284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN QUANG



   Ngày 25/4/1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ 2. Nguyễn Cao, Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Thiện Thuật đã thành lập “Đại nghĩa đoàn”, còn gọi là “Tam tỉnh nghĩa quân” để đánh Pháp.

   Đông đảo sĩ phu, hào kiệt ba tỉnh hưởng ứng, trong đó có Nguyễn Quang. Tên thực của ông là Nguyễn Trọng Đạo, quê ở làng Phù Khê, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông giữ chức Án sát tỉnh Bắc Ninh, đã cùng em họ là tú tài Nguyễn Trọng Huyên chiêu mộ quân rồi gia nhập Tam tỉnh nghĩa quân.

   Bộ Tư lệnh Đại nghĩa đoàn giao cho Nguyễn Quang nhiệm vụ chọn vị trí đóng đồn trại, phòng thủ. Nguyễn Quang là một trong những người đề xuất đóng đồn binh ở xã Đình Bảng, nay thuộc huyện Từ Sơn. Từ Đại đồn Đình Bảng, Nguyễn Quang còn thiết lập các đồn nhỏ khống chế lưu vực sông Cà Lồ ở các huyện Kim Anh, Đa Phúc của Bắc Ninh, Sơn Tây; các huyện Phổ Yên, Phú Bình của Thái Nguyên và dãy núi Thằn Lằn trong đó có đỉnh Sóc Sơn, đền thờ Thánh Gióng. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Nguyễn Quang đã ủng hộ chủ trương của các thủ lĩnh Đại nghĩa đoàn xây dựng căn cứ ở vùng núi Nham Biền nay thuộc huyện Yên Dũng nằm trên bờ Hữu ngạn sông Thương. Nguyễn Quang cùng với Nguyễn Trọng Huyên có mối giao lưu rộng rãi với các nho sĩ, tổng lý vùng Từ Sơn, Yên Phong, Đông Anh, Tiên Du, đã đảm nhận việc phát triển lực lượng và tiếp nhận lương thực, thực phẩm của đồng bào ủng hộ. Các ông còn tham gia các trận đánh bảo vệ căn cứ, chặn đánh quân Pháp khi chúng đánh phá các căn cứ của Đại nghĩa đoàn. Song thế giặc quá mạnh, lực lượng nghĩa quân lại mỏng, thiếu vũ khí và lương thực, Nguyễn Quang phải trở về Phù Khê. Biết không khôi phục được lực lượng, tết năm 1885, ông đến lễ ở nhà thờ họ rồi tới xã Văn Môn, tổng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tuẫn tiết. Nhân dân Văn Môn đã lập miếu thờ người hào kiệt chống Pháp kiên cường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.