nay tập kích các đồn binh Pháp, tiễu trừ bọn việt gian thân Pháp. ông phát động nhân dân chống quân Pháp bắt lính, bắt phu.

   Đốc Ngữ là một viên tướng xuất sắc, các tướng tá Pháp mặc dù không muốn, chúng cũng phải ca ngợi; trung tướng Pennequin viết trong báo cáo của hắn: “Trong cuộc khởi nghĩa của người An Nam, các thủ lĩnh của họ đã chỉ huy quân đội như là những sĩ quan cừ khôi. Họ biết lựa chọn và sử dụng địa hình, sắp xếp quân lính. Bản thân tôi đã trông thấy Đốc Ngữ điều binh. Ông đã biết chọn vị trí bảo vệ mạng sườn cho quân mình, nhìn ra điểm yếu trong đội hình tấn công của quân ta. Phải chăng đến ngày nay (năm 1911) chúng ta vẫn còn thấy Đề Thám bất khuất trong cuộc chiến đấu, không bao giờ nản chí. Đây là một người anh hùng đáng được chúng ta hết lòng khâm phục cũng như tất cả người An Nam khâm phục ông ta”.

   Một sĩ quan Pháp khác từng đem quân đánh nhau với Đốc Ngữ cũng phải viết về ông với những lời lẽ khâm phục:
   “Những ai theo dõi, từ năm 1889, lịch sử của những trận nội chiến (những cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp) của chúng ta đều nhớ lại rằng: hơn hẳn, mọi người khác, Đốc Ngữ là người quyết liệt nhất và may mắn nhất trong số những kẻ thù của chúng ta (người Pháp). Đốc Ngữ chiếm được ở người An Nam một uy tín và một ảnh hưởng mà không một người Pháp hay người bản xứ nào có thể sánh bằng. Rất khôn khéo, chỉ tấn công khi nắm chắc thắng lợi, không bao giờ chịu lùi bước trước những lực tượng to lớn của quân đội Pháp. Đốc Ngữ bao giờ cũng lừa đánh chúng ta một đòn đẫm máu… Một lần vào tháng 3 năm 1891, ông ta phải lùi bước lực lượng của chúng ta, nhưng sau 7 giờ chiều đấu liền và không hề rơi vào tay chúng ta một người bị thương hay một khẩu súng. Chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù ghê gớm, biết chỉ huy và chiến đấu giỏi”.

   Với chính sách chia rẽ người Việt (Kinh) với đồng bào các dân tộc thiểu số, quân Pháp dùng tiền, gái, thuốc phiện, chức tước mua chuộc các tên Đinh Văn Lan, Đinh Văn Thiệu làm phản. Tháng 8/1892, bọn chúng lại lẻn vào bản bộ ám sát Đốc Ngữ và 9 tướng tâm phúc.

   Đồng bào các dân tộc Việt – Mường – Dao vô cùng thương tiếc vị thủ lĩnh đánh Pháp xuất sắc và rất mực thương dân. Cái chết của ông và của các tướng tâm phúc khiến cho lực lượng nghĩa quân tan rã.

   Nhớ ơn Đốc Ngữ, đồng bào dân tộc Mường và Dao đã lập đền thờ ông ở Suối Trùng, xã Tân Lập. Làng Xuân Vân cũ, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây bị lở xuống sông Hồng, nhân dân chuyển đến nơi ở mới cũng lập đền thờ ông – người con ưu tú của quê hương.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.